Tôn vinh VĐV không vì chiều lòng dư luận

Hoàng Xuân Vinh và xạ thủ Hàn Quốc Jin Jong Oh, một tượng đài của bắn súng thế giới, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018. Xuân Vinh đánh bại Jin Jong Oh ở nội dung 10m súng ngắn hơi tại Olympic Rio 2016. Ảnh: Đ.H
Hoàng Xuân Vinh và xạ thủ Hàn Quốc Jin Jong Oh, một tượng đài của bắn súng thế giới, trong chuyến thăm Việt Nam năm 2018. Xuân Vinh đánh bại Jin Jong Oh ở nội dung 10m súng ngắn hơi tại Olympic Rio 2016. Ảnh: Đ.H
TP - Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu xoay quanh vấn đề chọn đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 của Bộ VH-TT&DL.

“Tôi cho rằng với tư duy bình quân chủ nghĩa, Bộ VH-TT&DL sẽ khiến các VĐV đánh mất động lực phấn đấu”-nhà báo Nguyễn Lưu cho biết.

Thưa nhà báo Nguyễn Lưu, ông đánh giá như thế nào việc Bộ VH-TT&DL từ chối chọn Hoàng Xuân Vinh dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10 với lý do anh đã dự lần 9, năm 2015?

Tôi đã khá ngạc nhiên khi không thấy Hoàng Xuân Vinh trong danh sách dự đại hội của Bộ VH-TT&DL và chỉ biết lý do khi đọc trên báo Tiền Phong. Quan điểm chọn VĐV như vậy thì lạ quá. Việc lựa chọn một VĐV đại diện cho ngành thể thao, theo tôi tiên quyết phải dựa trên thành tích, sự đóng góp của người đó với sự phát triển thể thao nước nhà.

“Tôi xin nói ngay Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không thể sâu sát từng chi tiết chuyên môn, và chúng ta đã có cả một Tổng cục TDTT để phụ trách vấn đề đó, tư vấn cho Bộ trưởng. Ý kiến của Tổng cục TDTT vì vậy cần phải được tôn trọng”, nhà báo Nguyễn Lưu

Chủ nghĩa bình quân sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của VĐV, tạo nên sự không công bằng. Cách lựa chọn như vậy theo hướng chiều lòng dư luận nhiều hơn là đánh giá chính xác “chất lượng” thành tích của các VĐV. Cách đây 2 năm tôi từng tham gia hội đồng bình chọn một giải thưởng thể thao rất uy tín. Tôi không tiện nêu tên VĐV, nhưng hội đồng khi đó đã chọn VĐV A. Nhưng sau đó chúng tôi lại được nói lại, là ý lãnh đạo Bộ VH-TT&DL muốn chọn VĐV B, được công chúng mến mộ hơn. Tôi cho rằng can thiệp như vậy là phi chuyên môn.

Về “chất lượng” thành tích của VĐV, ông đánh giá như thế nào về lựa chọn của Bộ VH-TT&DL?

Tôi xin nói ngay Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không thể sâu sát từng chi tiết chuyên môn, và chúng ta đã có cả một Tổng cục TDTT để phụ trách vấn đề đó, tư vấn cho Bộ trưởng. Ý kiến của Tổng cục TDTT vì vậy cần phải được tôn trọng. Về thành tích thì trong lịch sử thể thao Việt Nam trước đây cũng như sau này, rất ít VĐV nào có khả năng đạt được như Xuân Vinh. Đấu trường Olympic rất khắc nghiệt, quy tụ những tài năng nổi bật nhất trên thế giới.

Dân chuyên môn mới hiểu rõ để giành huy chương Olympic đối với Việt Nam khó như thế nào. Vinh lập chiến công ở thời điểm thể thao Việt Nam rất rối ren, căng thẳng. Tôi thực sự rất ngạc nhiên với cách ngành thể thao và cả cấp cao hơn tưởng thưởng cho thành tích của cậu ấy nếu so với VĐV nhiều môn khác, đặc biệt là bóng đá.

Cũng có quan điểm là thành tích bóng đá tạo được sự hứng khởi cho công chúng, VĐV bóng đá cũng được nhiều người yêu mến hơn nên dễ được chọn?

Nhiều cán bộ Tổng cục TDTT, VĐV các môn khác cũng than phiền với tôi về chuyện đó. Làm lãnh đạo thì đối với tất cả các môn phải công bằng, khách quan, phải có bản lĩnh chứ không thể chỉ lo chiều ý dư luận. Có HLV từng than thở với tôi thành tích năm nào cũng rất cao nhưng phần thưởng không bằng một trận thắng bóng đá ở cấp độ trẻ tại SEA Games. VĐV các môn khác có cuộc sống rất vất vả, tập luyện cũng khổ cực. Họ mới cần sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo.

Tới đây Việt Nam sẽ đăng cai SEA Games 31, bóng đá chỉ là một nội dung trong chương trình thi đấu đại hội. Thành tích của Việt Nam cần tới sự đóng góp của tất cả các môn mà tiếp tục như vậy, tôi cho rằng sẽ không thể khuyến khích được các VĐV nỗ lực tập luyện, thi đấu.

Nhân bàn về SEA Games 31, có vấn đề gì khiến ông lo lắng nhất hiện nay không?

Tôi cho rằng chúng ta đang bị chậm rồi so với yêu cầu triển khai công tác tổ chức. Nhiều anh em thể thao nói với tôi, tình hình đang rất căng vì không có người làm “tổng chỉ huy”, bao quát cũng như sâu sát vấn đề. Tôi thấy Bộ VH-TT&DL chỉ để 1 Tổng cục phó phụ trách quán xuyến công việc như hiện nay thì rất căng, người ta không có thực quyền thì chỉ đạo thế nào được. Nếu thấy chưa đủ năng lực thì phải chọn người mới, nhưng cần thiết phải có quyền thì mới có thể chịu trách nhiệm. Để như hiện nay việc tổ chức SEA Games của Việt Nam có thể không đạt yêu cầu.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.