>> Kỳ III: Những “đôi mắt thần” giữa trùng khơi
Tình yêu qua những cánh thư
Đầu hạ, mùa biển lặng nhưng ngấm ngầm ẩn chứa những hiểm nguy giông tố. Từng con sóng lừng làm chúng tôi chao đảo trên tàu HQ 996 – con tàu đã biết bao lần là “cây cầu nối vĩ đại” giữa đất Mẹ với Trường Sa.
Trước sự dữ dội ngấm ngầm của biển, dù khoảng cách giữa Bình Ba (Cam Ranh) với Song Tử Tây đến trên 250 hải lý, nhưng HQ 996 vẫn không thể tiến nhanh như mong ước của tôi.
Trong buồng lái, chàng thủy thủ trẻ tuổi- thiếu úy Nguyễn Hồng Khánh (vùng 4 Hải quân) vui vẻ: “Lái tàu được hơn một năm nay, cũng không biết mấy lần ra Trường Sa, cùng cảnh lính với nhau nên em hiểu bộ đội ngoài đảo xa lắm. Bộ đội yêu mãnh liệt, hồn nhiên và chân thành nhất chính là lính Trường Sa”.
Phút thư giãn của các chiến sĩ trẻ trên đảo Nam Yết |
Quả thật, sau hơn 2 tuần sống với Trường Sa, mới nghiệm thấy lời của Khánh chẳng sai. Chỉ có điều, với tôi, tình đảo xa còn hơn thế nữa…
Trung sĩ Lê Văn Cường (Tiểu đội trưởng Bộ binh, quê Quảng Xương, Thanh Hoá) cùng tôi đi dưới hàng cây phong ba cổ thụ, một loài cây sinh ra chỉ để dành cho Trường Sa, như cái tên của nó: PHONG BA.
Khi đặt chân lên Song Tử Tây, ai nấy ồ lên kinh ngạc bởi vẻ đẹp của đảo. Vài tiếng thầm thì: Đẹp như một khu du lịch.
Trung sĩ Cường kể: “Cây phong ba cổ thụ mọc nhiều nhất ở Song Tử Tây. Theo lệ, cứ mỗi anh em trước khi vào bờ phải trồng một cây kỷ niệm, người ra thay thế tiếp tục chăm sóc cây ấy.
Vì thế nên bây giờ Song Tử Tây mới xanh mướt và mát mẻ. Bọn em vừa hoàn thành phủ cây xanh trên đảo trong Tháng Thanh niên vừa rồi đấy”. Cường mới 23 tuổi, dù mới lần đầu tiên ra đảo nhưng đã được kết nạp Đảng cách đây một tháng.
“Mới đầu buồn lắm, nhưng khi nhiệm vụ đã được giao, em cũng xác định rồi. Anh em ở đây sống như một gia đình nên bây giờ nếu hoàn thành nghĩa vụ vào bờ, em quyết tâm xin ở lại. Anh em ở đây ai cũng được mấy tăng. Em cố gắng ít nhất cũng 3 tăng” (1 “tăng” tức là một đợt làm nghĩa vụ quân sự ở đảo).
Nói rồi, Cường khoe với tôi tập thơ mà trong những giờ rảnh rỗi cậu đã làm, một số bài đã được đăng báo. Những vần thơ của “thi sĩ không chuyên” thật giản dị đơn sơ nhưng tôi cảm nhận được hơi thở chân thành của người lính đảo:
“Mẹ hiền ơi! Tổ quốc ơi
Chúng con sống giữa biển trời bao la
Coi đảo là nhà, biển là quê hương
Đêm ngày một dạ kiên cường
Bảo vệ Tổ quốc quê hương thanh bình …”
Trung úy Nguyễn Hải Phong, là phân đội trưởng bộ binh, kể: “Cũng nhờ những vần thơ đăng báo mà Cường được một cô sinh viên Văn khoa Đại học Huế viết thư làm quen. Tuy chưa được gặp mặt nhau, nhưng thư qua thư lại, xem chừng hợp nhau lắm”.
“Thi sĩ của Song Tử Tây” cười bẽn lẽn: “Quanh năm suốt tháng bọn em đối mặt với biển, mịt mù cách trở, chỉ còn biết lấy lá thư làm bạn tâm tình. Dù bây giờ đã có sóng điện thoại thì với lính Trường Sa, những cánh thư vẫn luôn là niềm động viên tinh thần lớn nhất”.
Cường và cô sinh viên xứ Huế đã viết cho nhau hàng trăm bức thư, có cả những bài thơ và nhiều bức ảnh. “Chưa dám nói trước được điều gì, chúng em vẫn coi nhau là anh em tốt. Với lính Trường Sa, như thế là quý hóa lắm rồi”.
