Nơi phát tích lan tỏa ngày thương binh:

Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ

Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ
TP - Ngay từ khi hoạt động ở Pháp tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã thấm đẫm nỗi đau thương của các bậc tiên liệt “vì nước quên thân”.

Khi Người về Pác Bó (Cao Bằng) lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam (28/1/1941), các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương: Phùng Chí Kiên chỉ huy trung đội Cứu Quốc quân 1 ở Bắc Sơn (Võ Nhai) hy sinh ở Ngân Sơn (Bắc Cạn 1941), Hoàng Văn Thụ ngã xuống ở Trường bắn Tương Mai (Hà Nội 1944), Phạm Văn Lộc, cán bộ bảo vệ, giúp việc tận tụy theo Bác từ Xiêm (Thái Lan) qua Trung Quốc về Pác Bó hy sinh ở Khuôn Tát, An toàn khu (ATK) Định Hóa, 1948. Tiểu đội trưởng Bế Xuân Trường - người liệt sĩ đầu tiên hy sinh khi cùng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đánh đồn Đầm Mu…Chủ tịch Hồ Chí Minh cố ngăn chiến tranh tránh đổ máu, vãn hồi hòa bình với Chính phủ Pháp, nhưng không thể. Người đã ban hành chính sách về công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận thêm yên tâm về hậu phương, hăng hái chiến đấu. Bác Hồ thông báo (tháng 11/1946) nhận con các liệt sĩ làm con nuôi để “Cảm ơn những chiến sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do và độc lập của nước nhà”. Bác viết thư chia sẻ nỗi đau với gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 1/1947) khi con trai Vũ Đình Thanh anh dũng hy sinh tại mặt trận Chợ Hôm trong 60 ngày đêm Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Bác Hồ cho thành lập cơ quan thương binh và cựu binh, sau đổi là Bộ Thương binh, Cựu binh do Bác sĩ Vũ Đình Tụng phụ trách (ngày 10/7/1947) với lời căn dặn “Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc”. Bác lập quỹ “Mùa đông binh sĩ”, tặng áo, tư trang và lương tháng của Bác cho bộ đội, vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn thể góp quần áo, chăn màn hỗ trợ bộ đội.

Ngày 20/5/1947, Bác Hồ cùng 8 cán bộ bảo vệ, giúp việc: “ Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi” dựng Phủ Chủ tịch gồm những căn lán nhà sàn bằng vầu, cọ đơn sơ, vách nứa trên đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa. Ông Tạ Quang Chiến (tức Nguyễn Hữu Văn, một trong 8 cán bộ bảo vệ, giúp việc được Bác đặt tên thành khẩu hiệu sống) nay ngoài 90 tuổi vẫn nhớ Bác cặm cụi ngồi đánh máy Bức thư gửi Ban Tổ chức Ngày thương binh trên chiếc bàn bằng tre vầu ghép dưới tán cây đa cổ thụ đồi Khau Tý – “Khi ở xã Điềm Mặc, tháng 7/1947 Hồ Chủ tịch quyết định lấy ngày 27/7 là Ngày thương binh toàn quốc. Người đi đầu gửi quà, tiền tặng thương binh và kêu gọi nhân dân cùng ủng hộ. Từ đó, trở thành ngày truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta…”- ông Chiến nhớ lại.

Vài năm trước, người viết bài này cùng anh Châm Nhật Tân (Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên) đến căn nhà số 10, Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội tìm gặp ông Lê Thành Ân (tức Nguyễn Thiện Hước) - Trưởng Ban tổ chức thường trực buổi lễ mít tinh, công bố thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc.

Ngày đó, ông Lê Thành Ân được phân công là Trưởng ban Ban thường trực tổ chức cuộc mít tinh. Thành phần tham dự khoảng 300 người gồm đại biểu các cơ quan, đoàn thể, 100 cán bộ, chiến sĩ trong Tiểu đoàn anh Nguyễn Văn Thịnh (Trung đoàn Thủ đô), cùng bà con các xã huyện Đại Từ. Để đảm bảo phòng tránh máy bay địch, thời gian mít tinh sẽ tiến hành vào buổi tối có trăng non, để bà con đi về không phải đốt đuốc. Cuộc mít tinh sẽ được tổ chức tại sân lễ hội, dưới tán cây đa cổ thụ xóm Bàn Cờ, nơi có Nghè Ông thờ Tiến Sĩ Đồng Doãn Khuê và Nghè Bà thờ Công chúa Mai Hoa.

Đồng chí Trung Thành - Chủ tịch huyện ngày đó lo công tác chuẩn bị trang trí, khánh tiết, khán đài, lo cả hầm, hào, phòng tránh. Bộ đội bố trí lực lượng phòng không, cảnh giới, sẵn sàng đánh trả máy bay địch bảo vệ buổi lễ.

Ông Lê Thành Ân thông qua Văn phòng Chính phủ báo cáo lên Bác Hồ, xin Bác lá thư gửi đồng bào cả nước, anh Phan Mỹ - Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch hẹn khoảng ngày 25 đến 27/7, ông Ân lên nhận thư Bác. Dưới đây là  nguyên văn
bức thư:

Thư gửi Ban thường trực của Ban tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”

Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh.

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy.

Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương.

Ngày 27 tháng 7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh. Nhưng tôi e trong lúc thi hành, hăng hái thái quá, vậy tôi xin đề nghị:

1) Hôm đó các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, các bộ đội các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu, thì không nên nhịn. Còn các cơ quan, các bộ đội, các trường học, các đoàn thể và toàn thể đồng bào cả nước đều nhịn ăn một bữa.

2) Đó là một việc nghĩa, mọi người tự động làm, tuyệt đối không cưỡng bức.

3) Các làng, huyện, tỉnh, khu phải thiết thực báo cáo kết quả lên Ban thường trực toàn quốc. Nơi nào 100 phần trăm nhân dân tham gia thì Ban thường trực sẽ đăng báo khen. Kết quả cũng phải tính sổ tập trung về Ban thường trực toàn quốc để phân phối cho khắp.

4) Hôm đó tuy các giới, các tổ chức đều hăng hái tham gia, đặc biệt là đoàn thể phụ nữ, thanh niên và nhi đồng cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích và giúp việc.

Luôn luôn tin vào lòng nhường cơm, sẻ áo của đồng bào ta, tôi chắc rằng “Ngày thương binh” sẽ có kết quả mỹ mãn.

Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127đồng).

Ngày 17 tháng 7 năm 1947
Hồ Chí Minh

Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tài Đắc chủ trì buổi mít tinh nhớ lại  (1997): Vào khoảng gần 18 giờ tối bắt đầu mít tinh, có khoảng 300 người dự, tôi thay mặt Ban tổ chức đọc thư Bác Hồ gửi nhân ngày “Thương binh toàn quốc”, mọi người chăm chú lắng nghe rất xúc động. Rồi ông Lê Thành Ân lên trình bày nhiệm vụ của các cấp chính quyền, đoàn thể và toàn dân trong việc ủng hộ thương binh cả về vật chất và tinh thần, kế hoạch tiến hành các mặt công tác thương binh từ nay về sau…

Đồng Khắc Thọ - Ban quản lý Khu di tích Lịch sử -  Sinh thái  ATK Định Hóa, Thái Nguyên

MỚI - NÓNG