Tin mới quanh việc sư trụ trì tự ý thay tượng Phật
> Sư trụ trì giải thích tượng Phật 'giống mình'
> Xôn xao thông tin sư trụ trì ở... biệt thự
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, sự việc người dân trong xã bức xúc, có lẽ xuất phát từ nếp sống, cư xử với người dân của thầy Thích Minh Phượng.
Dư luận những ngày qua đang rất quan tâm về việc nhà sư trụ trì chùa Chân Long (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) “tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình”.
Người dân xã Chàng Sơn bức xúc vì sư trụ trì chùa Chân Long tự ý thay tượng, đóng cửa chùa. |
Theo ghi nhận của PV, Chùa Chân Long ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội, mà người dân vẫn gọi là chùa Chàng, nửa tháng nay thường xuyên tấp nập người dân vì sự hiếu kỳ về một số tin đồn xung quanh chuyện những bức tượng Phật liên quan đến thầy trụ trì Thích Minh Phượng. Nhiều thông tin cho rằng, sư thầy trụ trì Thích Minh Phượng đã thay một bức tượng Phật Ngọc hoàng trong gian nhà Tổ bằng bức tượng của chính thầy.
Cuối tuần qua, phóng viên có mặt tại chùa Chân Long và ghi nhận những bức xúc của người dân tại chùa, ngoài cổng chính được mở thì các gian nhà trong chùa hầu hết đóng cửa.
Về sự việc này, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội thừa nhận, có sự việc sư trụ trì chùa Chân Long khi đưa tượng về đã không báo cáo địa phương nên dân phản ứng.
Về thông tin nói bức tượng đúc bằng đồng trông giống sư trụ trì, thầy Thích Thanh Hồi, Phó ban Trị sự GHPG huyện Thạch Thất cho biết: Sự việc đến nay đã có một số kết luận chính thức dựa trên những xác minh. Một là bức tượng cổ mà dân gọi là tượng Phật Ngọc hoàng là bức tượng bằng đất bị nứt vỡ, biến dạng nhiều do thời gian nên sư Phượng đem tắm ở sông Tây Ninh là có và hiện tại đang nằm ở trụ sở xã. Hai là bức tượng đồng mới là do phật tử Chu Thị Nụ cúng dường nhân 705 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn, ngoài bức tượng như mọi người vẫn thấy còn có lá bồ đề phía sau, nặng 350kg, cao 1,2m được sản xuất theo mẫu tại chùa Hoa Hiên, Yên Tử do một đơn vị có địa chỉ tại 434 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội sản xuất (có hóa đơn kèm theo).
Tuy nhiên, theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, về nguyên tắc đây là chùa thuộc di tích, do đó những gì không thuộc di tích sẽ không được đưa về chùa và bức tượng này hiện không được đưa vào chùa. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng, sự việc người dân trong xã bức xúc, có lẽ xuất phát từ nếp sống, cư xử với người dân của thầy Thích Minh Phượng. Được biết, sư thầy Thích Minh Phượng có nhiều sai phạm trước đó như tự ý mang tượng Phật mới vào chùa, xây dựng nhà tắm, nhà để xe trong khuôn viên chùa mà không báo cáo chính quyền địa phương...
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, đã nhận được văn bản của UBND xã Chàng Sơn báo cáo vào ngày 30/10/2013. Sở đã cử cán bộ về xã kiểm tra về sự việc và nhận thấy việc tu bổ, di chuyển, thay đổi tượng trong chùa chưa thực hiện theo Luật Di sản là sai, việc nhân dân bức xúc gây mất trật tự quanh khu vực chùa cũng như trên địa bàn xã là có. Ngày 8/11/2013, Sở đã có văn bản đến địa phương đề nghị phải thực hiện đúng theo Luật Di sản, UBND huyện có trách nhiệm xem xét kiểm tra xử lý và báo cáo lên UBND TP Hà Nội.
Ông Tiến khẳng định, chùa Chàng đã được công nhận là di sản cấp quốc gia, vì thế việc thay đổi vị trí, tu bổ hay di chuyển hoặc làm bất cứ việc gì đối với di sản đều phải tuân theo Luật Di sản. Cụ thể trong trường hợp này việc thay đổi tượng hay vị trí tượng đều phải có báo cáo để hội đồng khoa học đánh giá và phải được cấp có thẩm quyền ra quyết định về phương hướng xử lý phù hợp.
Hiện sư trụ trì Thích Minh Phượng được cho là đã rời khỏi địa phương. Theo thông tin trên các báo, ngày 11/11 sư thầy Thích Minh Phượng có mặt tại UBND huyện Thạch Thất để làm việc, song đến chiều tối 11/11, phóng viên liên lạc với ông Nguyễn Kim Toàn, Phó Chủ tịch xã Chàng Sơn, thì địa phương chưa liên hệ được với sư Phượng.
Theo Ngọc Trang
Phụ nữ Thủ đô