Tình yêu bóng đá của những người con cố Giáo sư Nguyễn Lân

Tình yêu bóng đá của những người con cố Giáo sư Nguyễn Lân
Cố giáo sư Nguyễn Lân có tất cả 8 người con - 7 trai và 1 gái. Họ đều theo đuổi những nghề cao quý như làm thầy giáo và thầy thuốc. Trong 7 người con trai, có hai người yêu bóng đá cuồng nhiệt, nhưng cách thể hiện lại không hề giống nhau.

> SEA Games 27: Malaysia 'chê' U23 VN
> Nức lòng U19, mong chờ U23

Nhà nhân chủng học và Bài ca chiến thắng

PGS-tiến sĩ Nguyễn Lân Cường là con trai thứ tư của cố Giáo sư Nguyễn Lân. Ông Cường người nhỏ nhắn, gầy gò và có nụ cười nhẹ nhàng, rất dễ chịu với người đối diện.

Vị tiến sĩ gây ngạc nhiên từ cái… danh thiếp. Một mặt danh thiếp có in hình cái… đầu lâu, như thể xác định nghiệp chính mà ông Nguyễn Lân Cường theo đuổi: Nhân chủng và khảo cổ học.

Cái danh thiếp bé xíu ngoài in hình đầu lâu ấy còn dày chi chít chức danh, tới mức người ta có cảm tưởng ông phải bỏ bớt vài chức danh mới đủ chỗ: PGS-TS, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường nhân chủng học, Nghiên cứu viên cao cấp, Phó TTK Hiệp hội Khảo cổ học VN, Ủy viên BCH Hội Hữu nghị VN- Campuchia, PCT Hội Cổ sinh địa tầng VN, giảng viên Trường ĐHQG Hà Nội, Ủy viên Ban kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam…Ngoài ra, còn khá nhiều những “gạch đầu dòng” trên danh thiếp.

Người đàn ông nhỏ nhắn, ăn nói rất nhẹ nhàng này hóa ra lại có một trái tim yêu bóng đá đến cuồng nhiệt. Bóng đá - môn thể thao dường như chẳng liên quan gì đến lĩnh vực nghiên cứu của ông.

Trong một lần ngồi cùng PCT Hội CĐV Việt Nam Trần Song Hải, ông Lân Cường kể rằng: “Cách đây đúng 15 năm, tại Tiger Cup 1998, khi đội tuyển Việt Nam đánh bại tuyển Thái Lan trên sân Hàng Đẫy. Hòa chung dòng người hân hoan chiến thắng, trong tôi dâng lên niềm tự hào khôn tả và thế là tôi đã viết bài hát mang tên Việt Nam chiến thắng”.

Chỉ có điều, niềm vui của ông tiến sĩ khảo cổ học không được bao lâu thì ĐTVN lại thua đau Singapore trong trận chung kết. Bài hát viết vội của ông Lân Cường nằm in dưới dạng phác thảo trên giấy và dần trôi vào lãng quên của chính tác giả.

Cho đến AFF Cup 2008, Việt Nam vào chung kết với Thái Lan. Vị tiến sĩ “sực nhớ” ra sáng tác cũ. Niềm tự hào xưa cũ dội về và tin chắc lần này tuyển Việt Nam sẽ thành công, ông Lân Cường đã cùng các sinh viên đi thu âm bài hát.

Trước trận chung kết AFF Cup lượt về diễn ra ở Mỹ Đình, bài hát “Việt Nam chiến thắng” lần đầu tiên ra mắt NHM cả nước. Lần này thì dự đoán của ông Nguyễn Lân Cường đúng. Công Vinh ghi bàn và lần đầu lên ngôi vô địch AFF”.

“Tôi nghĩ mình đã làm được điều gì đó cho đội tuyển" - ông Lân Cường cười nhấp nháy đôi mắt đặc trưng của nhà Nguyễn Lân.

Tình yêu bóng đá của những người con cố Giáo sư Nguyễn Lân ảnh 1

Trước SEA Games 26 - năm 2011, với sự giúp đỡ của một vài người bạn cũng là NHM cuồng nhiệt bóng đá, tiến sĩ Nguyễn Lân Cường cho ra mắt cuốn sách âm nhạc mang tên ca khúc “Việt Nam chiến thắng”.

