Đoàn Quốc Huy - Tổng Giám đốc Tập đoàn BIM Group:

Tôi trưởng thành không phải từ sự giàu có

TP - Tôi tự cho mình là người rất may mắn, được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, có cơ hội để làm việc, được gặp những người giỏi. Khi mình đã may mắn như vậy rồi mà không biết tận dụng thì quá phí…

Những bài học đầu tiên từ bố

Tôi và chị theo bố mẹ sang Ba Lan từ khi còn nhỏ. Sinh sống và lớn lên chủ yếu ở nước ngoài nhưng tôi và chị gái vẫn được bố dạy nhiều điều về quê hương Việt Nam. Bố tôi - dù là doanh nhân bận rộn vẫn luôn bên cạnh, quan tâm chỉ bảo và đồng hành với các con. Bố là người bạn, người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi, từ kiến thức sách vở đến thực tế. Ðiều bố dạy con đầu tiên là giữ gìn tiếng Việt. Trong gia đình tôi, tất cả luôn nói tiếng Việt, tôi và chị gái phải học nói, học viết tiếng Việt để không bao giờ quên nguồn cội.

Chưa hết, tới bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì, bố luôn dạy hai chị em thói quen quan sát; không biết thì hỏi; không hiểu thì đọc sách và quan sát thêm… Ngày đó, mỗi khi tôi và chị theo bố đến một địa điểm mới, một tòa nhà mới, bố luôn hỏi “Con thấy chỗ này thế nào, con thấy điều gì đặc biệt...”. Rồi bố giảng giải, ba bố con cùng thảo luận để tôi và chị hiểu…

Tôi trưởng thành không phải từ sự giàu có ảnh 1

Đoàn Quốc Huy, một CEO trẻ giàu đam mê, khát vọng và khiêm tốn


Hàng năm, tôi và chị gái vẫn được bố mẹ cho về nơi chôn rau cắt rốn. Những ngày về Việt Nam, bố thường dắt hai chị em tôi lang thang trên những con phố, thưởng thức món ăn Việt, ngắm những ngôi nhà đậm kiến trúc Việt… Trong các chuyến công tác, bố đưa tôi theo. Khi đến bất kỳ thành phố nào, như một sở thích và thói quen, bố luôn dành thời gian dẫn tôi đến những địa điểm văn hóa đặc trưng của địa phương. Những câu chuyện cứ thế thấm dần theo năm tháng và cũng chẳng biết từ bao giờ, một Hà Nội cổ kính, một Hội An rêu phong, một Sài Gòn rộn rã… cứ dần hình thành trong tôi.

Ngay từ khi còn rất bé, tôi đã hiểu những vất vả của bố mẹ trong lĩnh vực kinh doanh “khốc liệt”. Trong mỗi bữa ăn sum họp gia đình, bố mẹ luôn chia sẻ cởi mở về công việc kinh doanh cho con cái nghe. Khi doanh nghiệp có thành công hay khó khăn gì, tôi và chị gái luôn được chia sẻ như người trong cuộc. Ðam mê kinh doanh vì thế ngấm vào tôi từ khi còn rất nhỏ…

Chúng tôi được bố mẹ dạy tự lập từ bé. Không bao giờ bố mẹ giục chị em tôi làm cái này, cái kia mà luôn đặt ra những chỉ tiêu để hoàn thành. Có những việc tầm quy mô nhỏ do tôi khăng khăng cho là đúng, bố cứ để làm đến khi nhận ra sai để rút kinh nghiệm. Chưa bước vào thương trường nhưng tôi thấm thía rõ giá trị của những lần vấp ngã và tự mình đứng dậy sửa sai. Tôi tự nhủ phải học thật giỏi để bước những bước vững vàng như bố…

Khi sang Mỹ học trung học phổ thông, tôi luôn cố học thật nhanh và hiệu quả để vào được trường đại học tốt nhất với chuyên ngành phù hợp nhất. Ở California, trường kinh doanh tốt nhất là USC (University of Southern California). Trong đó chuyên ngành mà tôi muốn theo: Entrepreneuship - một trong những chuyên ngành top đầu. Vì thế, để được vào ÐH Nam California, bắt buộc tôi phải nằm trong tốp 5% số học sinh đạt điểm cao của trường. Tôi đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn chăm chỉ để nằm trong top đầu của lớp. Cuối cùng, mọi nỗ lực của tôi được đền đáp. Khi đã đạt được mục tiêu vào ngành Entrepreneuship như mong muốn, tôi băn khoăn giữa hai lựa chọn. Một là vừa học vừa đi làm kiếm tiền để đỡ nặng nề cho bố mẹ, hai là học thật nhanh để về nước giúp được bố mẹ sớm. Tôi so sánh giữa học phí cùng chi phí sinh hoạt và thu nhập có thể kiếm được khi làm thêm, sau đó quyết định sẽ học thật nhanh rút ngắn từ việc học 5 năm xuống còn 3 năm để tốt nghiệp với 2 chuyên ngành.

