Nụ cười của Hạnh
Để có được vẻ ngoài tươi tắn như bây giờ, Huỳnh Thị Hồng Hạnh phải vượt qua gần 40 cuộc phẫu thuật đau đớn trong nhiều năm liền, vì bị một bệnh nhân tâm thần vô cớ chém thẳng vào mặt hồi đang học lớp 9. Sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Gương mặt nào cho em” tháng 3/2011, tôi tiếp tục bắc cầu, thuyết phục các bệnh viện, chuyên gia thẩm mỹ nhận lời tài trợ suốt hành trình phục hồi dung nhan cho cô nữ sinh giàu nghị lực, gia cảnh quá khó khăn này.
Mùa hè năm đó, vợ chồng tôi thay nhau cầm lái đưa mẹ con Hạnh qua Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ ở Đà Lạt, để Hạnh được tái tạo vành môi. Tiếp tới, là những ca xử lý khó hơn về răng hàm mặt tại một BV quốc tế ở TPHCM. Việc đeo khẩu trang suốt ngày không cản trở Hạnh học giỏi, tích cực tham gia nhiều phong trào thiện nguyện. Từ năm 2 đại học, cô bắt đầu cởi bỏ khẩu trang, tự tin, vui sống. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Duy Tân, Hạnh có được việc làm tốt trong một bệnh viện tư ở Đà Nẵng.
Trò chuyện với tôi qua Zalo, Hạnh cho biết tai nạn kinh hoàng đó đã trở thành động lực trui rèn ý chí, khiến cô sống mạnh mẽ hơn nữa, dễ dàng vượt qua những trở ngại khác. Món quà đầy ý nghĩa cho tôi là tấm ảnh Hạnh mới chụp với nụ cười thật xinh tươi, rạng rỡ.
Ngày về của Đỗ Quang Thiện
“Cuối năm nay cháu sẽ đưa bạn gái về thăm cô”- Đỗ Quang Thiện nhắn tin cho tôi.
Thiện chính là nam sinh vì lòng tốt đỡ ông cụ quỵ ngã giữa đường vào bệnh viện mà bị vu gây tai nạn cho ông nên phải lãnh án 9 tháng tù giam, bị bắt tống vào xe đặc chủng ngay trong sân trường THPT Buôn Ma Thuột ngày 2/4/2015 để thi hành án.
52 ngày sau, tôi vào cuộc điều tra, đăng bài “Vụ áp giải học sinh giữa sân trường: Tòa “bỏ quên” chứng cứ quan trọng”, chứng minh Thiện bị kết tội oan! Báo vừa phát hành, ông Nguyễn Sơn -Phó Chánh án TAND Tối cao ký ngay 2 quyết định: kháng nghị bản án và tạm đình chỉ thi hành án.
Thiện ra tù, thi tốt nghiệp vào Cao đẳng FPT, vẫn mang thân phận bị can. Cuối tháng 4/2016, chị ruột của mẹ Thiện bảo lãnh gia đình Thiện sang Mỹ. Trước khi đi, bố con Thiện gặp tôi gửi đơn đề nghị báo Tiền Phong tiếp tục giúp Thiện giải oan, để em còn có ngày trở về với lý lịch trong sạch.
Các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk im lặng không nhận lỗi dù báo Tiền Phong đăng nhiều loạt bài chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến vụ án oan sai nghiêm trọng này. Mãi tháng 9/2017, Thông báo 349 mới được ban hành, lý giải: theo bộ luật hình sự mới, hậu quả do hành vi của Đỗ Quang Thiện gây ra cho ông LPT dưới 61%, không bị coi là tội phạm, nên kết thúc điều tra vụ án. Còn nhớ toàn bộ bệnh án và công văn 696 do lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh ban hành đủ giá trị pháp lý đều khẳng định ông Thọ nhập viện vì đột quỵ, “không liên quan gì đến tai nạn giao thông”.
Ngày đón Thiện ra tù, phát hiện Thiện bị đánh vô cớ trong tù đến lệch mũi, gãy xương sườn, tôi hỏi lần sau nếu gặp người đột quỵ giữa đường như thế, cháu cứu giúp nữa không? Thiện trả lời: “Cháu vẫn giúp, sống phải có tình người, không thể làm khác được cô ơi!”... Mới đó, đã 5 năm trôi qua. Trò chuyện với tôi qua tin nhắn, Thiện báo tin tại Mỹ, cháu và ba mẹ đều có việc làm, thu nhập tốt và cuộc sống bình yên.
Lời kêu cứu sau 12 năm
Đã hơn 3 tháng từ ngày bàn giao công việc, nhận quyết định nghỉ hưu, điện thoại tôi vẫn không ngừng réo với những cuộc gọi, tin nhắn xin gặp để nhờ giúp đỡ. Hôm nay là cuộc gọi của một độc giả đã rất lâu không gặp, ông Trương Công Ban- Hợp tác xã thương mại dịch vụ Buôn Hồ. Nghe ông trình bày, mở link bài “Sập tiệm vì vạ gió tai bay- HTX thương mại cuối cùng và 7 năm đáo tụng đình” đăng từ 12 năm trước trên TPO, tôi xâu chuỗi lại toàn bộ sự cố.
