Tọa đàm về dự án Vọng Cảnh : Lãnh đạo tỉnh phải bình tĩnh lắng nghe dư luận

Tọa đàm về dự án Vọng Cảnh : Lãnh đạo tỉnh phải bình tĩnh lắng nghe dư luận
Hôm qua, 27/2/2005, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TTH) đã tổ chức 2 cuộc toạ đàm về dự án xây khách sạn tại sườn đồi Vọng Cảnh. Cuộc thứ nhất tiến hành trong buổi sáng, tham dự là giới văn nghệ sĩ Huế, các nhà khoa học xã hội-nhân văn, Hội Luật gia TTH, đại diện Bộ VHTT, Bộ Xây dựng, Hội Sử học VN...
Tọa đàm về dự án Vọng Cảnh : Lãnh đạo tỉnh phải bình tĩnh lắng nghe dư luận ảnh 1
Ông Đặng Văn Bài đang phát biểu tại cuộc toạ đàm

Làm hay không làm?

PGS-TS Đỗ Bang, Chủ tịch Hội KHLS TTH, ủng hộ chủ trương làm đẹp cho Huế, làm đẹp Vọng Cảnh nhưng không phá vỡ cảnh quan sông Hương. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu khác khi được tham luận.

Ông Đỗ Bang đề nghị UBND tỉnh cần giải thích rõ cơ sở pháp lý của liên doanh Vọng Cảnh; Xác định giá trị LS-VH của Vọng Cảnh; Giải trình về vấn đề môi trường; Dự án liên quan như thế nào đến bộ hồ sơ xem xét sông Hương là di sản thế giới (DSTG)?

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết một số thông tin về dự án nghệ thuật của hoạ sĩ Lê Bá Đảng, dự án sẽ thu hút nhiều người đến đồi Vọng Cảnh mà không phá vỡ cảnh quan. Dự án này chưa có ý kiến nào phản đối nhưng lại được rất ít người quan tâm? Ông đề nghị xử lý một số chỗ xấu nhất của đồi Vọng Cảnh. Đề nghị UBND tỉnh TTH trực tiếp làm việc với UNESCO để: Nếu thấy dự án khách sạn ảnh hưởng đến việc xem xét sông Hương là DSTG thì phải dừng ngay.

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân cung cấp tư liệu để khẳng định UBND tỉnh TTH vi phạm Luật Di sản Văn hoá, vi phạm những quyết định do chính UBND tỉnh đã ban hành, bất chấp ý kiến của các cơ quan chuyên môn, kể cả ý kiến của người lãnh đạo, có trách nhiệm hàng đầu về tư tưởng văn hoá - ý kiến của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, đã đăng trên Tiền Phong số 35, ngày 18/2 (NV).

Tiêu chí nào để xác định đúng-sai, theo KTS Nguyễn Trọng Huấn lại phải trở lại vấn đề quy hoạch. Huế cần phải làm quy hoạch Du lịch và cảnh quan; quy hoạch Bảo tồn và phát triển văn hoá để cho những công trình mới ăn nhập vào một toàn cảnh đã định hình, không xảy ra việc râu ông nọ cắm cằm bà kia.

Phải nghĩ đến một không gian đô thị mới rộng rãi, khang trang, hiện đại. Trong khi chưa chuẩn bị đủ điều kiện thì “nghi dĩ tồn nghi”, để đẹp lòng nhà đầu tư, để không làm vỡ kế hoạch của tỉnh thì giải pháp tối ưu là chọn một địa điểm khác, có thể với điều kiện ưu đãi còn cao hơn nữa.

Đúng hay sai ?

Căn cứ pháp lý của dự án là vấn đề được tranh luận sôi nổi. Ông Trần Ngọc Trung, Chủ tịch Hội Luật gia TTH, tán thành ý kiến của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, nhưng chỉ thừa nhận có cái nói đúng chứ không phải tất cả đều đúng và đưa ra những cơ sở để “hồi tố”.

Ông Nguyễn Đắc Xuân và Giám đốc Sở VHTT Nguyễn Xuân Hoa phản bác lại ý kiến của ông Trung bằng các căn cứ pháp lý để UBND tỉnh TTH ra các quyết định công nhận Vọng Cảnh là di tích, thắng cảnh vào các năm 1976, 1993, 1999. Ông Trung cũng thừa nhận là trong vụ việc này thiếu sự phối hợp chặt chẽ về mặt pháp lý.

Vấn đề được sáng tỏ hơn sau các phát biểu của Cục trưởng Cục Quản lý di sản Đặng Văn Bài và Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch đô thị Trần Ngọc Chính. Ông Bài nêu quan điểm khai thác không làm hao hụt tài nguyên mà phải bổ sung tài nguyên văn hoá; Bảo tồn DSVH, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên để khai thác du lịch. Dự án Vọng Cảnh chưa đánh giá được tác động tiêu cực bằng cơ sở khoa học và kinh phí.

Đồng quan điểm với ông Bài một số người cho rằng chưa đủ tin tưởng dự án sẽ bảo đảm an toàn về môi trường. Chỉ riêng vấn đề xử lý nước thải, bảo đảm môi trường có khi đã ngang bằng với tổng số tiền đầu tư của toàn dự án – 4,9 triệu USD. Quá trình, cách thức làm dự án chưa đúng bài bản nên bị phản đối.

