Tổng thống Mỹ George Bush (AP). |
Nội dung chính của bài phát biểu quan trọng này sẽ tập trung vào các vấn đề nội bộ nước Mỹ.
Bên cạnh các vấn đề như đề xuất về việc cải thiện hệ thống bảo hiểm y tế, quản lý hoạt động nhập cư, thực hiện chính sách năng lượng và giáo dục mới, Tổng thống Bush cũng sẽ đề cập ngắn gọn tới cuộc chiến tại Iraq trong Thông điệp Liên bang năm 2007.
Bài phát biểu này sẽ được truyền trực tiếp trên hầu hết các kênh truyền hình và đài phát thanh trên toàn nước Mỹ.
Trong khi đó, theo một cuộc thăm dò mới nhất của hãng ABC News, tỷ lệ ủng hộ ông Bush đã tụt xuống 33%. Đây là tỷ lệ thấp nhất đối với một tổng thống Mỹ trước thời điểm chuẩn bị đọc Thông điệp Liên bang, kể từ thời Richard Nixon năm 1974. Cũng theo cuộc thăm dò này, có tới 70% người được hỏi phản đối ông Bush trong cách thức điều hành cuộc chiến tại Iraq, nỗ lực chống khủng bố và giải quyết các vấn đề của nền kinh tế.
Điểm đáng chú ý trong Thông điệp Liên bang năm 2007 là việc lần đầu tiên Tổng thống George Bush đọc bài phát biểu trước Quốc hội do Đảng Dân chủ kiểm soát. Nhiều người Mỹ đang không thực sự tin tưởng rằng việc ông chủ Nhà Trắng- thuộc phe Cộng hòa, và Quốc hội- thuộc phe Dân chủ, có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề, đặc biệt là sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2006.
Các nhà phân tích cũng nhận định, Thông điệp Liên bang 2007 là một cơ hội để Tổng thống Bush đưa các vấn đề trong nước thoát ra khỏi cái bóng của cuộc chiến Iraq. Hiện ông tiếp tục bị các chính trị gia chỉ trích về tình hình ở quốc gia vùng Vịnh này, đặc biệt là sau khi công bố kế hoạch bổ sung hơn 20.000 binh sĩ tới Baghdad để chấm dứt tình hình bạo lực tại đây.
Trước khi Tổng thống George Bush đọc Thông điệp Liên bang, lãnh đạo của 9 tập đoàn lớn nhất nước Mỹ đã gửi thư hối thúc ông đưa ra các biện pháp để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu đang làm trái đất ấm lên. Cùng đứng tên dưới bức thư này là Tổng giám đốc của các tập đoàn Duke Energy, Alcoa, BP America, DuPont, Caterpillar, General Electric, Lehman Brothers, FPL Group và PG&E.
Thành An
Theo AP, Reuters