Năm 2008, trước khi tôi viết bài, án oan đã phạt ông Ban 9 tháng tù giam, ông Lê Anh Sinh-Phó chủ nhiệm HTX 6 tháng tù giam. Các ông đấu tranh ròng rã 7 năm mới được tòa phúc thẩm tuyên lỗi thuộc về UBND huyện Krông Buk (tỉnh Đắk Lắk) đã tự ý tước quyền tự quyết của tập thể xã viên.
Sau khi bài đăng, Viện KSND huyện mới tổ chức xin lỗi, bồi thường cho ông Ban và ông Sinh mỗi người 38 triệu đồng. Tuy nhiên, các quyết định sai trái của chính quyền tới nay vẫn chưa được hủy bỏ, không chỉ khiến HTX phá sản, thành viên HTX long đong, mà còn dẫn tới nhiều hệ lụy.
“Chúng tôi khốn khổ gần 20 năm với vụ này, may được báo Tiền Phong thúc đẩy việc bồi thường oan sai. Bây giờ nhà của HTX lại tiếp tục bị tháo dỡ, đập phá trái pháp luật. Chị hiểu rõ vụ việc từ đầu, xin tiếp tục lên tiếng". -Ông Ban khẩn khoản nói.
Không ai bị lãng quên
Tháng 4/2020, tôi vừa tổ chức xong các chuyến huy động và trao quà động viên lực lượng chống dịch COVID-19 ở các chốt, trạm tuyến đầu tỉnh Đắk Lắk, chưa nghỉ ngày nào thì thiếu tá Nguyễn Thị Thu-Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã liên hệ, đề nghị tôi phối hợp tổ chức tiếp chương trình hỗ trợ gạo cho dân nghèo các xã nghèo vùng sâu. “Em thấy Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên mỗi lần vận động người dân tham gia làm từ thiện đều rất hiệu quả. Em muốn được cùng làm để học hỏi thêm kinh nghiệm tổ chức phong trào”- Thiếu tá Thu nói.
Trong group chat “Đồng hành chống dịch COVID-19” của chúng tôi có hơn 30 nhà tài trợ lớn nhỏ, ai có gì góp nấy: nấm, trứng, đậu khuôn, rau xanh, trái cây tươi, chuối xuất khẩu, trà thảo dược, bình cách nhiệt, tiền mặt, gạo ngon, xe chở hàng, nhân công khuân vác... Đi tặng quà tuyến đầu, tận thấy lực lượng liên ngành đứng đường phơi nắng chang chang, tôi đặt làm hàng loạt cây dù lệch tâm chắc chắn chở từ TPHCM lên tặng đủ 15 trạm, chốt đóng quân dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường biên giới.
Phát hơn 19 tấn gạo ngon từ những cơ sở sản xuất của người khuyết tật đến các buôn làng vùng sâu, đồng hành cùng chương trình có cả các doanh nghiệp và chính quyền, công an, quân đội địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường điện thoại động viên, khen chị em có cách hỗ trợ cộng đồng thật hiệu quả. Cá nhân Bí thư cũng xin góp 3 tấn gạo để chúng tôi có thêm nhiều suất quà trao tận tay những người nghèo khó.
Sau lễ trao học bổng lần thứ 13 vào ngày cuối năm 2019, kết hợp bàn giao Ký túc xá 115 cho học sinh nghèo vùng sâu huyện Krông Năng, tôi báo cáo với Tổng Biên tập có lẽ đây là đợt trao học bổng Đọt Chuối Non cuối cùng, vì sang năm tôi đã về hưu. Thế nhưng, mới đây tôi lại tiếp tục nhận được tiền bán sách từ anh Đặng Thế Hòa, chuyên gia kinh tế “Chị ơi, chị trao tiếp đi, chương trình học bổng này đẹp quá. Em sẽ đồng hành, tiếp sức với chị”- Anh Hòa nói. Ôi, thế lại chưa dừng được. Nghề báo với tôi vì thế cứ mãi bận rộn, say mê, vì tình người mãi mãi vô giá.
Trong một cuộc hội thảo về nghề do RED tổ chức tại Hà Nội, tôi được hỏi: Theo chị, nhà báo có thể làm được những gì? Tôi trả lời: Rất nhiều, không kể hết được. Trong đó chỉ riêng các phần việc đấu tranh cho lẽ công bằng, kết nối các nguồn lực xã hội, góp phần ngăn chặn điều xấu, lan tỏa tính thiện cho cộng đồng đã đủ khiến nghề báo cao quý và không ngừng sôi động...