Tình dục nữ: Điểm G có thật?

Tình dục nữ: Điểm G có thật?
TP - Hiện tượng hồi xuân, điểm G ở các nàng... là những điều thú vị mà đến nay các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Nếu có, tại sao nhiều phụ nữ không cảm nhận được, vậy đâu là sự thật. Năm 1950 Ernest Grafenbert là người đầu tiên mô tả điểm này trong âm đạo và cho rằng nó có chức năng giống như quy đầu của nam giới (glande du penis), tức là có khả năng phát sinh cảm giác tình dục. Tới những năm 80 của thế kỷ trước, người ta mới lấy tên người đã khám phá ra nó để đặt tên, đó là Grafenbert hay gọi tắt là điểm G. Y học vẫn từng đặt tên những cơ quan theo cách đó, như Gabrielo Falopio là người đầu tiên mô tả về vòi trứng thì sau này trong các sách giải phẫu, vòi trứng được gọi là vòi Falopio (tiếng Pháp: Fallope). Tuyến Graff, tuyến Bartholin, Tuyến Copper …cũng đều là những phần của của cơ quan sinh sản - sinh dục mang tên những người đầu tiên mô tả.

Tình dục nữ: Điểm G có thật? ảnh 1

Điểm G nằm ở thành trước âm đạo, cách cửa vào (âm hộ) vài xăng-ti-mét, dọc theo niệu đạo và gần với cơ thắt vòng của bàng quang. Khi được kích thích, điểm G tham gia vào tiến trình tạo ra cảm xúc tình dục, kể cả cảm giác đỉnh điểm:

Trong trạng thái kích thích, điểm G phồng lên, to cỡ đồng tiền 1 ngàn của ta đang dùng, tạo cảm giác dễ chịu.

Một số tư thế tình dục có thể làm tăng khoái cảm từ điểm G, ví dụ tư thế nữ ngồi trên; nam đứng phía sau và nữ mông cao…

Khi mới được kích thích điểm G, nhiều phụ nữ có cảm giác muốn đi tiểu dù bàng quang đã rỗng, sau đó cảm giác dễ chịu mới tăng dần.

Không phải là điểm nhậy cảm đến mức đụng vào là dẫn đến khoái cực mà còn cần những điều kiện thể chất và tâm trí.

Ngay từ khi mô tả lần đầu, Ernest Grafenberg cũng đã nói rằng điểm G có liên quan đến sự tiết dịch từ niệu đạo khi có khoái cực mà sau này người ta so sánh như sự xuất tinh ở nam.

Không có cấu trúc giải phẫu nào khác ở âm đạo có tác động đến cảm xúc tình dục mạnh hơn điểm G như một số tiểu thuyết đề cập đến, đó chỉ là hư cấu.

Tình dục nữ: Điểm G có thật? ảnh 2

Cũng giống như âm vật, mọi phụ nữ đều có điểm G nhưng có khoảng 10 – 40% phụ nữ không có cảm nhận gì đặc biệt với điểm G. Cũng là điều thường thấy ở tình dục nữ, không có hai người phụ nữ giống nhau.

Nam không có điểm G nhưng vùng phát sinh cảm xúc tình dục tương ứng là vùng tầng sinh môn ngay dưới hai tinh hoàn và phía trước hậu môn.

Hiện tượng “xuất tinh” ở phụ nữ còn nhiều bàn cãi ?

Đó là sự xuất tiết nhiều vào thời điểm khoái cực do hiệu quả của cảm xúc tình dục hay chỉ là nước tiểu do bệnh lý của cơ vòng bàng quang vẫn là đề tài làm tốn nhiều giấy mực.Khi nghiên cứu hiện tượng này bác sĩ Cabello Santa Maria nhận thấy 75% phụ nữ có ra dịch khi đến đỉnh điểm nhưng lượng dịch không nhiều, có khi không cảm nhận được và do tuyến Skene (được coi là tuyến tiền liệt của nữ) ở âm hộ tiết ra và chính dịch xuất tiết này cũng tham gia vào việc làm trơn ướt âm đạo.

Một khảo sát khác trên một số lượng lớn phụ nữ làm việc trong ngành y tế cho thấy 39,5% trong số họ xác nhận có ra dịch vào thời điểm có khoái cực. Ngày xưa khi chưa khám phá ra hiện tượng phóng noãn (rụng trứng) người ta vẫn cho rằng nam đã “gieo giống” khi có xuất tinh thì nữ cũng thế. Vậy “xuất tinh” ở nữ có lẽ có nguồn gốc từ niềm tin nói trên. Sách cổ về tình dục của ấn Độ Kama Sutra cũng có nói đến sự “xuất tinh” ở nữ và ngày nay người ta chỉ muốn tái khám phá một điều đã biết từ lâu.

Mặc dầu tuyến Skene có thể so sánh với tuyến tiền liệt ở nam nhưng tuyến Skene chỉ có thể tiết ra vài giọt dịch và không phồng lên khi hưng phấn và dịch tiết ở thời điểm khoái cực phải không mùi, giống như nước, khi ít vài giọt, khi nhiều có thể đến 50ml.

Vấn đề dịch tiết từ đâu ra khi phụ nữ đạt đến đỉnh điểm cuối cùng vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ.

Tình dục nữ: Điểm G có thật? ảnh 3

Những yếu tố thuận lợi cho sự thăng hoa của tình dục nữ ?

Từ giải phẫu cơ thể cho đến tiến trình phát triển của xã hội đều khẳng định ưu thế về tình dục nữ nhưng tình dục nữ vẫn còn nhiều bí ẩn, ví dụ về vai trò của điểm G, “xuất tinh” ở nữ từ đâu…Tình dục là một hành vi có tính chất tổng thể nghĩa là không tách rời mọi tác động khác của đời sống, nhất là …dù bản đồ cơ thể nữ có vai trò quan trọng, nhưng người ta cho rằng hành vi cư xử hàng ngày của đôi bạn tình và lời nói có tác động gây ham muốn mạnh nhất (tai cũng được coi là giác quan thứ sáu đánh thức ham muốn và gây hưng phấn tình dục).

Cảm xúc tình dục nữ giống như một kho báu giấu kín trong hang động mà người nam cần học câu thần chú như Aladin đã dùng để mở cửa hang “Vừng ơi, mở ra! ”. Câu thần chú ở đây chính là khả năng nhận biết những nút bấm cảm giác trên cơ thể phụ nữ và cả tâm trí để đánh thức thế giới cảm xúc đang ngủ yên ở họ. Não là cơ quan quan trọng nhất tham gia vào chức năng tình dục; chính phản ứng của não với những ý nghĩ, huyễn tưởng, hình ảnh, mùi hương, sự vuốt ve đã đánh thức ham muốn và hưng phấn tình dục.

Tạo hoá có đối xử bất công với phụ nữ ?

Người ta nhận thấy phụ nữ trung niên như có sự nổi loạn hormone, làm cho họ trở nên có tính khí và hành vi bất thường. Lý do là đến tuổi này họ biết quý trọng chất lượng cuộc sống hơn và cũng phải vượt qua nhiều thách thức sức khoẻ của lứa tuổi. Nhưng phụ nữ cũng thật sự có lí do để bất bình về sự bất công của tạo hoá vì tại sao ngày nay tuổi thọ của phụ nữ đã có thể kéo dài đến ngoài 70 tuổi trong khi tuổi mãn kinh lại vẫn chỉ 45 – 50, nhiều người còn sớm hơn, nghĩa là đời sống của buồng trứng đã kết thúc sớm hơn đời sống cơ thể khoảng 30 năm.Phụ nữ thời nguyên thuỷ không biết đến mãn kinh vì chỉ sống được khoảng 40 tuổi, họ đã chết trước khi buồng trứng tàn héo.

Tình dục nữ: Điểm G có thật? ảnh 4

Hiện tượng hồi xuân có thật hay cư­ờng điệu ?

Chủ yếu do ham muốn tình dục trỗi dậy ở phụ nữ đã có tuổi giống như­ “quỷ dữ nhóm lửa ở cái lò đã nguội lạnh”, không phải chỉ là tăng ham muốn tình dục mà còn có nhiều biểu hiện thay đổi nhân cách. Những phụ nữ này hình như bỗng mất đi sự kiêu hãnh, lòng tự trọng, ăn mặc lố lăng để lao vào cuộc tình không xứng đáng. Hồi xuân là hiện tượng kỳ diệu của cơ thể con người hay là sự biến dị (mutation) thì còn cần nghiên cứu; có người muốn chủ động tạo ra hiện tượng hồi xuân bằng cách dùng hormon cho phụ nữ tiền và sau mãn kinh, một số trường hợp thành công nghĩa là người phụ nữ giữ được sự tươi mát của cơ thể vẫn thấy thoải mái trong đời sống tình dục nhưng liệu pháp hormone này lại có thể gây ra nhiều tác dụng phụ đôi khi nguy hiểm. Lối sống tích cực (rèn luyện tinh thần, thể chất, ăn uống hợp lý…) vẫn có thể kéo dài tuổi xuân mà không cần đến hiện tượng hồi xuân.

Theo BS Đào Xuân Dũng
Tri Thức Trẻ

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG