Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch'

0:00 / 0:00
0:00
Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch'
TPO - Với mong muốn có cái nhìn khách quan trước những thông tin quy hoạch tác động đến thị trường bất động sản, từ đó tìm ra giải pháp, định hướng giúp thị trường phát triển lành mạnh, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm " Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch", diễn ra lúc 9h00 sáng nay (2/11).

Tham dự buổi tọa đàm có các vị khách mời: Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng); KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam.

Tọa đàm bất động sản ngày 02.11.2021

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

02/11/2021 08:10

Câu chuyện về thông tin quy hoạch các dự án lớn, nâng cấp đơn vị hành chính, làm cầu, mở đường đến đâu thì bất động sản “sốt” tới đó không còn mới ở nước ta trong những năm qua.

Bên cạnh những bất động sản giúp nhiều người trúng đậm nhờ “đón sóng” quy hoạch thì cũng không ít nhà đầu tư “ngậm trái đắng” khi đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch mua phải nhà, đất bị “thổi giá” rồi sau đó không thanh khoản được. Nhất là những nhà đầu tư non kinh nghiệm.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, tại Hà Nội cứ xuất hiện thông tin về quy hoạch như: Thông tin quy hoạch 3 huyện lên thành phố, thông tin quy hoạch các tuyến đường, quy hoạch các cây cầu bắc qua sông Hồng... thì giới đầu cơ, môi giới bất động sản lại “đẩy sóng” giá nhà, đất ở những nơi dự kiến quy hoạch này để lôi kéo người dân tham gia, tạo cơn "sốt đất ảo"...

Với mong muốn có cái nhìn khách quan trước những thông tin quy hoạch tác động đến giá đất nhà, thị trường bất động sản, từ đó tìm ra giải pháp, định hướng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và hạn chế tình trạng thổi giá, gây sốt ảo, Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch.

02/11/2021 09:09

Nói về tình trạng sốt đất sau khi xuất hiện những thông tin quy hoạch thời gian qua, Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong cho biết: Sau khi cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương vào cuộc ngăn chặn, cộng với "cú bồi" từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát thì “cơn sốt đất” điên đảo hồi đầu năm đã bị chặn đứng, nhưng khi “cơn sốt đất” đi qua đã để lại nhiều hệ lụy cho người dân, cho xã hội.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 1

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong

Một trong những nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt đất" xuất phát từ việc các địa phương công bố thông tin quy hoạch, hay bắt đầu từ những thông tin chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị đã được giới đầu cơ lợi dụng để đẩy giá lên cao, thu lợi bất chính, gây bất ổn cho thị trường.

Hiện tượng này từng xảy ra ở các khu vực dự kiến quy hoạch lên quận của Hà Nội, khu vực thành lập thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tuy nhiên, tình trạng này thời gian qua lại tái diễn ở một số địa phương. Ví dụ tại Hà Nội, thông tin về quy hoạch một số huyện ngoại thành lên thành phố, thông tin quy hoạch các tuyến đường, xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng... dù chưa chính thức được phê duyệt nhưng trên thị trường nhiều khu vực giới đầu cơ, môi giới BĐS “đẩy sóng” giá nhà, đất để thu lợi, tạo sốt ảo.

Vì vậy, tọa đàm " Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch" tập trung thảo luận, phân tích về thực trạng thông tin quy hoạch hay các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị, việc xúc tiến đầu tư của các tập đoàn, "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS..., tác động đến giá đất nhà, thị trường BĐS; Từ đó có cái nhìn khách quan, tìm ra giải pháp, định hướng giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định và giúp lan tỏa thông tin rộng rãi đến người dân, nhà đầu tư; hạn chế tình trạng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất ổn cho thị trường.

02/11/2021 09:21

Đầu cơ tạo "sốt đất" ăn theo thông tin quy hoạch

Chia sẻ tại tọa đàm, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, trong đó dự kiến đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn và Đông Anh lên thành phố cùng với các đô thị vệ tinh khác như Sơn Tây, Hòa Lạc, Phú Xuyên,… và chuỗi đô thị ven sông Hồng trong tương lai để Hà Nội trở thành mô hình thành phố trong thành phố.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 2

KTS Phạm Thanh Tùng

Đây là quy hoạch đô thị hiện đại giúp cho đô thị trung tâm giảm tải dân số, chỉnh trang kiến trúc đô thị, nâng cao chất lượng sống (về nhà ở, việc làm) và xây dựng môi trường sống an toàn bền vững trước thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra và thích ứng với phòng chống đại dịch COVID -19.

