Cầm lên mớ chanh để tìm một trái dùng trước, một ly nước ấm, một muổng nhỏ mật ong, thói quen của mười mấy năm nay. Cái cốc vẫn đó, cốc có tên của anh ấy mua ở hàng Bát Tràng (cốc có tên, ta lẫn tây là cách làm hàng khôn ngoan của làng gốm bền bỉ khôn ngoan). Để nguyên đó để nhớ và để tin, ta đang một mình và có thêm một cái bóng.
Minh họa: Vũ Xuân Tiến |
Trái chanh này to, vậy thì cắt hai phần ba là đủ liều lượng. Ba lần của 1/3 thì đúng một suất khác cho một buổi sáng khác. Nết này thừa hưởng từ ông bà tiên tổ, chắc vậy, thời chanh vườn mà vẫn cân nhắc dùng sao cho hợp lẽ. Cái lẽ tiết kiệm không phải để tồn sinh. Tiết kiệm để tử tế. Chanh mỏng vỏ, hơi sần, tép nhỏ rí và thơm. Từ khẩn hoang, cha ông tận Hà Tĩnh vào Bình Định rồi theo chân Nguyễn Thoại hầu xuống tận Đồng Tháp và xuống nữa, cuối đất cùng trời.
Một trái chanh có thể kéo dài khoảnh khắc an nhàn sớm mai. Không biết do đâu, trong đám hoa ở ban công nhỏ loi thoi một cây chanh. Chắc anh ấy khiến nó đến đây với mình. Số là có một lần, giữa Sài Gòn, bữa thịt gà nhà em gái của anh không có lá chanh, anh bỏ đũa ngồi chờ đám cháu vừa bị xua tung lên đi tìm. Hồi ấy người Bắc người Trung vào chưa nhiều, các chợ miền Nam chưa biết lá chanh cũng là món bán được ở hàng rau củ. Cuối cùng lá chanh thái chỉ cũng đáp xuống đĩa gà luộc, em và cháu anh thở phào, bác trưởng nổi tiếng cầu kỳ gia vị với các món ăn. Từ đó ban công nhà em gái anh có một cây chanh trong chậu.
Cây chanh tự mọc, góa phụ đặt nó trang trọng trong một chậu gốm. Chỉ để lấy lá khi cần. Nhưng nếu không để ý thì tầm một tuần, lũ sâu ẩn mình sẽ ngốn sạch hết đám lá non kia. Vì sao cây quất bên cạnh vẫn bình an mà bọn sâu chỉ thích lá chanh? Vò nhẹ một lá để ngẫm, ngẫm lâu, mùi thơm này sâu sắc và mời mở, hàng mấy trăm năm, cái gì tồn tại thì không hề vô lý. Một cây chanh của mỗi gia đình, tại sao không? Nhưng chanh ở chậu hiếm trái, chanh cho lá, là đủ.
Cầm túi gạo lên, gạo ông Cua, đẹp từng hạt, đẹp kinh ngạc, từng hạt. Một cuộc đời một nhà nông học còn chưa được phong là Nhà nông học. Hề gì, màng gì, khi ông ấy và vài cộng sự âm thầm thì danh và lợi ở ngoài sự dấn thân này. Rất hay nghĩ đến ông ấy khi cầm chén cơm lên, khi vét sạch từng hột cơm trong nồi trước khi rửa, không sót một hột nào. Vì sao hạt lúa hạt gạo và vì sao hột cơm? Không ai, kể cả dân Nam gọi lúa gọi gạo là hột mà khi đã là cơm thì nhất định phải là hột cơm. Từ bé, chưa có ông Cua làm gạo ngon nhất thế giới thì đứa trẻ đã được dạy “Tử tế là vét chén cho sạch, không để sót, không để rơi vãi hột cơm nào” và, “Người có nếp nhà không để cơm dính trên miệng, ăn phải cho gọn mới đẹp, nghen”. Vậy đó, tử tế với hạt gạo và hột cơm, để làm người tử tế đẹp.
Mọi khoảnh khắc cho chính mình khi được sống tối giản, mỗi ngày. Tách cà phê chậm rãi. Những trang sách khoan thai tuyệt vời ở sự khoan thai. Bữa cơm rau được chuẩn bị, nối dài suy tư từ mặt đất tới người trồng - người vận chuyển – đến đôi vợ chồng trung niên bán chanh ở căn hộ hầm hập mái tôn với hai đứa con nhỏ trong không gian chỉ khoảng mười mét vuông. Cái gì cũng có một sợi dây để nối và để rung, nghĩa là nên thong thả để rung với sợi dây độc hành ấy trong tâm tưởng. Có thể thong thả và tối giản ở giữa Sài Gòn cuồn cuộn này, được không? Nhưng, vì sao lại không?
Lên Đường Sách là cái thú mỗi tháng, sống áo tươm tất, son phấn và nước hoa, bạn bè tình cờ và bạn bè có hẹn. Vậy là có những cuốn sách để chao đèn bên đầu giường không nguội. Tối giản một cách kỳ diệu với sách giấy, không thể diễn tả hết, nó là thứ đưa con người vào đời rồi đưa con người cất mình lên để nhìn rộng và nhìn xuống tha nhân.
Kia, lũ chim sẻ tìm thấy ở đây đất lành và những âm thanh ấy lành hết biết. Kia nắng và gió, cây và lá vờn trên dòng sông tiếng rao cuồn cuộn mưu sinh. Muốn lòng an yên, sẽ có an yên. Giã từ xe máy, hòa vào cam kết cộng đồng lớn của nhân loại để không thèm liên quan đến năng lượng hóa thạch, những vòng quay thanh thản khiến mọi thứ khấp khởi trẻ trung.
Vì sao người của các xứ văn minh muốn được sống một mình, cho dù khi ấy họ không trẻ nữa? Bình tâm sẽ thấy tối giản là tự do, như chưa từng được tự do như thế.