Toan tính của Ukraine khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Kursk có thể nhằm gieo rắc sự hoảng loạn ở Nga và châu Âu, đồng thời dụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia cuộc xung đột một cách công khai hơn.
Toan tính của Ukraine khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Nga ảnh 1

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Kursk của Nga. (Nguồn: Substack)

Ngày 23/8, Bộ Quốc phòng Nga báo cáo một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tự sát nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Kursk. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sau đó đã được Nga thông báo về việc này và cho biết sẽ cử chuyên gia đến đánh giá tình hình.

Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết ông sẽ thăm nhà máy vào ngày 26/8.

Năm ngoái, Ukraine từng tấn công cơ sở này bằng máy bay không người lái. Tháng 7/2023, tổ số 4 của nhà máy điện hạt nhân Kursk hoàn toàn bị ngắt kết nối khỏi lưới điện sau khi một chiếc máy bay không người lái kamikaze của Ukraine mang theo chất nổ rơi xuống gần đó.

Trong cuộc tấn công mới nhất, các bộ phận của chiếc máy bay không người lái được tìm thấy cách khu phức hợp khoảng 100m. Các bức ảnh cho thấy đó là một chiếc máy bay không người lái quadcopter (FPV), mang theo thiết bị nổ tự chế trông giống đầu đạn của RPG 7 hoặc tương tự. Hình ảnh của đầu đạn được đăng trên kênh Telegram của Nga.

Toan tính của Ukraine khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Nga ảnh 2

Đầu đạn của thiết bị nổ do máy bay không người lái thả xuống nhà máy điện hạt nhân Kursk. (Nguồn: Telegram)

Nếu thiết bị trong những bức ảnh đó được sử dụng để tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk, có ít lý do để tin rằng nó có thể gây ra nhiều thiệt hại thực sự.

Tuy nhiên, ông Alexey Smirnov - quyền Thống đốc tỉnh Kursk, đã báo cáo cuộc tấn công lớn hơn sự việc mà Bộ Quốc phòng Nga công bố. Ông cho biết đã có 4 cảnh báo tên lửa vào các ngày 21 và 22/8.

Ông cho biết hệ thống phòng không đã bắn hạ 1 tên lửa của Ukraine vào tối 21/8 và 2 tên lửa cũng trong đêm hôm đó, và 1 máy bay không người lái vào ngày 22/8. Ông Smirnov không nêu rõ loại tên lửa hay máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công.

Ngay sau cuộc tấn công vào tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 11/8, Nga đã đặt hệ thống phòng không xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk để phòng Ukraine sẽ thực hiện những cuộc tấn công vào đó.

Theo giới chức Nga, 2 máy bay không người lái đã tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. IAEA đã đến nhà máy để đánh giá thiệt hại và kiểm tra nguy cơ rò rỉ bức xạ.

Toan tính của Ukraine khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Nga ảnh 3

Chiếc máy bay không người lái có tầm hoạt động chỉ vài kilomet được sử dụng trong cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Kursk. (Nguồn: Telegram)

Cuộc tấn công ở Kursk dường như nhắm vào khu vực lưu trữ chất thải hạt nhân của nhà máy, dù điều này vẫn chưa được xác nhận. Không rõ tại sao báo cáo của ông Smirnov lại khác đáng kể so với báo cáo chính thức về cuộc tấn công.

Báo cáo chính thức cho thấy Mátxcơva muốn nhấn mạnh đã xảy ra một cuộc tấn công, nhưng không muốn gây báo động ở khu vực. Chưa biết hệ thống phòng không nào được quân đội Nga lắp đặt xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk.

Bóng ma Chernobyl

Nhà máy điện hạt nhân Kursk là 1 trong những nhà máy điện hạt nhân lớn nhất và là nhà máy sản xuất điện lớn thứ tư ở Nga. Hiện tại, nhà máy này có 2 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, 2 tổ máy cũ đã ngừng hoạt động, 2 tổ máy đang xây dựng một phần và 2 lò phản ứng VVER mới đang được xây dựng.

Hai lò phản ứng đang hoạt động và 2 lò phản ứng đã ngừng hoạt động đều dùng thiết kế RBMK như ở Chernobyl. Cơ sở này từng được sử dụng làm bối cảnh để kể những câu chuyện về Chernobyl.

