Tố nữ thời nay

Tố nữ thời nay
TP - Tuổi đời tuổi nghề có thể chênh lệch nhau nhưng họ đều đang cống hiến tài năng cho văn hóa nghệ thuật truyền thống, và đều đẹp. Vẻ đẹp ấy càng tỏa sáng trong những tà áo dài dân tộc.

Lễ mở xiêm áo (buổi lễ tốt nghiệp của đào nương) đầu tiên được khôi phục sau nửa thế kỷ vắng bóng cùng nghệ thuật ca trù là của Phạm Thị Huệ. Buổi lễ trang trọng mà ấm cúng đó diễn ra bốn năm trước tại nhà một người bạn.

Từ bấy đến nay, tâm huyết với ca trù của Phạm Thị Huệ không hề giảm sút. CLB Ca trù Thăng Long do chị gây dựng lớn mạnh không ngừng.

Hai năm đầu, CLB nhận được sự hỗ trợ của quỹ Ford để truyền dạy và trình diễn miễn phí. Hiện họ vẫn đang duy trì tuần một buổi tối thứ sáu dạy trống chầu, và thứ bảy đầu tháng thì trình diễn (tại đình Giảng Võ).

Mọi chi phí giờ đây gần như không ai lo ngoài Phạm Thị Huệ. Đã có lúc bĩ cực, chị tuyên bố vì ca trù, có thể bán nhà(!).

Tố nữ thời nay ảnh 1

Phạm Thị Huệ gắn với cây tỳ bà từ năm lên tám, nhưng chị chỉ bắt đầu được biết đến nhiều hơn cách đây vài năm khi trở thành đào đàn độc nhất của làng ca trù hôm nay.

Với tầm nhìn của một giảng viên khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia, Huệ quyết tâm thâu nạp tất cả những gì có thể về ca trù. Và chị trở thành hiện tượng khi có thể đảm nhiệm tất cả các vị trí trong ca trù: đàn, hát và gõ phách.

Nhận được sự chỉ bảo tường tận của hai người thầy lão luyện là cụ Nguyễn Thị Chúc và cụ Nguyễn Phú Đẹ, đến lượt Phạm Thị Huệ lại trở thành người truyền dạy ca trù cho các thế hệ sau.

Theo truyền thống, ca trù chỉ được truyền dạy trong dòng họ. Chính Phạm Thị Huệ, khi lặn lội xuống Hải Dương tìm học thầy Đẹ, đã phải ra khấn nguyện trước mộ tổ của họ Nguyễn, rằng khi nào người trong họ Nguyễn đến xin học, chị có trách nhiệm truyền lại toàn bộ ngón nghề.

Nay đứng trước thực trạng ca trù đang dần thất truyền, Huệ thay đổi chính sách, sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai có tài và có tâm. Đặc biệt chị đã “tiêm nhiễm” ca trù vào chính những người thân trong gia đình: bố, con gái, em gái, cháu…

Một số học sinh ở khoa nhạc cụ truyền thống cũng bị tiếng đàn đáy của cô giáo Huệ lôi kéo. Với năng khiếu âm nhạc đã được tuyển chọn và rèn luyện từ nhỏ, các em nhanh chóng hấp thụ môn nghệ thuật “mới”: ca trù.

CLB Ca trù Thăng Long do Phạm Thị Huệ thành lập từ 2006 đến nay đã mang dáng dấp của một giáo phường với hai chục đào nương và đào/kép đàn tuổi từ 10 đến ngoài 20. Họ có thể đảm nhiệm cả một chương trình ca trù sống động, cố gắng theo đúng lề lối truyền thống.

Ca trù Thăng Long đặc biệt thu hút khá nhiều quan viên, trong đó có những quan viên xịn. Tức là không những biết khen chê qua tiếng tom chát mà còn có thể làm, thậm chí ứng tác, thơ hát nói để đào nương có thể hát ngay được.

