Tin mới nhất về vụ không tặc cướp máy bay Libya

Binh sĩ Malta kiểm tra chiếc Airbus A320 trên đường băng sân bay quốc tế Malta. Ảnh: Reuters.
Binh sĩ Malta kiểm tra chiếc Airbus A320 trên đường băng sân bay quốc tế Malta. Ảnh: Reuters.
TPO - Hai kẻ cướp máy bay Libya tàng trữ một lựu đạn và hai súng lục, Thủ tướng Malta thông báo hôm qua.

Sau khi lục soát không tặc và chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không nhà nước Afriqiyah Airways bị không tặc ngày 23/12, cơ quan chức năng Malta tìm thấy một lựu đạn và hai súng ngắn, Thủ tướng Malta Joseph Muscat nói với các phóng viên.

Sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Malta, hai tên không tặc Libya đầu hàng vô điều kiện. Họ đang bị giới chức Malta thẩm vấn, ông Muscat cho biết.

Sau khi khai báo với cảnh sát Malta xong, 116 người trên chuyến bay bị không tặc, gồm thành viên phi hành đoàn và hành khách (82 đàn ông, 28 phụ nữ và 1 em bé) trở lại Libya trên một máy bay khác của Afriqiyah. Trước đó, một số thành viên tổ lái được cơ quan chức năng Malta mời hỗ trợ điều tra vụ không tặc, Thủ tướng Muscat nói.

Tin mới nhất về vụ không tặc cướp máy bay Libya ảnh 1

Hai không tặc Libya. Ảnh: Reuters.

Tính đến rạng sáng 24/12, không tặc chưa đưa ra yêu cầu gì, nhưng họ có thể sẽ xin tị nạn chính trị ở Malta, Thủ tướng Muscat nói.

Chiếc Airbus A320 cất cánh từ sân bay quân sự Tmenhant ở Sabha, thành phố miền nam của Libya, lúc 11h10 (giờ địa phương, tức 15h10 giờ Việt Nam). Máy bay dự kiến hạ cánh xuống thủ đô Tripoli của Libya lúc 12h20. Nhưng không tặc bắt máy bay chuyển hướng và hạ cánh xuống Malta lúc 13h32.

An ninh sân bay lỏng lẻo

Thị trưởng Sabha, đại tá Hamed al-Khayali, cho rằng, an ninh tại sân bay Tmenhant không được đảm bảo. Hành khách và phi hành đoàn phải di chuyển một quãng đường dài 5km từ tòa nhà sân bay tới máy bay. “Đó là một không gian mở và có thể dọc đường đi, không tặc đã mang được thứ gì đó (vũ khí, vật liệu nổ) lên máy bay”, đại tá Khayali nói.

Tin mới nhất về vụ không tặc cướp máy bay Libya ảnh 2

Hành trình chuyến bay 8U209 bị không tặc. Nguồn: FlightRadar24.

Theo các nhà quan sát, an ninh sân bay ở Libya khá lỏng lẻo. Nhiều nhóm vũ trang kiểm soát an ninh sân bay, dù họ không thực sự trung thành với bất kỳ chính quyền Libya nào.

Những năm qua xảy ra một số sự vụ ở sân bay, nhưng thường không được đưa tin rộng rãi. Ví dụ, phải hoãn chuyến bay vì các nhóm vũ trang đối nghịch nhau lái xe vào đường băng, thành viên các nhóm vũ trang bất ngờ lên máy bay nếu họ có nhu cầu đặc biệt… Sân bay chính ở thủ đô Tripoli bị đốt cháy năm 2014 trong các cuộc tranh giành quyền kiểm soát sân bay giữa các nhóm vũ trang.

Người dân Libya gặp khó khăn khi bay ra nước ngoài; họ không thể bay trực tiếp tới các nước châu Âu. Không phận châu Âu đã đóng đối với tất cả các chuyến bay từ Libya trong 2 năm qua.

Tin mới nhất về vụ không tặc cướp máy bay Libya ảnh 3

Vẫy lá cờ thời kỳ Gaddafi. Ảnh: AP.

Ủng hộ Gaddafi

Ngay trước khi vụ không tặc ngày 23/12 kết thúc, một người đàn ông từ trong máy bay bước ra, vẫy lá cờ màu xanh thời kỳ Gaddafi. Sau đó, hai không tặc quỳ ở đầu cầu thang máy bay, giơ hai tay đầu hàng.

Giới chức ngoại giao Libya nói rằng, không tặc muốn thành lập một chính đảng ủng hộ Gaddafi. Một không tặc nói với một đài truyền hình Libya: “Chúng tôi thực hiện biện pháp này (cướp máy bay) để tuyên bố và thúc đẩy đảng mới của chúng tôi”.

Dẫn các nguồn tin Ảrập, truyền hình quốc gia Malta TVM đưa tin, không tặc đến từ miền nam Libya và ủng hộ cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi (cầm quyền từ năm 1969 đến khi bị bắn chết năm 2011). Libya đối mặt tình trạng bạo lực leo thang từ khi diễn ra cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi năm 2011.

Sau cái chết của Gaddafi, nhiều phe nhóm vũ trang, phiến quân tranh giành quyền kiểm soát các vùng đất của Libya. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cũng giành quyền kiểm soát một số khu vực.

Các lực lượng trung thành với chính phủ đoàn kết dân tộc (được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn) gần đây giành được quyền kiểm soát thành phố ven biển Sirte vốn là thành trì của IS kể từ tháng 6/2015.

Theo Theo BBC, Xinhua
MỚI - NÓNG