Tuy nhiên, để các huyện nói trên trở thành thành phố thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tiêu chí theo quy định về phân loại và nâng cấp đô thị của Chính phủ, mà trong đó, tỷ lệ đô thị hóa phải đạt từ 62% trở lên, nhưng hiện nay Hà Nội mới đạt tỷ lệ đô thị hóa là 45%.

Vậy tại sao xuất hiện “cơn sốt” nhà, đất ở một số nơi, một số khu vực có thông tin quy hoạch trên?. Trước hết, việc Hà Nội điều chỉnh quy hoạch chung và phê duyệt một số dự án quy hoạch phân khu, đặc biệt là phân khu đô thị sông Hồng. Đồng thời chuẩn bị xây dựng một loạt cây cầu mới trên sông Hồng đoạn 40 km chảy qua Hà Nội, trong đó có cầu Trần Hưng Đạo, Vĩnh Tuy 2 (sắp hoàn thành)… hoàn thành Vành đai 3, xây dựng Vành đai 4 và các đường trục kết nối trung tâm với các quận, huyện của Hà Nội,… đã tạo tiền đề rất thuận lợi cho huyện như Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh... khi lên thành phố.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 3
Thời gian qua, dù chưa chốt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, nhưng giới đầu cơ, môi giới nhà đất đang rầm rộ "đẩy sóng" giá nhà đất xung quanh khu vực nơi dự kiến có cầu đi qua.

Bên cạnh đó, ngoài các công trình lớn mang tầm quốc tế như sân bay Nội Bài đã có…, thì nhiều dự án khu đô thị mới, Trung tâm văn hóa, triển lãm, công viên lớn, các cụm công nghiệp trọng điểm cũng bắt đầu khởi công, thực hiện… trên địa bàn 3 huyện này, đã tạo niềm tin cho nhân dân vào kế hoạch phát triển của Hà Nội trong tương lai, gây hiệu ứng rất tốt trong xã hội. Và đó cũng là nguyên nhân để các nhà đầu cơ vốn rất nhanh nhạy với thị trường tìm đến và tạo nên "cơn sốt" nhà đất, nhất là ở khu vực thị trấn, ven thị trấn huyện lị, nơi có các dự án lớn và gần các đường giao thông chính nằm trong quy hoạch.

02/11/2021 09:37

BĐS chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư, có ở thật

Chia sẻ tại tọa đàm ông Nguyễn Văn Đính cho biết, về bản chất thông tin quy hoạch các thành phố vệ tinh hay quy hoạch mở rộng đô thị của Hà Nội không mới vì đã được thể hiện trong Đồ án quy hoạch Thủ đô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt để tạo ra những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ, thành phố thông minh ở phía bên kia sông Hồng; Nhằm hút các hoạt động từ lõi trung tâm đô thị lịch sử hiện nay như Hoàn Kiếm, Ba Đình,… để giảm tải áp lực hạ tầng cho nội đô.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 4
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Đồng thời tạo ra những tính năng mới để trẻ hóa đô thị theo hướng chuyên nghiệp hơn bởi chỉ những vùng ven đô mới còn dư địa về đất đai để phát triển chứ trong nội đô hiện đã quá tải. Do đó những thông tin gần đây thực ra chỉ là hoạt động nhắc lại kế hoạch của chính quyền UBND và HĐND TP. Hà Nội để tập trung đẩy nhanh tiến độ. Trước đó, khi có thông tin quy hoạch thì thị trường BĐS các vùng như Thạch Thất, Mê Linh đã “sốt nóng” và tăng giá rất mạnh nhưng sau đó lại “vụt tắt”, rớt giá và thậm chí “âm” giá.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 5
Sau thông tin Hà Nội dự kiến nghiên cứu, đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố trong giai đoạn 2021-2025 thì một số nhà đầu tư, môi giới đã đổ xô đi săn đất, gom đất “kích sóng” thị trường.

