Thẩm phán liên bang ở quận Brooklyn, New York (Mỹ) đã ra phán quyết: Chính phủ không thể ép buộc Apple phá vỡ mật khẩu cũng như lấy dữ liệu từ các mẫu iPhone bị khóa. Tuy nhiên, phiên xét xử này không liên quan đến trường hợp của kẻ giết người hàng loạt Syed Farook ở San Bernardino, California (Mỹ), vụ việc cũng bị FBI đưa ra yêu cầu tương tự gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Thay vào đó, thiết bị lần này thuộc về Jun Feng, một trùm ma túy bị bắt vào năm ngoái. Chính phủ khi đó cũng đã sử dụng đạo luật "All Writs Act" để yêu cầu Apple giúp truy cập dữ liệu điện thoại của Feng. "All Writs Act" là đạo luật có từ thế kỷ 18 cho phép tòa án liên bang ra bất cứ phán quyết và trát đòi nào nếu cảm thấy cần thiết và hợp pháp.
Các đơn vị thực thi pháp luật khi bắt Jun Feng đã tìm thấy chiếc iPhone 5s của y. Dù đã nhận tội, tên này tuyên bố đã quên mật khẩu để mở máy khiến Cục điều tra liên bang Mỹ gặp khó khăn trong việc thu thập các dữ liệu.
Theo Business Insider, một lãnh đạo của Apple giấu tên cho biết trường hợp về vụ án Jun Feng cũng giống như những gì hãng đang phải đối mặt ở San Bernardino, California (Mỹ). Phán quyết của tòa án sẽ giúp Apple đưa ra một "dẫn chứng thuyết phục" trong các buổi làm việc với FBI.
Tương tự như Jun Feng, Syed Farook - kẻ cùng với vợ mình đã giết 14 người ở San Bernardino, California (Mỹ) cuối năm ngoái cũng sở hữu một chiếc iPhone. FBI muốn Apple tạo một vài tính năng riêng trên hệ điều hành giúp các nhà điều tra vượt qua cơ chế bảo mật thông thường của Apple trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, Apple lo ngại trong tương lai, nếu phần mềm này rơi vào tay kẻ xấu thì chúng có thể mở khóa bất cứ chiếc iPhone nào mà chúng có được.