May mắn cùng với sự chăm chỉ miệt mài đã giúp tôi hoàn thành kế hoạch đặt ra.

Ở thấp nhất để học lớn lên

Còn nhớ máy bay hạ cánh lúc 8 giờ tối và ngay hôm sau, 6 giờ sáng, tôi đến luôn Quảng Ninh nhận việc. Hồi ấy, những năm 2005, Quảng Ninh và Hà Nội vẫn còn rất xa xôi. Hăm hở cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ở Mỹ về, tôi nghĩ, kinh doanh không quá khó.

Thế nhưng, mọi việc lại chẳng đơn giản như những cuốn sách hay kiến thức đã học ở Mỹ. Những ngày đầu làm việc, đối diện với thực tế, phương pháp quản lý của công ty, tôi rất khó hòa nhập. Hầu như kiến thức tư duy tài chính được học ở nước ngoài rất khó áp dụng ở Việt Nam.

Khi mới về, công việc đầu tiên tôi được giao là xây dựng một phòng bán hàng mới và điều hành đội ngũ bán hàng chỉ có 2 người. Công việc tưởng chừng vô cùng đơn giản, nhưng làm rồi mới thấy để tổ chức được một việc từ A đến Z thật khó. Sau này nhìn lại, tôi nghiệm ra rằng, bắt đầu từ một vị trí thấp, lắng nghe và học hỏi những người đi trước để hoàn thiện kĩ năng của mình.

Công việc đầu tiên ấy cũng mang đến cho tôi bài học đầu tiên: Làm gì cũng phải rất cụ thể, phải tìm hiểu thật kỹ và biết lắng nghe tất cả những người liên quan, không đưa ra quyết định chủ quan và vội vàng. Không làm thì thôi, đã làm phải cật lực và thật quyết liệt. Muốn thành công, không thể không chăm. Nghe thật đơn giản nhưng bắt tay thấy không dễ chút nào.

Bài học thứ hai học được: Nếu không biết điều gì nên hỏi, nếu không quen mà có việc cần hỏi, phải tìm cách để làm quen với người ta tìm hiểu về đề tài mình định làm và không bao giờ được ngại.

Ðiều này xuất phát từ những lần bố dạy tôi rằng, mình phải luôn học cách kế thừa từ xã hội. Không nhất thiết phải phát minh ra một cái gì mới cả, chỉ cần hỏi những người đi trước và nghĩ ra cách tối ưu vấn đề cho nó hợp với bối cảnh của mình là có thể thành công rồi.

Tôi trưởng thành không phải từ sự giàu có ảnh 2 Đoàn Quốc Huy

Trách nhiệm “pay forward”

Khi đi học bằng MBA ở trường Stanford (Mỹ), phần lớn những thầy giáo của tôi là những nhà kinh doanh thành công. Sau khi về hưu họ về trường dạy học không lấy phí. Nhiều người trong số họ còn quyên góp hàng triệu hay hàng trăm triệu USD để xây dựng trường tốt đẹp hơn nữa. Họ đều tin vào triết lý "pay forward" - nghĩa là họ cảm thấy họ có được ngày hôm nay do được kế thừa sự may mắn, nền văn minh và giáo dục của những người đi trước. Từ đó họ cảm thấy có trách nhiệm phải trả món nợ đấy cho thế hệ đi sau.

Lúc về nước điều hành doanh nghiệp, tôi cũng tự nhủ về trách nhiệm "pay forward". Ðiều này đã được tôi chia sẻ với đội ngũ của mình bằng cách tạo ra những dự án mới, những công trình mới, những sản phẩm có ích cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn gia đình, làm khách hàng tốt cho nhiều nhà cung cấp, nhà thầu…

Đoàn Quốc Huy là con trai của Tiến sỹ Đoàn Quốc Việt - một doanh nhân thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ tại Ba Lan và sáng lập tập đoàn BIM Group. Huy thuộc “thế hệ thứ hai” bắt đầu gánh vác trên vai “sứ mệnh” giữ vững và phát triển tập đoàn BIM Group trong giai đoạn mới. Thuộc thế hệ 8X, doanh nhân này ngoài thời gian kinh doanh, còn tham gia nhiều giải chạy việt dã, các môn thể thao đầy thử thách…

Khi tạo ra Elite Fitness, đó là tạo ra một phong cách sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh. Với năng lượng BIM Energy, đó là cách để kết bạn với môi trường và sinh thái bền vững. Với những cánh đồng muối lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đó là một sản phẩm chất lượng cao Made in ViET Nam. Với những công trình kiến trúc kỳ vỹ hay tòa nhà chung cư, đó là kết nối đến những giấc mơ và nơi an cư của hạnh phúc và tiếng cười… Tôi mong muốn cống hiến sức trẻ vì một Việt Nam giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

Theo Tổng GÐ Tập đoàn BIM Group
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.