Ủy ban Khoa học Liên Hợp Quốc về tác động của bức xạ nguyên tử thống kê được khoảng 5.000 ca ung thư tuyến giáp, khiến 15 người tử vong sau thảm họa hạt nhân năm đó.

Thảm họa Chernobyl vào tháng 4/1986 xảy ra do quy trình thử nghiệm không thành công, khiến lò phản ứng mất kiểm soát. Một vụ nổ và hàng loạt sự kiện bi thảm đã xảy ra trong quá trình cố gắng kiểm soát lò phản ứng hỏng và ngăn chặn thảm họa sang 3 lò phản ứng khác.

Khoảng 5% lõi lò phản ứng hỏng đã xâm nhập khí quyển và bức xạ lan sang nhiều nơi ở châu Âu. Hai công nhân nhà máy Chernobyl tử vong do vụ nổ vào đêm xảy ra tai nạn và 28 người khác tử vong trong vòng vài tuần sau đó, do hội chứng bức xạ cấp tính.

Các phi công trực thăng anh dũng và những người khác cố gắng khắc phục thảm hoạ và tạo lớp phủ xi măng để ngăn chặn rò rỉ bức xạ đã tử vong sau đó do ngộ độc phóng xạ.

Toan tính của Ukraine khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Nga ảnh 4

Khói bay lên từ tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ngày 11/8. (Nguồn: VPBC TT Ukraine)

Gây bất ổn

Vậy Ukraine có thể được lợi gì khi tấn công nhà máy điện hạt nhân Kursk? Đã có nhiều ý kiến nhận xét về chiến dịch tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk, nhưng có vẻ họ không thấy rõ mục đích quân sự cụ thể nào của Kiev.

Có nhiều tranh cãi về sự tham gia của NATO vào chiến dịch của Ukraine ở Kursk. Nga tin rằng NATO đã lên kế hoạch tấn công Kursk và đã bí mật huấn luyện người Ukraine thực hiện hoạt động này.

Một lượng lớn khí tài của phương Tây, bao gồm xe tăng Leopard, Challenger và Abrams, hệ thống phòng không như IRIS-T, Crotale NG và Patriot cùng hàng nghìn máy bay không người lái đã được huy động cho chiến dịch tiến vào Kursk. Người Nga cũng tin rằng người Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ tình báo đáng kể từ NATO.

Trong khi đó, các nước NATO khẳng định họ không được báo trước về chiến dịch này. Các quốc gia lớn ở phương Tây hầu như im lặng về những cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và nhà máy điện hạt nhân Kursk.

Phân tích hợp lý nhất về mục tiêu của Ukraine khi tấn công 2 nhà máy này là gieo rắc sự hoảng loạn ở cả Nga và châu Âu.

Biết rằng cuối cùng Ukraine không thể thành công trước một quân đội Nga lớn hơn và được trang bị tốt hơn, việc gây bất ổn cho Mátxcơva có vẻ trở thành cách giải quyết tạm thời cho cuộc xung đột sớm hay muộn cũng sẽ kết thúc theo cách bất lợi cho Kiev.

Cách giải thích thứ hai là những hành động này diễn ra để lôi kéo NATO đến giải cứu Ukraine. Một thảm họa hạt nhân có thể khiến châu Âu kêu gọi can thiệp quân sự vào Ukraine và giúp thuyết phục Mỹ đưa lực lượng không quân tinh nhuệ vào cuộc xung đột.

Không có nỗ lực công khai nào nhằm tìm ra ai tham gia vào hoạt động tấn công ở Kursk hoặc ai đứng sau những vụ tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine và Nga.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói với báo chí hôm 22/8 rằng "Tổng thống Putin đã quyết định cách ứng phó với cuộc xâm nhập của Kiev vào tỉnh Kursk của Nga và tất cả những kẻ chịu trách nhiệm chắc chắn sẽ bị trừng phạt".

Mối nguy hiểm từ máy bay không người lái hoặc tên lửa nhắm vào nhà máy điện hạt nhân làm sống lại nỗi ám ảnh về thảm hoạ Chernobyl.

Theo AT
MỚI - NÓNG