Tín dụng đen càn quét: Mua phân bón trả chậm cũng dính bẫy

Vợ chồng anh Lơ Mu Ha Phương chua xót kể chuyện bị siết nợ đất đai.
Vợ chồng anh Lơ Mu Ha Phương chua xót kể chuyện bị siết nợ đất đai.
TP - Thôn Ðạ Nghịt (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Ðồng) bề ngoài trông bình yên nhưng bên trong luôn có “bão” vì nợ nần do tín dụng đen. Ðã mười mấy năm nay xóm làng bao phen nháo nhác với cảnh đòi nợ, siết đất.

Anh Lơ Mu Ha Phương chua xót kể: Năm 2002, một cửa hàng trong thôn bảo mình cứ lấy phân dê về bón cho cây cà phê, tiền nợ thì từ từ trả. Mình đã mua 300 bao phân với giá 25.000 đồng/bao, vị chi 7,5 triệu đồng. Thế nhưng chỉ vài tháng sau họ đã ghi nợ lên đến 60 triệu đồng. Hai năm sau, họ bảo gia đình mình không có khả năng trả nợ nên đã siết mất 4.000m2 đất.

Chưa hết, họ bảo mình vẫn còn nợ 28 triệu đồng với lãi suất 50 ngàn đồng/triệu /tháng! “Chẳng có vốn làm ăn, vợ chồng mình phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Thế nhưng họ vẫn liên tục đe dọa nếu không trả nợ sẽ cho người đến phá nhà và tiếp tục lấy đất!”- Vợ của Ha Phương buồn rầu. 

Gia cảnh ông Liêng Hót K’Brơn còn tệ hơn. Ông kể: Ban đầu mình chỉ định mua 200 bao phân dê, nhưng chủ một cửa hàng lại cho chở tới 700 bao và “nhiệt tình” tư vấn: “Bón nhiều cà phê mới tốt, khó lắm mới chở được vào đây”. Hai năm sau, nhà mình chưa có tiền để trả, đành đứng nhìn họ siết nợ 3.000m2 đất cà phê. Đến năm 2016, gia đình phải gán tiếp 1.000m2 đất phía sau nhà. Thế nhưng họ bảo vẫn còn thiếu nợ 20 triệu đồng và yêu cầu phá phòng khách căn nhà mình đang ở để họ mở lối đi. Gần đây họ lại bảo số nợ đã tăng lên 100 triệu đồng khiến cả nhà lo lắng.

Công an xã Lát đã tiến hành thống kê danh sách 17 hộ người K’Ho vay vốn của các đối tượng trên địa bàn, chủ yếu theo hình thức mua phân bón trả chậm; đồng thời ghi nhận phản ánh của các hộ là lãi suất quá cao. Một cán bộ sinh sống lâu năm tại địa phương cho hay: ngày đó bà con dân tộc K’Ho mới làm quen với việc trồng cà phê, chưa có kiến thức hay kinh nghiệm gì về phân bón nên bị các đối tượng tỉ tê, dụ dỗ mà rơi vào bẫy vay nợ “nóng”. Nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất dẫn đến mất đất đai, luôn sống trong tâm trạng phập phồng bất an.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lát Trần Đình Thể, do các hộ nói trên tin tưởng vào đối tác và thiếu hiểu biết về pháp luật nên chuyện mua bán phân bón, thanh toán nợ đều thỏa thuận bằng miệng. Hiện không có giấy tờ gì để xác định là vay lãi suất cao nên không có căn cứ để xử lý dứt điểm. Còn Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Phạm Triều cho biết địa phương đã nắm được danh sách một số người cho vay nặng lãi và giao cho Công an huyện theo dõi, xử lý, không để tín dụng đen lộng hành mãi trên địa bàn.

Sẵn sàng khủng bố con nợ bằng xăng nhớt, mắm tôm

 Các bảng quảng cáo “Cho vay không cần thế chấp”, “A lô là có tiền” kèm với số điện thoại giao dịch xuất hiện nhan nhản. Thủ tục cho vay lại quá đơn giản (chỉ cần hộ khẩu, CMND) đã khiến nhiều người, nhất là giới trẻ liều lĩnh vay tiền với lãi suất “cắt cổ”. Chẳng bao lâu sau, nhiều con nợ mất khả năng chi trả khiến lãi mẹ đẻ lãi con thành khoản tiền kếch xù, đành phải cấn trừ xe cộ, nhà cửa, đất đai… cho chủ nợ. Người không có khả năng trả nợ thì bị khủng bố, dọa giết cả nhà nên phải trốn khỏi địa phương, gia đình ly tán.

Tín dụng đen càn quét: Mua phân bón trả chậm cũng dính bẫy ảnh 1

Công an huyện Bảo Lộc (Lâm Ðồng) thu giữ nhiều tang vật của đường dây tín dụng đen.

Thượng tá Phan Tất Chí (Phó trưởng Công an TP Đà Lạt) cho hay những vụ cho vay nặng lãi thường chỉ bị phát giác khi phía chủ nợ cướp, cưỡng đoạt hoặc đập phá tài sản của con nợ, gây rối trật tự công cộng… Xuất phát từ 20 vụ việc liên quan dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, đã xác định được 22 đối tượng có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Công an TP Đà Lạt đã khởi tố, xử lý nhiều vụ.

Mới đây, Công an TP Bảo Lộc đã lần ra đường dây hoạt động tín dụng đen, tạm giữ 6 nghi can. Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ 104 triệu đồng tiền mặt, 370 giấy vay tiền, gần 400 chứng minh nhân dân, gần 250 sổ hộ khẩu, hàng trăm tờ rơi quảng cáo cho vay tiền, 3 thẻ ATM và nhiều sổ sách ghi chép việc cho vay và thu nợ của người dân.

Ngoài ra còn có 2 can mắm tôm pha nhớt, sơn và xăng cùng 2 thùng sơn. Bước đầu, các nghi can thừa nhận cho vay tiền với lãi suất từ 15%/ tháng trở lên và chuẩn bị sẵn xăng nhớt, mắm tôm để khủng bố tinh thần nếu nạn nhân chậm trả lãi.

Theo Ðại tá Lê Hồng Phong- Phó Giám đốc Công an tỉnh: Lâm Ðồng hiện có 34 băng nhóm với 300 đối tượng có biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, 7 băng nhóm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động và 19 doanh nghiệp bị các đối tượng lợi dụng hoạt động phi pháp nên rất phức tạp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo đấu tranh quyết liệt hơn nữa; vận động người dân tố giác những đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng đen. 
MỚI - NÓNG