Thực tế, BĐS chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư thật, khi người dân về sinh sống ở thực nên các vùng ven, huyện ngoại thành muốn thành, muốn lên thành phố phải được đầu tư để tạo ra hệ thống hạ tầng là đô thị, là thành phố. Ít nhất các vùng phải có hệ thống đường xá, kỹ thuật, hạ tầng về văn hóa – xã hội, dịch vụ, thương mại, thể thao, vui chơi – giải trí,…thì lúc đó mới tạo ra giá trị BĐS thực, đô thị thực. Tuy nhiên, hiện tại các vùng này chỉ có thông tin với vài ba hoạt động đầu tư, một vài dự án.

02/11/2021 10:00

Lợi dụng thông tin quy hoạch để “kích sóng” BĐS

Ông Nguyễn Văn Đính đưa ra ví dụ như khu vực Hoài Đức (Hà Nội) đã từng bùng lên “sốt đất" khi thông tin lên quận nhưng cuối cùng chỉ loanh quanh có mấy khu dân cư nhỏ chứ chưa tạo ra khu vực có giá trị sống cao theo đúng nghĩa thành phố hiện đại, thông minh. Hay Mê Linh chỉ có ít khu đất đã san nền cấy thêm vài con đường nhỏ, không có sự sống nên giá trị BĐS, giá giao dịch sẽ bị tụt xuống.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 6
Theo ông Nguyễn Văn Đính, BĐS chỉ tạo ra giá trị thật khi có đầu tư thật, có ở thực nên các vùng quy hoạch phải được đầu tư về hệ thống đường xá, kỹ thuật, hạ tầng về văn hóa – xã hội, dịch vụ, thương mại, thể thao, vui chơi – giải trí,… thì giá trị BĐS ở các vùng này mới được phát triển, mới có yếu tố tăng giá.

Những nhà đầu tư khi xuống tiền mua BĐS ở những khu vực này trước đó đều muốn có lãi, sản phẩm thanh khoản tốt nhưng cuối cùng không thanh khoản được, tìm cách “cắt lỗ” nên lâm vào tình cảnh khá thê thảm.

Vì thế, khi có thông tin liên quan đến quy hoạch ở những khu vực này sẽ có một số đối tượng lợi dụng để “kích sóng” nhằm tạo “sóng mới” trong khi bản chất là thông tin cũ. Và chỉ có những nhà đầu tư lẻ tẻ, thiếu chuyên nghiệp, chưa bị va vấp bị dính vào.

Còn với thông tin đầu tư thật “ăn theo” việc xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo,… bắc qua sông Hồng cũng góp phần làm tăng giá trị BĐS ở những vùng đó lên.

Nhưng việc tăng giá này chỉ mang tính nhất thời vì thực tế cho thấy khu vực nào có cầu đi qua sẽ tạo nên hệ thống hành lang, vành đai rồi những vùng đệm, vùng an toàn bảo vệ cầu nên chiếm mất không gian khiến việc kinh doanh, buôn bán không sầm uất, do đó không tạo ra giá trị cho BĐS.

02/11/2021 10:21

Giá BĐS không tăng theo thông tin “hơi”

Trả lời câu hỏi, nhà đầu tư BĐS cần phải chú trọng điều gì để không phải “ôm hận” trước những thông tin quy hoạch không rõ ràng?

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 7
Mặc dù UBND TP. Hà Nội mới dự kiến quy hoạch Sóc Sơn thành thành phố nhưng nhiều môi giới đã tận dụng thông tin này để "đẩy sóng", tăng giá BĐS ở khu vực này. Điều đáng nói, các giao dịch viết tay chủ yếu là mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, đất rừng, đất khai hoang không đủ pháp lý gây nhiều rủi ro cho người mua, gây bất ổn cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết: Vấn đề ở đây là chúng ta phải xem xét quy hoạch cụ thể; các dự án phải đúng quy định pháp luật; được phê duyệt; có pháp lý đầy đủ, rõ ràng; giá cả tăng theo đúng tính chất của thị trường theo hướng nơi nào có sự đầu tư mạnh mẽ vào thì nó sẽ tăng giá theo tỉ trọng chứ không tăng theo thông tin “hơi”, quy hoạch "hơi".

