Tinh thần thượng võ

Trận đấu diễn ra dưới sự theo dõi của môn sinh phải Vịnh Xuân và Đoàn Long Karate.
Trận đấu diễn ra dưới sự theo dõi của môn sinh phải Vịnh Xuân và Đoàn Long Karate.
Mấy hôm nay trên mạng xã hội xuất hiện clip diễn biến màn giao lưu võ thuật giữa võ sư người Canada P. Flores và võ sư, nhà văn Đoàn Bảo Châu của Việt Nam. Tôi không bàn đến kết quả trận đấu vì do chênh lệch về tuổi tác, chiều cao, cân nặng và thể lực giữa hai võ sư, sự thắng thua gần như đã được biết trước. Có bốn chữ được nhiều người nhắc đến khi bình luận chung quanh sự kiện này, đó là: “tinh thần thượng võ”, xin bàn về bốn chữ đó.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội và nhiều tờ báo điện tử ồn ào thông tin và hình ảnh các cuộc thách đấu giữa một số võ sư thuộc các trường phái võ thuật khác nhau. Đáng chú ý là các cuộc đấu này dù chưa bắt đầu hay đã kết thúc thì các cuộc đấu khẩu luôn rộn ràng trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Cách đây hơn một tháng, võ sĩ MMA (một loại võ tự do tổng hợp) Từ Hiểu Đông sau khi đánh bại chóng vánh Ngụy Lôi - một võ sư Thái Cực Quyền, đã lớn tiếng chê bai ông này là võ sư rởm và có những nhận xét xúc phạm võ thuật cổ truyền.

Gần đây nhất, võ sư P. Flores (môn Vịnh Xuân quyền) lên tiếng thách đấu chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo với ý định “lật tẩy” những công phu võ thuật của ông này mà ông ta cho rằng bịp bợm, không có thực chất. Trận đấu thực giữa hai ông chưa diễn ra nhưng các màn đấu “võ mồm” đã thu hút sự quan tâm của người yêu thích hoặc đang luyện tập võ nghệ, đặc biệt là giới trẻ.

Gần như ngày nào trên mạng facebook, youtube, báo điện tử… cũng cập nhật dày đặc tin tức, hình ảnh của người thách đấu kèm theo lời bình luận của khá đông độc giả. Lẻ tẻ đã xuất hiện những cuộc thách đấu khác tiềm ẩn nguy cơ xung đột cá nhân đến từ hiệu ứng lan truyền.

Trước kia, võ thuật cổ truyền là kỹ năng và nghệ thuật chiến đấu. Nhưng từ khi xuất hiện “vũ khí nóng”, tính hiệu quả trong chiến đấu của võ cổ truyền giảm đi rõ rệt và theo thời gian, nó dần hướng tới những mục tiêu khác. Ở khía cạnh vận động, đó phương pháp rèn luyện sức khỏe tự vệ đồng thời mang lại sự bền bỉ, dẻo dai, minh mẫn trong học tập và lao động sản xuất.

Ở khía cạnh văn hóa, học võ là rèn luyện nghị lực, tính kiên trì để có bản lĩnh vững vàng, sự quật cường và lòng bao dung, nhân ái. Học võ luôn gắn liền với học “đạo” làm người. Một số môn võ mang tính đại chúng cao đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các đấu trường thể thao trong nước và quốc tế như sự tôn vinh sức mạnh con người và vẻ đẹp của vận động.

Để đảm bảo tính khách quan, chính xác và công bằng, việc thi đấu phân theo độ tuổi, hạng cân; nội dung thi đấu cụ thể, được kiểm soát bằng luật lệ để loại bỏ những đòn thế nguy hiểm đến tính mạng vận động viên.

Chính vì vậy những thách đấu thời gian vừa qua theo kiểu tự phát, tranh thắng thua dẫn tới cách hiểu để phân định môn phái này hơn môn phái kia, hoặc để giành lấy tên tuổi cá nhân vì mục đích này hay mục đích khác hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần cao thượng của võ thuật trong xã hội hiện nay. Chưa kể, những cuộc đấu sát phạt, vô luật lệ rất dễ trở thành những màn ẩu đả gây nguy hiểm cho “đấu sĩ”.

Điều đáng nói là trong những người tham gia thách đấu có những võ sư đứng đầu môn phái. Đa số người tập võ đều hiểu rằng không có môn phái nào hơn môn phái nào mà chỉ có võ sĩ nào hơn võ sĩ nào mà thôi. Mỗi môn phái đều có cái hay, cái đẹp, lại cũng có sở trường, sở đoản riêng; mỗi võ sĩ đều có điểm mạnh, điểm yếu và tập võ là một quá trình tu luyện để tự hoàn thiện của từng cá nhân. Mục tiêu xa hơn là khám phá những vẻ đẹp sâu xa của văn hóa và ứng xử thông qua vận động.

Tôi rất tâm đắc với một võ sư khi được nghe ông nói về hệ thống võ thuật hoàn chỉnh phải bao gồm võ triết (khía cạnh triết học của võ), võ thuyết (tính thuyết phục của võ), võ lý (tính lý luận của võ) và võ công (công phu vận động của võ). Nếu chúng ta đồng ý với cách tiếp cận này thì võ thi đấu (võ công) chỉ là một phần của võ thuật.

Việc đứng tên môn phái này hay môn phái kia trong những màn giao đấu tự do, còn được gọi mềm mại hơn là “giao lưu”, không thể hiện hết được vẻ đẹp cũng như ưu điểm, nhược điểm của từng môn phái võ. Thậm chí việc này khi được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội có thể vô tình (hay vô ý) khuyến khích cách ứng xử bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống.

Chưa kể người trong cuộc, các fans của từng võ sư hay từng môn phái và người hiếu kỳ đã lạm dụng những lời bình luận khích bác, chê bai, xúc phạm cá nhân, qua đó làm tổn thương các cộng đồng người học võ, có thể tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, xung đột với những hậu quả khôn lường.

Vậy tập võ mà không giao lưu, thi đấu thì có khác gì tập thể dục, múa may đòn này thế nọ chỉ để đẹp mắt, cho vui thôi ư? Không phải. Ngày xưa, ông Khổng Tử từng nói: “Quân tử vô sở tranh tất giã xạ hồ” (Người quân tử không tranh, nếu có phải tranh thì cũng như việc thi bắn cung mà thôi).

Nếu việc tranh (thắng thua, cay cú) làm tổn thương hòa khí, gây hiệu ứng không tốt thì người quân tử (trong trường hợp này là người luyện võ) không làm. Còn nếu có phải tranh thì cũng chọn hình thức phù hợp, hòa nhã (như cách ví thi bắn cung) để giao lưu, kết bạn chứ không phải tranh ai giỏi, ai kém, thậm chí tệ hơn, nói theo cách bây giờ là PR bản thân mình.  

Tôi cho rằng các võ sư và người học võ cần bình tĩnh nhìn nhận hiện tượng “thách đấu”, vì hành động này xa rời tôn chỉ mục đích của võ học chân chính và người học võ chân chính, đó là tinh thần thượng võ, là sự phát triển học thuật phục vụ sự phát triển toàn diện con người.

Các liên đoàn võ thuật cũng cần thể hiện vai trò kết nối các cuộc giao lưu lành mạnh, bổ ích, văn minh, có tổ chức; là cầu nối hóa giải mâu thuẫn giữa những người học võ. Các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, trật tự xã hội cũng cần dành sự quan tâm thích đáng đến hiện tượng này, đưa ra những biện pháp cần thiết để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc.

Theo Theo Hữu Việt/ vietnamnet.vn
MỚI - NÓNG