Tôi đẹp, bạn cũng thế

TP - Hôm qua, trong show diễn thời trang đặc biệt “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” tại Hội An, những người khuyết tật tự tin sải bước trên thảm đỏ.

Show diễn thời trang “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” do Trung tâm Nghị lực sống tổ chức với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Hội An. Trong chương trình, những người khuyết tật trình diễn hai bộ sưu tập của hai nhà thiết kế Diego với nhãn hiệu thời trang Chula đến từ Tây Ban Nha và Trịnh Vĩnh Uyên với nhãn hiệu thời trang Papillon Noir đến từ Hội An.

Vẻ đẹp trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt

“Tôi đẹp. Bạn cũng thế” diễn ra trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Đã có những giọt mồ hôi, những bước chân rụt rè, những lời ca chưa tròn nhịp ở những phút giây đầu tiên vì run, vì sợ hãi. Nhưng rồi sau đó, những cái nắm tay cùng đan chặt, động viên nhau tự tin cho những bước đi trình diễn trên thảm đỏ.

Tôi đẹp, bạn cũng thế ảnh 1

Chị Nguyễn Thảo Vân (ngồi xe lăn) chia sẻ lý do chị thực hiện chương trình “Tôi đẹp. Bạn cũng thế”.

Trước lúc show thời trang diễn ra, chị Nguyễn Thảo Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, đẩy xe lăn ra chia sẻ những mong ước của chị khi thực hiện chương trình. Chị Thảo Vân cũng là người khuyết tật và cũng từng mặc cảm, tự ti, nhưng chị không đầu hàng số phận. Người phụ nữ nhỏ nhắn ấy bây giờ là Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống. Chị là tấm gương mà những người khuyết tật khác ngưỡng mộ. Đứng trên sân khấu, chị đã có những lúc nấc lên khi nói về mục đích thực hiện show diễn thời trang đặc biệt này.

Chị nói: “Nỗi sợ hãi của tôi là sinh ra không lành lặn như những đứa bạn cùng trang lứa. Tôi cũng đã trải qua những giai đoạn khủng hoảng nhất. Tôi đã từng đối diện với ca phẫu thuật để mình trông được đẹp hơn và khỏe hơn với tỷ lệ 50/50 giữa sự sống và cái chết… Tất cả mọi áp lực mà tôi và các bạn từng trải qua đều bắt nguồn từ những định kiến xã hội. Người ta sẽ có phạm trù đẹp cho riêng mình, sau đó hình thành suy nghĩ nhóm người này đẹp, nhóm người kia xấu khiến cho những người sinh ra không được lành lặn càng có tâm lý tự ti, sợ hãi. Thậm chí có những người không thể thoát khỏi áp lực đó được. Tôi chọn làm chương trình thời trang vì muốn truyền tải đến xã hội một thông điệp: chúng ta cũng có những vẻ đẹp, chúng ta có tài năng và những gì người bình thường làm được, chúng ta cũng có thể làm được”.

Bản thân chị Vân cũng không thể ngờ rằng, sau chương trình “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, những người phụ nữ đã có những thay đổi tích cực. Họ đã biết sắm cho mình những bộ đồ thời trang, tự tin khi được ngắm mình trong gương, yêu bản thân mình hơn. Đặc biệt hơn khi trong chương trình “Lễ hội áo dài 2016”, nhiều “người mẫu” khuyết tật tham gia trình diễn trong trang phục truyền thống thướt tha. “Tôi mong muốn mọi người đồng hành với chúng tôi để chương trình tiếp tục diễn ra. Hãy ghi nhận vẻ đẹp trong sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt”, chị Vân nói.

Vượt lên sợ hãi

Khoảng 16h chiều qua, chương trình “Tôi đẹp. Bạn cũng thế” chính thức diễn ra. Những người ngồi dưới sân khấu hồi hộp, lặng thinh, hướng mắt về phía thảm đỏ. Có lẽ người trình diễn đầu tiên sẽ là người chịu áp lực lớn nhất vì mở màn cho cả chương trình. Nhưng không, cô gái nhỏ nhắn Thu Phương bước ra sân khấu đầy tự tin, nụ cười tươi rói luôn thường trực trên môi. Dù khiếm khuyết ở chân buộc cô phải ngồi xe lăn, nhưng Phương vẫn tự tin trình diễn, tay vẫy chào khán giả. Từ phía dưới, những tràng pháo tay giòn giã hướng về phía Phương.