“Gia đình” cụm chiến đấu 2 trên Song Tử Tây do thượng úy Mai Văn Lưu làm Đội trưởng, đang quây quần đọc thư nhà, cùng ùa lên vui vẻ khi tôi ghé thăm. Có một nửa số lính của cụm có được vợ qua những bức thư. Riêng “lính phòng không” Nguyễn Duy Hoàng, ra đảo được 2 năm, đang thư qua lại với cô sinh viên ở Nha Trang mà cậu cũng chưa biết mặt bao giờ.
Chuyện những ông chồng xa nhà lúc vợ… “lâm bồn”
Ngẫu nhiên mà không ngẫu nhiên chút nào, mấy ngày ở Trường Sa, cuốn sổ tay ghi chép của tôi cứ dày lên những người lính đảo xa nhà lúc vợ đang “lâm bồn”. Để rồi khi được nghỉ phép về thăm, thấy con mình đã lớn mà ngỡ ngàng.
Bữa cơm trưa tươm tất ở “gia đình” cụm chiến đấu 2 đảo Song Tử Tây có rau xanh, thịt luộc… và câu chuyện con gái của Thượng úy Mai Văn Lưu (1977, Quỳnh Lưu, Nghệ An) không chịu… nhận bố đẻ.
Anh Lưu kể: “Cuối tháng 4/2006, khi mình xách ba lô vào đơn vị được 10 ngày để ra Trường Sa thì vợ thông báo có bầu. Đến cuối 2007 mình mới nghỉ phép về thăm nhà. Lúc này, con gái đã gần 1 tuổi, mình ngỡ ngàng bế nó, còn con bé thì khóc thét lên, nhìn bố nó lạ lẫm. Cũng may nó còn nhỏ…”.
Câu chuyện của Trung úy Trần Xuân Hồng (1971, quê huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) trên đảo Nam Yết được anh em chiến sĩ Trường Sa truyền tụng như một giai thoại của sự xả thân, quên mình, quên hạnh phúc gia đình vì giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Đến thời điểm này, tính tổng cộng, trung uý Hồng ở đảo cả thảy 18 năm, trong đó có 10 năm ở Côn Đảo và 8 năm ở Trường Sa. Từ năm 2000 đến nay, với 4 “tăng”, anh Hồng đã ở Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Nam Yết.
Anh Hồng ngậm ngùi kể: “Ở Côn Đảo được 7 năm thì mình cưới vợ, là người cùng quê, xong đưa ra Côn Đảo sinh sống. Năm 2000 thì vợ sinh con trai đầu. Lúc vợ sinh, mình đang ở Trường Sa Đông, hồi đó làm gì có điện thoại mà báo tin như bây giờ nên phải 9 tháng sau, mình mới biết đã lên chức bố. Nhưng cũng phải mất 3 năm sau (2003), khi vào bờ, mới có dịp về Côn Đảo thăm con”.
Rít dài một hơi thuốc, anh Hồng kể rằng, vẫn còn nhớ như in ngày về cùng vợ mà con trai cứ khóc ré lên, không chịu cho anh bế. Thời gian nghỉ phép chỉ được 15 ngày, cuối cùng anh phải đi mà thằng bé vẫn khóc ngằn ngặt khi anh đụng vào nó. “Mới đó mà con trai đã 9 tuổi, giờ thì nó biết rồi, mỗi lúc mình về lại đòi quà thật nhiều, như sự bù đắp ngày nó chào đời mình đã không bế”.
Ngồi cạnh Trung úy Hồng là thiếu úy Đỗ Việt Tiến (1979, quê Thái Bình), người đang “tiếp nối” thành tích của đồng đội chung phòng bởi chính vợ anh cũng đang mang bầu 7 tháng.
Vô tình biết được ngày PV Tiền phong lên đường đi Trường Sa, chị Nguyễn Thị Phấn – vợ anh Tiến, là cán bộ huyện Đoàn Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) mang đến gói quà, ngậm ngùi: “Hiếm hoi lắm mới có lần ra đảo, nhờ Tiền phong chuyển giùm cho chồng, nhắn anh ấy mẹ con em vẫn khoẻ”.
Nhận gói quà và “nguyên xi” lời nhắn từ tôi, anh Tiến chùng xuống, lẩm nhẩm đếm: “7 tháng, vậy chỉ còn hơn 60 ngày nữa thôi con trai em chào đời. Cuối năm nay em mới vào bờ”. Không khí trầm lặng trong phòng chẳng tồn tại được lâu, bởi gói quần áo được cả trung úy Hồng và thiếu úy Tiến hăm hở mở ra, cả hai cùng đồng thanh xuýt xoa, văn vẻ: “Làm vợ lính đảo là thế, luôn biết chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để chồng yên tâm nơi đầu sóng ngọn gió”. Trước mặt tôi, ánh mắt cả hai cùng bừng lên niềm vui khôn tả.
Ôi! Trường Sa, đảo xa không còn xa, không còn hoang sơ nữa, mà tâm tình người lính vẫn mộc mạc chân thành. Tình yêu, tình đồng đội nơi trùng trùng biển khơi đang trở thành thứ vũ khí tinh thần, tiếp thêm sức mạnh bảo vệ biên cương.