Trên thực tế thì hiện nay tôi cũng đồng ý rằng có sự bùng nổ về giá ở một số khu vực khi có thông tin về quy hoạch nhưng mà tất cả những điều đó chỉ mang tính tận dụng, lợi dụng thông tin để đẩy “sóng” thị trường lên và những điều đó không phải là sự thật.

02/11/2021 10:42

Trả lời câu hỏi, cần có giải pháp nào để chặn hiện tượng "sốt đất" ăn theo thông tin quy hoạch?

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, để ngăn chặn hiện tượng sốt đất ăn theo thông tin quy hoạch cần quan tâm một số vấn đề sau:

Về phía chính quyền: Cần công khai thông tin quy hoạch một cách minh bạch với người dân và có định hướng thông tin để người dân biết. Vì nếu không, các cơn sốt đất sẽ xảy ra gây bất ổn kinh tế xã hội ở địa phương, và người bị thiệt hại nhất là người mua. Bởi sốt ảo nhưng tiền thật!.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 8

Khu vực dự kiến xây cầu Trần Hưng Đạo đang tạo ra những cơn sốt đất

Về phía người dân: Cần hiểu rõ, đây chỉ là quy hoạch điều chỉnh, là chủ trương của Nhà nước. Còn khi triển khai thực hiện phải qua nhiều bước quy hoạch tiếp theo, như quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… lúc đó nơi nào là dự án nhà ở, nơi nào là công viên, là đường, là trường học.v.v…, nơi nào phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án công cộng của thành phố… vì thế người dân phải tỉnh táo khi đầu tư vào nơi mà chưa biết hình hài cụ thể của đô thị ra sao trong mười, ba mươi năm nữa.

02/11/2021 10:45

Công khai quy hoạch “chặn” sốt đất

Chia sẻ tại tọa đàm với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, giống như “cơn sốt đất” diễn ra hồi đầu năm, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng một số nhà đầu cơ, môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn tại các địa phương…

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 9
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà & Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)

Mục đích của việc này là để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại BĐS, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch BĐS (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá nhà đất lên cao để lợi dụng trục lợi.

Để ngăn chặn cơn “sốt đất”, hồi tháng 3 Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án BĐS đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.

Do đó, ngày 25/10 vừa qua Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục ký công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Người dân trước khi mua nhà, đất nên tìm hiểu kỹ các thông tin quy hoạch, đồ án quy hoạch chứ không chạy theo tâm lý đám đông. Bởi lúc cơn sốt đất đi qua, người chịu thiệt nhất chính là người dân. Để tìm hiểu thông tin quy hoạch, người dân có thể lên mạng vào cổng thông tin quy hoạch quốc gia để tra, hoặc có thể đến chính quyền địa phương đề nghị cung cấp các thông tin liên quan đến quy hoạch theo quy định.

02/11/2021 10:57

Quy hoạch tầm nhìn nặng về ý chí, xa thực tiễn

Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khiến quy hoạch bị “băm nát”... Quý vị đánh giá như thế nào về tình trạng này? Nguyên nhân do đâu?

KTS Phạm Thanh Tùng: Vài năm trở lại đây, ở các đô thị như Hà Nội, TPHCM hay điều chỉnh quy hoạch cục bộ, nhiều nhà cao tầng được xây chen vào nội đô, diện tích đất cây xanh, công viên, không gian công cộng bị thu hẹp, hệ thống giao thông công cộng phát triển thiếu đồng bộ, gây ách tắc trong giao thông, mất kiểm soát về dân số đô thị…

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 10

KTS Phạm Thanh Tùng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: Trước hết khi lập quy hoạch chung, đã không dự liệu hết khả năng phát triển của thành phố, số liệu đầu vào lập quy hoạch chưa đầy đủ, quy hoạch tầm nhìn nặng về ý chí, lãng mạn rất xa với thực tiễn và khả năng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển vì vậy việc phải điều chỉnh cục bộ nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung đã được duyệt để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế là cần thiết.

Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh, nhiều quy hoạch cục bộ đã có sự tác động của các nhà đầu tư BĐS vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, lợi ích nhóm, làm thay đổi đến nhiều chỉ tiêu về dân số, về mật độ xây dựng, về không gian công cộng…của quy hoạch chung. Đây là một bất cập lớn và đang vẫn xảy ra.

+ Chương trình cải tạo hàng ngàn nhà tập thể cũ xây dựng trước 1980 tiến hành quá chậm (mới được khoảng hơn 1% số nhà cần phải xây dựng lại).

+ Nhiều dự án không thực hiện theo quy hoạch, thậm chí còn để hoang gần 20 năm không thực hiện nhưng không có chế tài xử lý, thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước và lãng phí tài nguyên đất đô thị.

+ Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị còn yếu kém, chậm đổi mới; Nhiều văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật liên quan còn chồng chéo gây khó khăn cho chính quyền khi thực hiện và là lỗ hổng để tham nhũng đất đai, lợi ích nhóm.

Theo ông cần có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?

KTS Phạm Thanh Tùng: Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này là cơ hội để Hà Nội khắc phục những tồn tại, bất cập của quy hoạch trước đây với mục đích cao nhất vì hạnh phúc bền vững của nhân dân và của Thành phố trong thời kỳ phát triển mới.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 11
Hà Nội vừa điều chỉnh lô đất có chức năng công cộng trên quận Nam Từ Liêm thành đất ở

Quyết tâm thực hiện có kế hoạch việc cải tạo chung cư cũ tạo niềm tin cho xã hội, cải thiện chỗ ở cho nhân dân, góp phần chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại; Hoàn thành các dự án giao thông chính và các tuyến đường giao thông đô thị; Hoàn thành 18 cây cầu qua sông Hồng (hay hơn nữa) để phát triển đô thị về phía Đông và phía Bắc sông Hồng.

Đồng thời, kiên quyết quản lý và kiểm tra, thanh tra công tác thực hiện quy hoạch đã được duyệt; Hạn chế tối thiểu việc điều chỉ quy hoạch cục bộ nếu không vì lợi ích của cộng đồng, của nhân dân phù hợp với pháp luật.

02/11/2021 11:25

Phân khúc nào trên thị trường BĐS sẽ trỗi dậy?

Thị trường BĐS thời gian qua đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức lớn trước làn sóng dịch COVID-19 bùng phát kéo dài. Hiện thị trường BĐS đang rục rịch khởi động trở lại sau khi nhiều địa phương đã nới lỏng việc giãn cách. Quý vị có nhận định như thế nào về xu hướng cũng như kịch bản cho thị trường BĐS trong thời gian tới. Những phân khúc nào sẽ trỗi dậy và là điểm sáng cho thị trường BĐS thời gian tới?

Tiềm năng BĐS những “vùng trũng”

Ông Nguyễn Văn Đính: Trong quý 4/2021, thị trường BĐS dần hồi phục. Ngay trong tháng 10, Chính phủ và các địa phương đã bắt đầu dỡ bỏ nhiều vấn đề rào cản, ngăn cấm đi lại, gây đứt gãy chuỗi cung ứng của thị trường của sản xuất, thị trường có sự hồi phục.

Trong những tháng tiếp theo, cùng với sự quyết liệt của chính phủ trong chống dịch và phục hồi sản xuất bước vào tình trạng mới mọi việc sẽ thuận lợi. Đồng thời, các hoạt động offline sẽ được tái khởi động nhiều hơn, bên cạnh online vẫn được đẩy mạnh, duy trì thì thị trường có sự khởi sắc so với quý 3. Tuy nhiên, thị trường vẫn đứng trước nhiều thách thức khi dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt.