Ít ai biết Phạm Thị Huệ là một trong vài người có công truyền bá nhạc cổ truyền Việt Nam sang tận Thụy Điển. Sáu nghệ sĩ Thụy Điển và Phần Lan là học trò của Huệ cách đây sáu năm đã lập nhóm Ojzaioj (phiên âm từ Ối giời ơi) chuyên trị cổ nhạc Việt ở thành phố Malmo (Thụy Điển).

Cuối năm ngoái, chị xuất hiện trên sân khấu nhạc nhẹ với Thanh Lam, Tùng Dương trong bài Chiều phủ Tây hồ (Phú Quang). Bài hát ngày nay kết hợp với những cung bậc truyền thống của đàn đáy và lối hòa âm ngẫu hứng như các cụ ta xưa được khán giả hồ hởi đón nhận, và đã được bổ sung vào lịch diễn hàng tháng của CLB.

Võ Vân Ánh - chinh phục nước Mỹ bằng đàn tranh

Tố nữ thời nay ảnh 2

Thành tích nổi bật trong năm qua của nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam ở Mỹ Võ Vân Ánh là đồng đoạt giải Emmy về soạn nhạc cho bộ phim tài liệu truyền hình Bolinao 52. Bản thân bộ phim cũng đoạt giải Emmy (tương tự giải Oscar cho phim truyền hình).

Phim kể về chuyến vượt biển bị một chiến hạm Mỹ từ chối tiếp cứu. Nhưng sau đó, chính những người sống sót của con thuyền Bolinao 52 đã viết thư xin miễn tố cho ông thuyền trưởng, khi ông này phải ra tòa án binh.

Bộ phim thể hiện sự hòa giải với quá khứ, khi một trong những người sống sót đã can đảm đứng ra kể lại câu chuyện mà những người còn lại muốn quên đi…

Võ Vân Ánh đã phải nhờ chồng - tổng giám đốc một công ty điện tử đa quốc gia - ngồi cạnh để chị có thể xem lại bộ phim này. Và chị chọn tiếng đàn bầu dành cho chỗ quan trọng nhất trong phim.

Chị gảy một tiếng nhấn cần thật căng, thật trầm và nhấn cần đàn hồi lâu. Như tâm trạng của những người không còn sức để mà gào thét.  Và hơn nữa, mọi nức nở gào thét khi ấy - Ánh hình dung - chỉ là một hạt mưa rơi tõm xuống biển.

Võ Vân Ánh có duyên với nhạc phim. Vài năm trước, chị tham gia làm nhạc cho bộ phim sau được đề cử Oscar Người con gái Đà Nẵng; và hiện đang làm nhạc cho một phim tài liệu về đời sống hôm nay của cộng đồng người Việt ở New Orleans, về cuộc đấu tranh của họ để có tiếng nói trong xã hội.

Người Việt ở Mỹ biết tới Võ Vân Ánh qua những chương trình giới thiệu âm nhạc Việt trên KTSF - đài truyền hình đa sắc tộc dành cho cư dân vùng vịnh San Francisco.

Chị thường xuyên tham gia các buổi trình diễn từ thiện vì cộng đồng, trong đó phải kể đến chương trình quyên tiền mua xe lăn và cấp học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam do Wheelchair Foundation phối hợp VNHELP tổ chức.

Theo Vân Ánh: “Rất nhiều người khác phải làm gì, phải đóng góp, thậm chí hy sinh cho mình, mình mới có được cuộc sống như mình đang có. Mình phải làm gì để trả lại cho cộng đồng đã nuôi nấng mình”.

Trong 2010, sẽ không chỉ người Việt biết đến tiếng đàn của Võ Vân Ánh. Một dự án âm nhạc mang tên Nhịp thở châu Á với sự tham gia của nhạc sĩ Đỗ Bảo và các tố nữ đàn dân tộc: Thanh Hương, Hồ Nga, Thùy Anh… do Võ Vân Ánh khởi xướng và sản xuất sẽ lên đường chinh phục khán giả Mỹ.

Chương trình gồm các sáng tác mới hoặc giai điệu truyền thống phối lại với phong cách chủ đạo new age. Từng chơi nhạc Việt cho hàng nghìn khán giả - sau buổi biểu diễn, cả khán phòng hàng nghìn người đứng lên vỗ tay hồi lâu.

Võ Vân Ánh và các cộng sự tin tưởng rằng âm nhạc lấy cảm hứng từ truyền thống của họ không chỉ khiến người nước ngoài thấy lạ - nghe một lần cho biết - mà sẽ thấy hay - nghe đi nghe lại. Xa hơn nữa, Nhịp thở châu Á sẽ bằng âm nhạc kể lại một câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Theo chồng sang Mỹ cách đây chín năm. Phần lớn thời gian này đủ để chị thích nghi với cuộc sống mới và vun đắp cho gia đình với hai cô con gái nhỏ. Tuy nhiên chị không sốt ruột. “Với mình thế là may mắn”, Vân Ánh tâm sự.

“Có người cả đời cũng chưa nghĩ ra là mình muốn làm gì và làm sao để thực hiện mơ ước của mình. Hiện tại, ít ra mình bắt đầu thấy ước mơ của mình và cũng là của nhiều người đang trở thành hiện thực”.

Lộc Huyền - niềm hy vọng của tuồng

Tố nữ thời nay ảnh 3

Nhắc tới những tài năng trẻ sân khấu tuồng hiện nay, các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị đều gọi ngay cái tên Lộc Huyền. Họ nhắc về cô với sự ưu ái và trân trọng, bởi lẽ với tuồng, để trở thành tài năng đã khó mà để giữ nghề lại càng khó.

Lộc Huyền, sinh năm 1981, được nhớ qua những vai diễn kinh điển như: Hồ Nguyệt Cô trong Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Xuân Đào - Xuân Đào cắt thịt, Mai Hương - Triệu Đình Long cứu chúa, Hàn Tố Mai - Nữ tướng Đào Tam Xuân... Cô thể hiện được nhiều loại vai diễn từ đào lẳng, đào thương tới đào võ.

Năm 2003, tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng loại giỏi khoa diễn viên kịch hát dân tộc Trường ĐH SKĐA, Lộc Huyền về Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đúng thời điểm chuẩn bị cho Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu, các nghệ sĩ gạo cội của nhà hát, đặc biệt là NSƯT Minh Gái, đã tập cho Huyền trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo để tham dự.

Cô diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp đã thực sự chinh phục được những giám khảo đầy khó tính bởi khả năng diễn xuất vượt trội. Huyền giành giải Diễn viên trẻ tài năng ngành sân khấu toàn quốc năm đó.

Hai năm trở lại đây, cái tên Lộc Huyền được nhắc nhiều trong hai vai chính của hai vở diễn do nhà hát kịch mặt nạ Monte Charge (Pháp) và nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp dàn dựng. Đó là vai cô con gái nuôi của hoàng hậu trong vở Vòng cát và vai Ti An trong vở Angtigon ở Việt Nam.

Lộc Huyền cùng các nghệ sĩ của hai nhà hát tạo nên những chuyến lưu diễn thành công tại châu  Âu.

Ít ai biết những nhọc nhằn vất vả mà Huyền đã trải qua để giữ nghề. Đồng lương cho diễn viên tuồng nói chung quá ít ỏi, danh hiệu tài năng trẻ mới chỉ dừng ở cái tiếng.

Để có thêm thu nhập, Huyền không từ nan đi hát tại các phòng trà, dẫn chương trình ca nhạc và cả dạy tuồng cho người nước ngoài.

Chồng Huyền là diễn viên chèo. Chưa có nhà riêng, gia đình nhỏ đang tá túc trong khoảng diện tích chưa đầy 15m2 trên tầng ba khu tập thể nhà hát chèo, vốn là một căn hộ chia đôi.

Ngoài giờ làm, Huyền tranh thủ đi học tiếng Pháp ở L’Espace mấy tối trong tuần. Ngày còn trên ghế nhà trường, Huyền khá cả tiếng Nga, tiếng Anh, được nhận danh hiệu Sao tháng Giêng.

Khi Bộ VH-TT&DL tổ chức khóa đào tạo Tác giả và Lý luận phê bình sân khấu, dù lịch diễn kín mít, Huyền vẫn thu xếp để tham gia. Khóa học kết thúc cuối năm 2009 và Lộc Huyền đã được bình bầu là 1/6 học viên xuất sắc nhất.

Tác giả Lê Quý Hiền không giấu giếm sự vui mừng khi đánh giá kịch bản đầu tay của trò Lộc Huyền: “Tôi bất ngờ vì cách tư duy của em. Sân khấu tuồng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng về kịch bản, tôi tin với tình yêu tuồng, lại là người am hiểu tuồng, Lộc Huyền sẽ trở thành một tác giả chuyên nghiệp cho tuồng”.

Dịp Tết Nguyên đán này, Lộc Huyền cùng nhà hát lưu diễn ba tháng tại Pháp. Phía bạn đã đài thọ cho cả con gái Huyền Vy mới gần hai tuổi đi cùng mẹ. Đây là lần thứ hai, bé theo mẹ sang Pháp, lần đầu cách đây đúng một năm.

Thúy Lành - lộc non ngành chèo

Tố nữ thời nay ảnh 4

Sinh năm 1985, Thúy Lành thuộc lứa diễn viên trẻ nhất của nhà hát chèo Hà Nội. Cô mới nhận vai lớn đầu tiên - Nguyễn Thị Lộ trong vở Oan khuất một thời - vở diễn được đầu tư lớn chào mừng 1.000 năm Thăng Long.

Thúy Lành đã vượt qua ba đàn chị, được đạo diễn Doãn Hoàng Giang tin tưởng giao vai. Dù chưa nhận được giải thưởng cá nhân tại Hội diễn Chèo chuyên nghiệp toàn quốc, vai diễn của cô được giới chuyên môn đánh giá tốt, chiếm được cảm tình của khán giả.

Quê Thái Bình, mê chèo qua đài từ bé, Thúy Lành quyết theo nghiệp dù không phải con nhà nòi. Cuộc sống của diễn viên chèo còn nhiều khó khăn, thu nhập của một cử nhân mới ra trường còn thấp nhưng Lành vẫn khẳng định: “Đã lựa chọn con đường này, chúng em quyết tâm sống chết với nghề”.

Ngoài giờ diễn, giờ tập cùng đoàn, Thúy Lành phải đi hát quan họ, nhạc mới để trang trải cuộc sống xa nhà. Vóc người cao ráo, mắt sâu, thường được các đạo diễn phim để ý. Thúy Lành mới từ chối một vai diễn truyền hình dài hơi, sợ ảnh hưởng đến quỹ thời gian dành cho chèo.

Cô đã có bạn trai. “Em không đặt ra cho mình mẫu người lý tưởng cao sang”, Lành tâm sự. Bạn trai em có đặc điểm làm em quyết tâm chọn là thông cảm với nghề nghiệp của em”.

Tuy nhiên, một điều vẫn làm Lành thấy lạ là anh vẫn chở Lành đến rạp rồi về luôn, chứ không có nhu cầu xem chèo, cho dù là người yêu mình diễn.

Dự định sắp tới của Lành là học tiếng Anh và học tiếp Thạc sĩ. “Chúng em vẫn hy vọng ngày không xa, nghệ thuật của mình được công chúng đón nhận nhiều hơn, những đêm diễn ở rạp sáng đèn hơn”, Lành nói.

“Với xu thế hướng về cội nguồn dân tộc, hy vọng trong tương lai không xa, nghệ sĩ chúng em được đánh giá cao hơn, được đãi ngộ tốt hơn để toàn tâm toàn ý với nghề. Mong rằng chèo không chỉ đến với đông đảo khán giả trong nước mà còn ở nước ngoài”.

Ảnh: Hồng Vĩnh  
Thực hiện: Nguyễn Mạnh Hà
Trang phục: Lan Hương (bộ sưu tập áo dài tố nữ bốn màu), Ca trù Thăng Long
Địa điểm: Đình Giảng Võ 

MỚI - NÓNG