Ông Trần Ngọc Chính thì chỉ ra những bất ổn đối với bản vẽ thiết kế của 2 tổ hợp khách sạn. Ví dụ như bản vẽ phối cảnh không khớp với địa hình thực tế. Tỷ lệ giữa công trình và đồi Vọng Cảnh không rõ, tổ chức cảnh quan, các khu nhà phụ không rõ, sân tennis ở đâu. Nếu theo bản vẽ thì phải chườm ra sông, hoặc phải san đồi, chặt nhiều cây.

Đồi Vọng Cảnh vừa phải nhưng công trình thì rất dài (250 m) vì bị khống chế chiều cao. Vì tránh ngập lũ công trình nằm trên 205 cột trụ (cao khoảng 12 m) trông chẳng khác gì nhà chồ ở Nại Hiên Đông, bờ đông sông Hàn (Đà Nẵng) trước đây. Nói chung, các giải pháp kỹ thuật, tiên liệu dòng chảy, cảnh quan đều chưa ổn. Ông Chính còn nói: “Vẽ kiểu ăn gian như thế không được”.

Thiếu thông tin cũng là một nguyên nhân gây tranh cãi

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân nói rằng bộ phận tham mưu đã không cung cấp đủ thông tin cho lãnh đạo tỉnh. Ông đưa ra một tập tài liệu liên quan đến dự án Vọng Cảnh (đầy đủ thông tin nhiều chiều) dày bằng 4-5 lần so với tập tài liệu của Ban tổ chức cung cấp (chỉ là những ý kiến ủng hộ).

Nhiều nhà báo đến từ Hà Nội, TPHCM cũng đã tìm phóng viên báo Tiền phong, báo Tuổi trẻ để có được đầy đủ hồ sơ về Vọng Cảnh. Chính luật gia Trần Ngọc Trung cũng thừa nhận bộ hồ sơ của ông còn thiếu nhiều tài liệu, đến đây mới được biết.

 Bằng chứng hùng hồn nhất là khi trả lời phỏng vấn tờ VnExpress, ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND tỉnh TTH, đã nói rằng: “Tôi chưa thấy ai nói đồi Vọng Cảnh là di sản”. Phát ngôn của ông Chủ tịch đã làm không ít người bàng hoàng, sửng sốt.

Trong phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư Tỉnh ủy, thì lại cải chính cho đồng chí Nguyễn Khoa Điềm. Ông nói, hôm Tết chúng tôi có mời anh Điềm dự bữa cơm thân mật. Trong bữa cơm anh Điềm không nói như báo Tiền phong đưa tin. Ngay lập tức phóng viên Tiền phong đã khẳng định lại đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm khi nói chuyện với một số vị lãnh đạo tỉnh, trong đó có 3 vị là UVTV Tỉnh uỷ. ông Nguyễn Xuân Lý xác nhận là hôm đó anh Điềm có nói như thế.

Ông Trần Ngọc Chính phân tích, cho thấy đối tác Hà Lan cũng đã không được cung cấp đầy đủ thông tin về thời tiết, khí hậu, thuỷ văn ở vùng đồi Vọng Cảnh. Về sự phản đối trước đó của các cơ quan tham mưu, theo ông Đặng Văn Bài nhà đầu tư đã không được biết. Kinh nghiệm làm việc cho ông thấy nhà đầu tư nước ngoài không bao giờ làm công trình nào làm mất lòng người bản xứ cả. 

Buổi chiều, cuộc tọa đàm thứ 2 với sự tham gia của các cán bộ lão thành. Gần 10 ý kiến phát biểu đã có những quan điểm, cách nhìn nhận khác nhau về dự án Vọng Cảnh. Gần một nửa ý kiến tỏ thái độ đồng tình, cho rằng việc xây dựng khu du lịch này nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế TTH ngày càng phát triển...

Phản đối quan điểm phát triển kinh tế theo kiểu tức thời, khi dự án chưa được lấy ý kiến rộng rãi và chưa được cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng. Có 5 ý kiến đã phân tích thấu đáo rằng, việc tồn tại khu du lịch Vọng Cảnh sẽ dẫn đến mối đe doạ về nguồn nước sạch của TP Huế.

Mặt khác tác động bất lợi của một điểm cao quân sự khi có yếu tố nước ngoài đến đây liên doanh; Cần cân nhắc kỹ về cái lợi trước mắt và hậu quả về sau như từng xẩy ra với Đàn Nam Giao; Phát triển du lịch là cần thiết nhưng không phải là bằng mọi giá  dẫn đến làm nghèo những giá trị truyền thống và DSVH.

Dù đồng tình hay phản đối, đa số ý kiến đều lưu ý lãnh đạo tỉnh phải bình tĩnh lắng nghe ý kiến của dư luận, dám chịu trách nhiệm về những gì mình làm (kể cả khi quyết định thực hiện dự án). Nên rút kinh nghiệm khi thực hiện một dự án theo quy trình ngược. Và trên hết phải vì lợi ích người dân.

MỚI - NÓNG