Đây là cuốn sách gồm 39 bài hát, hàng chục bài thơ về bóng đá cũng như hàng trăm bức ảnh về những khoảnh khắc bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, trong số các bài hát có bài “Việt Nam chiến thắng” của nhà khảo cổ học kiêm nhạc sĩ.

Đây là một cuốn sách khá công phu, nhưng ông Lân Cường sẵn sàng chia sẻ cho những người mới quen có lẽ với nhà khảo cổ kiêm nhạc sĩ này chia sẻ cuốn sách cũng giống như chia tình yêu bóng đá cho những người bạn của mình.

Giáo sư ngôn ngữ và chức Phó Chủ tịch VFF

Ông Nguyễn Lân Trung là con út của cố Giáo sư Nguyễn Lân. Ông Trung hay cười, tính tình thanh niên, biết nhiều ngoại ngữ lại quan hệ rộng. Vì thế, ông được giữ chức PCT VFF phụ trách truyền thông.

Ông Nguyễn Lân Trung “bén duyên” với bóng đá từ rất lâu. Còn nhớ hơn 15 năm trước, chính nhờ sự quen biết của mình với các đối tác nước ngoài, ông Lân Trung “và những người bạn” đã rất thành công trong phi vụ đưa đội ĐKVĐ Champions League lúc ấy là Juventus đến Việt Nam năm 1996.

Lần ra mắt với bóng đá ấy ấn tượng đến nỗi sau đó ông Lân Trung “bắt mối” tiếp để mời các vị khách tham dự Cup 3 châu lục năm 1997 và nhiều CLB danh tiếng khác.

Năm 2001, ông Lân Trung chính thức bước vào ngôi nhà VFF trong vai trò một ủy viên BCH. Lúc này ông Trung càng phát huy vai trò của mình hơn, trong các mối quan hệ quốc tế của mình, ông làm quen được với HLV huyền thoại Aime Jacquet và được ông này giới thiệu cho HLV C.Letar ứng cử vào vị trí HLV tuyển U.23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003.

Chuyện ông Lân Trung với bóng đá thì nhiều. Nhưng đôi khi tính cách “thanh niên tính”, nhiệt tình thái quá lại làm hại ông. Chẳng hạn với những phát biểu rất… chuyên môn về bóng đá dù ai cũng biết là ông ngoại đạo.

Thậm chí trong nhiều cuộc ra nước ngoài cùng đội tuyển, ông Lân Trung cũng rất hăng hái xỏ giày, mặc quần áo thi đấu ra sân nhưng ai cũng biết là ông chẳng biết đá bóng. Trong khi đó thì nhiều lần các cầu thủ cười ngặt nghẽo vì đùi ông PCT phụ trách truyền thông…trắng quá.

Tình yêu bóng đá của những người con cố Giáo sư Nguyễn Lân ảnh 2

Ấy thế mà có người bảo: Hồi trẻ ông Lân Trung là một tiền vệ nhanh nhẹn trong thành phần đội tuyển sinh viên Việt Nam trong những năm 1970.

Nhưng nói gì thì nói, ông Lân Trung vẫn được mọi người trong làng bóng đá nể trọng vì sự nhiệt tình và đặc biệt khả năng ngoại ngữ thì ở VFF không ai bằng.

Thế nên, dù có người yêu - kẻ không thích thì vị trí PCT VFF phụ trách truyền thông khóa tới khó thoát khỏi tay ông Nguyễn Lân Trung. Đơn giản vì ông Trung không có đối thủ.

Làm nữa hay không là do ông quyết định thôi. Nhưng rõ ràng bóng đá mang đến cho ông Lân Trung danh tiếng và thị phi cũng khác rất nhiều với cách tiếp cận bóng đá của người anh Nguyễn Lân Cường.

Họ là con, cháu của những gia đình nổi tiếng và không liên quan đến những lĩnh vực thể thao. Vậy mà họ lại thành danh và thành công ở chính lĩnh vực được cho là xa lạ với truyền thống gia đình…

Theo Song An
  Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG