TPO - Liên quan đến việc nhiều khối đá còn nguyên kiện đã sứt mẻ, nứt vỡ, có nhiều vết rạn được đưa đi lát. Hiện tại, những khối đá bị nứt được quét bằng nước xi măng đã đánh dấu "đá loại trả về", nhưng cũng có một số vẫn được sử dụng. Tại một số tuyến phố, công trường lát đá vỉa hè đã được lắp biển báo.
Như Tiền Phong đã nêu, các chuyên gia vật liệu xây dựng chỉ rõ, đá lát vỉa hè Hà Nội được khai thác bằng hình thức nổ mìn nên các liên kết, phân tử trong đá vị đứt gãy mất liên kết, giòn, dễ vỡ, thậm chí có vết nứt sẵn. Vài ngày lại đây, trên các tuyến phố đang thi công lát đá vỉa hè những kiện đá được quét phủ một lớp xi măng trắng để che vết rạn nứt khiến những kiện đá được "khoác một lớp áo" mới...
Các chủ đầu tư nhà thầu thi công phải kiểm tra đầu vào, sử dụng phương pháp khoa học để nghiệm thu vật liệu trước khi đưa vào thi công. Thế nhưng việc xử lý những viên đá này dường như mang tính đối phó... Các viên đá viên đá vẫn được các công nhân sử dụng để lát vỉa hè.
Các chuyên gia vật liệu xây dựng chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng nứt vỡ đá vỉa hè là do chất lượng đá không đảm bảo, sản xuất không đúng quy trình.
Ông Lê Thạc Hinh, Giám đốc Công ty cổ phần vật liệu xây dựng AMADO Việt Nam (cung cấp đá cho một số tuyến phố lớn trên địa bàn Hà Nội như Trần Khát Chân, Hòa Mã, Thi Sách, Trần Nhân Tông…) cho biết, Một kiện đá sẽ được đánh dấu ghi ca sản xuất, ngày sản xuất chứ không quét nước xi măng, nước vôi toàn bộ kiện hay bề mặt. Việc quét vôi, nước xi măng là do các nhà thầu thi công thực hiện.
Cán bộ Ban QLDA quận Hai Bà Trưng cho biết, việc quét xi măng để che vết rạn nứt trên đá là "rất lạ" và sẽ cho người kiểm tra ngay. Việc này nếu xảy ra đương nhiên chưa được nghiệm thu về mặt kỹ thuật vì vẫn đang trong quá trình thi công. Nếu kiểm tra đá lát không đạt chất lượng sẽ yêu cầu loại thải.
Tại quận Hoàn Kiếm cũng xuất hiện một số kiện đá quét xi măng, sơn màu được dán giấy thông báo "Đá loại trả về". Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trịnh Hoàng Tùng - Giám đốc Ban BQLDA Hoàn Kiếm cho biết, những kiện đá trên tại phố Trần Khánh Dư qua kiểm tra đầu vào phát hiện không đảm bảo yêu cầu khi đưa đến công trình nên Ban QLDA không nghiệm thu, không cho tiếp tục thực hiện lát vỉa hè nữa và đánh dấu để trả lại đơn vị cung cấp.
Trước đó, Tiền Phong từng phản ánh nhiều tuyến phố đang lát lại vỉa hè không có biển báo công trình, o bế thông tin đơn vị thi công, nhà thầu... Người dân không thể nắm được ai là chủ đầu tư, ai thi công để phản ánh, cộng đồng không thể giám sát được. Sau đó, những biển báo này đã được dựng lên. Ảnh chụp tại phố Trần Khánh Dư (đoạn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng).
Luật Xây dựng yêu cầu, đối với công trường xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm lắp đặt biển báo công trình tại công trường xây dựng. Nội dung biển báo gồm: tên, quy mô công trình; ngày khởi công, ngày hoàn thành; tên, địa chỉ, số điện thoại của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tổ chức thiết kế xây dựng và tổ chức hoặc cá nhân giám sát thi công xây dựng; bản vẽ phối cảnh công trình. Biển báo được dựng trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng).
Biển báo công trình thi công chỉnh trang cải tạo vỉa hè trên phố Đoàn Trần Nghiệp (quận Hai Bà Trưng).