Lần lượt, các cô gái tự tin trình diễn thời trang. Trong tà áo dài, họ vừa di chuyển, vừa vẫy tay chào, vừa tạo dáng chẳng thua gì người mẫu chuyên nghiệp. Những cô gái ngồi xe lăn cũng duyên dáng không kém, bung mái tóc dài trong làn gió để đón hàng chục ống kính của các phóng viên, nhiếp ảnh gia. Người xem ai cũng trầm trồ khen họ quá đẹp, quá duyên dáng. Sau màn trình diễn bộ sưu tập áo dài, dàn “người mẫu” tạm lui vào trong để chuẩn bị cho phần trình diễn thứ hai của nhà thiết kế Diego.

Chương trình giải lao với 15 phút văn nghệ, cũng do chính các cô gái thể hiện. Khoác vào bộ sưu tập thứ hai, dường như tâm lý đã được giải tỏa, các cô gái càng tự tin thể hiện mình. Họ bước đi dứt khoát hơn, dài hơn. Những người ngồi dưới đều bị cuốn hút bởi màn trình diễn của họ. 90 phút trên sân khấu của các cô gái kết thúc trong sự hò reo cuồng nhiệt của người lớn, trẻ nhỏ, trong đó có những người khuyết tật không tham gia trình diễn, ngồi ở góc sân khấu để ủng hộ bạn mình.

Tôi đẹp, bạn cũng thế ảnh 2

Chị Lê Thị Hoa tự tin trình diễn khi có con gái hỗ trợ trên sân khấu.

Một bé gái tiến tới, quỳ gối bên xe lăn của mẹ để lau những giọt mồ hôi lăn dài trên má mẹ. Em cũng chính là người đẩy xe lăn cho mẹ khi mẹ diễn trên sân khấu. Mẹ em, chị  Lê Thị Hoa (45 tuổi, quê ở Hội An), thật đẹp khi khoác trên mình bộ áo dài màu đỏ in hình cờ Tổ quốc.

Chị Hoa hiện là thợ may ở Hội An. Chị sinh ra khiếm khuyết ở chân nên phải ngồi xe lăn. Chị kể, hồi nhỏ chẳng dám ló mặt ra ngoài, thậm chí còn nằng nặc ở nhà, không chịu đi học. Phải đến khi trưởng thành hơn, nhờ sự động viên của bạn bè, người thân, chị bắt đầu tiếp xúc với nhiều người. Rồi chị đi học nghề may và sống tự lập nhờ nó. Chị nói, vài tuần trước, nghe các chị trong Hội Phụ nữ thành phố Hội An nói có chương trình trình diễn thời trang của người khuyết tật, chị cũng có ý tham gia. Nhưng phải mất hai đêm suy nghĩ, chị mới dám bày tỏ nguyện vọng của mình.

Trước khi đứng trên sân khấu, chị run đến nỗi không thể tự mình đẩy xe lăn. Chính con gái chị đã động viên để mẹ tự tin trên sân khấu, hoàn thành tốt phần trình diễn của mình. “Đến bây giờ chị vẫn không nghĩ chị có thể trình diễn thời trang trước nhiều người như thế. Dù đã sống bản lĩnh, nhưng trong chị vẫn còn có những lần tự ti, những lần e ngại. Trong thâm tâm chị, khi nào cũng có tâm lý muốn chứng tỏ cho mọi người thấy chị sống có ích. Chị cũng muốn cho con gái thấy mẹ con bé là người mạnh mẽ, đủ sức đùm bọc cho con trưởng thành”, chị Hoa tâm sự.

Tôi đẹp, bạn cũng thế ảnh 3

Cô gái “xương thủy tinh” Đặng Thị Hồng Anh tự tin hát tiếng Anh. Ảnh: Đào Phan.

Trong chương trình, cô gái Đặng Thị Hồng Anh (22 tuổi, trú ở Đà Nẵng) thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều người. Đã 22 tuổi nhưng vì căn bệnh xương thủy tinh nên Hồng Anh nhỏ bé, cao chưa đầy một mét. Trong show diễn, Hồng Anh xin hát một bài tiếng Anh. Giọng Hồng Anh trong, vang nhưng khi cất những lời ca đầu, cô gái bị lệch nhịp vì run. Được khán giả cổ vũ, cô nhanh chóng lấy lại được nhịp, nhún nhảy cùng điệu nhạc.

Hồng Anh đang học lớp lập trình trên mạng. Cô nói mình vừa học lập trình, vừa cố rèn tiếng Anh với mong muốn sau này sẽ mở một trung tâm dạy tiếng Anh cho các em khuyết tật. Sau này, vừa đi dạy, vừa dịch thuật để tự nuôi bản thân. “Con đường nào cũng vậy, muốn thành công thì cần phải tự tin. Và hôm nay em đứng trên sân khấu này để chứng minh rằng, em có thể vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, em cũng đẹp, cũng có năng khiếu để khoe với mọi người”, Hồng Anh nói.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".