Về xu hướng thị trường BĐS thời gian tới, ông Đính cho rằng: “Ở bất kỳ địa phương nào có sự vào cuộc đầu tư mạnh, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ đầu tư mạnh về phát triển hệ thống hạ tầng để phát triển kinh tế. Hay những địa phương thu hút, lôi kéo được nhiều nhà đầu tư lớn dạng “đại bàng”, “cá mập” đến để làm tổ thì những địa phương đó sẽ tạo lực hút mạnh đối với các nhà đầu tư phát triển đến nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đây được gọi là “vùng trũng”, nơi có sự đầu tư mạnh, tạo ra sự phát triển kinh tế nhanh, tạo sự tăng tốc về đô thị hóa, công nghiệp hóa.. thì giá trị BĐS đẩy tăng lên rất nhanh do những nơi đó thời điểm này đang duy trì mức giá hợp lý. Các “vùng trũng” này có thể kể đến như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận...

BĐS công nghiệp sẽ phục hồi sớm nhất

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, thị trường BĐS vẫn có “điểm sáng” đó là phân khúc BĐS công nghiệp và BĐS du lịch. Trong đó, thị trường BĐS công nghiệp sẽ phục hồi sớm nhất, tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì như quý III/2021, giá thuê không biến động. Thị trường nhà ở cho thuê và dịch vụ quanh các khu công nghiệp đã hoạt động sẽ ổn định trở lại trong quý IV/2021.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 12

Thị trường BĐS công nghiệp được dự đoán sẽ là điểm sáng

Các khu công nghiệp mới đang phát triển tại 13 địa phương như : Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa thiên Huế , Đồng Nai, Long An, Vĩnh Long … sẽ mang đến cho thị trường khoảng 40 dự án BĐS công nghiệp quy mô lớn nên nguồn cung BĐS xung quanh các khu công nghiệp đang triển khai đã bắt đầu có dấu hiệu sôi động.

Cùng với đó, phân khúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thời gian tới sẽ thu hút và được quan tâm từ các nhà đầu tư. Trong đó, những dự án quy mô được đầu tư với đa dạng loại hình dịch vụ, nghỉ dưỡng hút đầu tư nhiều Vùng sôi động về phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng dự báo ở Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc...

Theo ông Đính, việc cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu các địa phương phải công khai hệ thống thông tin về quản lý đất đai, thông tin quy hoạch đầy đủ sẽ góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị để thổi giá, tạo sốt ảo, gây bất ổn cho thị trường.

02/11/2021 11:41

Sửa các luật để chặn tình trạng thổi giá BĐS

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Những luật này khi được thông qua có tác động như thế nào đến thị trường BĐS thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Khởi: Như chúng ta đã biết, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được Quốc hội thông qua năm 2014 và có hiệu lực từ tháng 7/2015. Sau hơn 6 năm triển khai thi hành, 2 luật này đã góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở, từng bước đáp ứng yêu cầu về nhà ở cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp tại đô thị. Luật Kinh doanh BĐS cũng đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh BĐS, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

Tọa đàm 'Thị trường bất động sản nhìn từ thông tin quy hoạch' ảnh 13
Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) nếu được thông qua trong thời gian tới sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Đồng thời, khắc phục tình trạng thổi giá, tăng giá, gây sốt giá BĐS như thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 6 năm thực hiện 2 đạo luật này thì cũng cần thiết phải nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung 2 luật này nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện trong hoạt động đầu tư kinh doanh BĐS. Xuất phát từ yêu cầu này, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng hồ sơ dự án 2 luật này để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội năm 2022 để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023.

Trong đó, sẽ đề xuất cần bổ sung các quy định về các hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở, về việc ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội để góp phần giảm áp lực về nguồn cung nhà ở, hạn chế tình trạng thiếu cung, tăng giá nhà ở không hợp lý.

Đặc biệt là quy định cụ thể các điều kiện tham gia đầu tư dự án bất động sản, các điều kiện kinh doanh giao dịch bất động sản, việc quản lý hoạt động của các nhà môi giới, các sàn giao dịch BĐS, nhất là việc yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin liên quan đến quy hoạch, dự án BĐS cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm để hạn chế, khắc phục tình trạng thổi giá, tăng giá, gây sốt giá BĐS như thời gian vừa qua…

Nếu được cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) trong thời gian tới thì tôi tin rằng, chúng ta sẽ khắc phục được các hạn chế đang xảy ra như hiện nay, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh BĐS nói chung, hoạt động kinh doanh nhà ở nói riêng một cách công khai, minh bạch hơn và sẽ thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.

MỚI - NÓNG