"Tất cả 9 thi thể đã được tìm thấy và đội cứu hộ đang trong quá trình đưa họ xuống núi", AFP dẫn lời Siddartha Gurung, một phi công trực thăng tham gia điều phối nhiệm vụ tìm kiếm hôm nay cho biết.
Đoàn thám hiểm gồm 5 người leo núi Hàn Quốc và 4 hướng dẫn viên Nepal thiệt mạng do bão tuyết mạnh khi đang cắm trại trên núi Gurja, một khu vực xa xôi của khối núi Dhaulagiri, Nepal hôm 12/10. Hai trực thăng tiếp cận hiện trường một ngày sau đó nhưng bị cản trở bởi gió lớn.
Sau khi tiếp cận được hiện trường, Gurung cho biết khu cắm trại của đoàn thám hiểm bị hủy hoại, thi thể các nạn nhân nằm cách đó 500 m. "Giống như có một quả bom đã phát nổ ở khu vực cắm trại của họ", thành viên Dan Richards của Global Rescue, một nhóm hỗ trợ khẩn cấp ở Mỹ đang tham gia hoạt động tìm kiếm, cho biết.
Đoàn thám hiểm do nhà leo núi kỳ cựu người Hàn Quốc Kim Chang-ho dẫn đầu, người đã chinh phục 14 ngọn núi cao nhất thế giới mà không cần sử dụng bình dưỡng khí. Các chuyên gia leo núi đang đặt câu hỏi vì sao một đội leo núi nhiều kinh nghiệm lại gặp tai nạn thảm khốc khi vẫn ở khu vực cắm trại tại độ cao 3.500 m.
"Chúng tôi không hiểu tai nạn đã xảy ra như thế nào. Những đợt gió khắc nghiệt thường không xảy ra ở độ cao đó và khu vực cắm trại thường là những địa điểm an toàn", Richards nói thêm.
Nơi xảy ra bão tuyết khiến đoàn thám hiểm thiệt mạng. Đồ họa: AFP.
Nhóm thám hiểm đã ở độ cao 7.193 m trên núi Gurja từ đầu tháng 10 và đang hy vọng sử dụng một tuyến đường mới để chinh phục đỉnh ngọn núi ít được người leo núi lựa chọn. Người Hàn Quốc thứ sáu trong nhóm may mắn thoát chết vì phải xuống núi vài ngày trước đó do gặp vấn đề về sức khỏe.
Đây không phải lần đầu tiên những trận bão tuyết bất thường gây tai nạn chết người trong ngành leo núi ở Nepal. Năm 2015, 18 người đã chết ở nơi cắm trại trên núi Everest sau khi động đất kích hoạt một loạt trận lở tuyết.
Năm ngoái, 16 người thiệt mạng trên đỉnh Everest khi một trận lở tuyết quét qua thác Khumbu. Vài tháng sau, một trận bão tuyết giết chết hơn 40 du khách và hướng dẫn viên ở vùng Annapurna. Nguyên nhân thảm họa được cho là dự báo thời tiết sai và tiêu chuẩn an toàn kém trong ngành leo núi Nepal.