> Giá thuốc đang chênh lệch lớn
Trong những ngày rét này, số trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp tăng lên tại khoa nhi các bệnh viện cũng như tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Một thực tế được các bác sĩ ghi nhận là phần lớn trẻ khi bị ho, sốt, tiêu chảy đã được người lớn tự điều trị bằng kháng sinh ở nhà, tình trạng bệnh không đỡ mới đưa đến bệnh viện.
TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, việc tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ khiến quá trình điều trị bệnh cho trẻ khó khăn, tốn kém hơn vì không phải bệnh nào cũng dùng đến thuốc kháng sinh.
Một nghiên cứu của ngành y tế cho thấy trong cộng đồng, phần lớn kháng sinh được bán không theo đơn: thành thị (88%) và nông thôn (91%). Nhiều người có thói quen cứ bị ho, cảm lạnh hay khịt mũi là muốn dùng đến thuốc kháng sinh để nhanh khỏi. Không ý thức được mỗi lần sử dụng kháng sinh đặc biệt, nguy cơ kháng thuốc sẽ không hiệu quả cho lần chữa trị sau sẽ gia tăng.
Trước thực trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng đáng báo động, thế giới đang đối mặt với nguy cơ trở lại thời kỳ một nhiễm trùng nhỏ cũng có thể gây chết người. Thậm chí, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, không phải cứ dùng nhiều, mà chỉ cần một đợt kháng sinh cũng góp phần sinh ra kháng thuốc.
Bác sĩ Cao Hưng Thái cho biết, gánh nặng do kháng thuốc ngày càng lớn, chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao… Ngoài ra, các quốc gia phải đối mặt với việc không có kháng sinh điều trị hiệu quả bệnh nhiễm khuẩn.
Theo ông Thái, vấn đề kháng thuốc đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Hàng năm có khoảng 400.000 trường hợp mới của bệnh lao đa kháng thuốc; đề kháng với thuốc chống sốt rét như chloroquine phổ biến ở hầu hết các nước lưu hành sốt rét; khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã dùng đến các thuốc dòng 2 và 3 đối với các nhiễm khuẩn kháng.
Nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng thuốc thường thất bại đối với phương pháp điều trị thông thường, kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí và nguy cơ tử vong cao.
Trong trồng trọt, chăn nuôi nhiều loại kháng sinh, thuốc kích thích được dùng nhằm kích thích tăng trưởng hoặc phòng và điều trị bệnh nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra rủi ro lớn cho môi trường và sức khỏe con người do hiện tượng kháng thuốc. Hậu quả của kháng thuốc kháng sinh là nhiễm khuẩn có xu hướng kéo dài lâu hơn, dễ gây biến chứng, khả năng lây nhiễm sang người khác tăng lên.
Australia là một trong những nước có tỷ lệ thuốc kháng sinh được kê đơn cao nhất trong các nước phát triển, khoảng 22 triệu đơn thuốc mỗi năm nhưng ước tính gần một nửa số này là không cần thiết. Tình trạng kháng thuốc cũng xảy ra tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của siêu vi khuẩn kháng thuốc.
Siêu vi khuẩn kháng thuốc tấn công con người
Nhờ sự ra đời của kháng sinh, mỗi năm trên thế giới có hàng chục triệu người mắc các bệnh nhiễm khuẩn được chữa khỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế thế giới đã từng cảnh báo về một nhóm siêu vi khuẩn có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, khái niệm siêu vi khuẩn dùng trong trường hợp này dễ hiểu nhầm là một loại vi khuẩn kinh khủng, hay có sự lan tràn, sức tàn phá ghê gớm nhưng thực tế đó là một loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc, Anh, Thụy Điển đã đề cập đến một người Thụy Điển đã vào bệnh viện điều trị ở Ấn Độ.
Quá trình điều trị, các bác sĩ đã phân lập được một vi khuẩn tên là Klebsiella pneumoniae từ bệnh phẩm nước tiểu của bệnh nhân này. Khi nghiên cứu, người ta thấy chủng vi khuẩn này đề kháng các kháng sinh nhóm beta-lactam được thử nghiệm.
Phân tích trình tự gen của vi khuẩn này và thấy nó mang một gen gọi tắt là NDM-1. Trên thực nghiệm tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học thấy gen này có thể lan truyền dễ dàng giữa chủng K. pneumoniae và E. coli. Như vậy, có thể nhận định sơ bộ gen này có thể được lan truyền giữa các vi khuẩn.
TS Kính cho biết thêm, hiện tại chưa có công bố nào về sự xuất hiện vi khuẩn mang gen mã hóa cho enzym NMD-1 ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư những năm trước, bệnh viện cũng đã thấy một trường hợp bị nhiễm trùng huyết do K. pneumoniae có gen kháng thuốc NDM-1 nhưng bệnh nhân này đã được cứu sống.
Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng lớn, chi phí điều trị tăng, ngày điều trị kéo dài, nguy cơ tử vong cao… Ngoài ra, các quốc gia phải đối mặt với việc không có kháng sinh điều trị hiệu quả bệnh nhiễm khuẩn. |