Điện thờ vừa được tìm thấy ở thành phố tàn tích Pompeii (Ý) - một địa điểm khảo cổ nổi tiếng thế giới - đã có từ năm 79 sau công nguyên, khi núi lửa Vesuvius phun trào, điện thờ này đã bị chôn vùi dưới lớp tro bụi dày hàng mét.
Các nhà sử gia ước tính rằng vụ việc núi lửa Vesuvius phun trào trong lịch sử đã từng khiến khoảng 16.000 người sinh sống quanh khu vực này thiệt mạng. Điện thờ được tìm thấy mới đây còn tương đối nguyên vẹn và sở hữu vẻ đẹp ấn tượng.
Những bức ảnh chụp tại điện thờ vừa được tìm thấy cho thấy những bức bích họa vẫn còn rất rõ nét về chi tiết và màu sắc. Trong thời La Mã cổ đại, những điện thờ thường được đặt ở lối vào các biệt thự giàu có, tại đây, người ta sẽ bày các lễ vật và cầu nguyện các vị thần.
Ông Massimo Osanna, người đứng đầu nhóm khảo cổ học đang hoạt động tại thành phố tàn tích Pompeii cho hay điện thờ vẫn chưa hoàn toàn được khai quật hết. Nhưng với những gì đã quan sát được, có thể khẳng định đây là gian điện thờ của một gia đình giàu có thời ấy, với những bức bích họa khắc họa những vị thần La Mã vốn quen thuộc với các lễ nghi gia đình thời bấy giờ.
Giáo sư Ingrid Rowland, một nhà sử học đang làm việc tại Đại học Notre Dame (Mỹ) đã chia sẻ với tờ New York Times (Mỹ) rằng: "Mọi ngôi nhà thời La Mã cổ đại đều có một gian thờ, nhưng chỉ những gia đình giàu có nhất mới có đủ khả năng để xây dựng hẳn một điện thờ với những trang trí thẩm mỹ".
Những lớp tro bụi đã chôn vùi các phế tích, chắn ánh nắng mặt trời và nước tiếp xúc với các hiện vật trong suốt 2.000 năm qua, nhờ vậy mà các hiện vật vẫn còn hoàn hảo tới như vậy.
Những hoạt động khảo cổ tại tàn tích Pompeii đã bắt đầu được tiến hành từ thế kỷ 18, với nhiều hiện vật đã bị phá hủy, thất lạc hoặc rơi vào quên lãng vì những sự thiếu khoa học của hoạt động khảo cổ buổi ban đầu.
Chính vì vậy, phát hiện khảo cổ lần này - một phát hiện nguyên vẹn, chưa từng bị đụng chạm tới trước đây, kể từ ngày xảy ra vụ núi lửa phun trào, được giới khảo cổ coi là một phát hiện quan trọng về phế tích Pompeii.