Tìm ngành học đáp ứng nhu cầu địa phương

Tìm ngành học đáp ứng nhu cầu địa phương
Sáng 23-2, gần 2.000 học sinh lớp 12 các trường THPT Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi, Trấn Biên, Ngô Quyền của TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có mặt để nghe các chuyên gia tư vấn giải đáp những thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013.

> Học bổng đại học và sau đại học tại Trung Quốc
> Học bổng tại Ba Lan năm 2013

Học sinh Đồng Nai háo hức tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Đồng Nai háo hức tham gia chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tổ chức. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Học để làm việc ngay tỉnh nhà

Tại buổi tư vấn, phần lớn học sinh (HS) quan tâm tới những ngành nghề mà khi tốt nghiệp có thể phục vụ ngay tại quê nhà. Một HS Trường THPT Trấn Biên gọi điện qua đường dây nóng, hỏi: “Em biết đường cao tốc Dầu Giây - TP.HCM đang được hình thành, em muốn được xây dựng con đường này thì nên thi vào ngành nào?”.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: “Nếu thực sự muốn được góp phần xây dựng con đường chạy qua quê hương mình, em có thể học ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (gồm các chuyên ngành xây dựng đường bộ, quy hoạch giao thông, xây dựng cầu hầm, xây dựng đường sắt - metro...)”.

HS Lê Văn Hiển, Trường THPT Bùi Thị Xuân băn khoăn muốn biết học các ngành kỹ thuật nào để về khu công nghiệp của tỉnh làm việc. Thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang, Phó phòng Đào tạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khuyên: “Có rất nhiều ngành nghề kỹ thuật mà các em có thể theo học để phục vụ tại các khu công nghiệp trong vùng như công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật môi trường... Nhiều trường có đào tạo ngành này như ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nông Lâm TP.HCM...”.

HS Nguyễn Thái Dũng, Trường THPT Ngô Quyền thắc mắc: “Em được biết ngành dược của ĐH Lạc Hồng tuyển cả 2 khối A và B, vậy thi khối nào thì dễ đậu hơn và cơ hội việc làm ra sao?”.

Tiến sĩ Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Dược sĩ bậc ĐH là một ngành mới của trường năm nay. Các em nên thi khối A nếu thấy mình khá toán, lý, hóa và khối B nếu khá môn sinh.

Tuy nhiên, nếu em thi khối B mà không đậu ngành dược thì sẽ được xét tuyển vào 2 ngành cùng khối B là hóa và sinh, sau khi tốt nghiệp, em có thể học văn bằng 2 ngành dược tại ĐH Y Dược TP.HCM để thực hiện mong muốn ban đầu của mình”.

Có năng khiếu hát, thi ngành nào phù hợp?

Giữa hàng loạt câu hỏi về khối ngành kinh tế, kỹ thuật, cả sân trường bất ngờ vỗ tay thú vị khi một HS Trường THPT Lê Hồng Phong gọi điện qua đường dây nóng nhờ tư vấn: “Em nhận thấy mình có năng khiếu làm ca sĩ vì có giọng hát hay và tự thấy mình cũng khá... xinh đẹp, vậy em nên thi ngành nào, trường nào thì phù hợp?”.

Thạc sĩ La Hoàng Dũng, Phó phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sài Gòn, khuyên: “ĐH Sài Gòn có đào tạo ngành sư phạm âm nhạc (không phải đóng học phí), thi môn văn và năng khiếu (hệ số 2), thời gian học 4 năm, tốt nghiệp làm giáo viên âm nhạc tại các trường THCS và THPT. Ngoài ra, ngành thanh nhạc tại trường hoặc tại một số trường khác giúp em ra trường có thể trở thành ca sĩ hoặc làm việc tại các trung tâm văn hóa...”.

Bên cạnh đó, không ít HS khá quan tâm tới các ngành mang tính đặc thù. Chẳng hạn HS Thúy Hằng, Trường THPT Bùi Thị Xuân mong muốn học ngành nào liên quan đến dự báo thời tiết để thường xuyên được tiếp xúc với gió, mây, mưa, nắng...

Thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Nếu em thích làm cô gái dự báo thời tiết, có thể đăng ký ngành khí tượng - thủy văn. Hiện nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM có đào tạo ngành này. Khi tốt nghiệp, em có thể về làm việc tại trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của tỉnh”.

Đồng Nai cần 90.000 lao động mỗi năm

Tại buổi tư vấn, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đã cung cấp những thông tin bổ ích đối với việc chọn ngành, nghề: “Đồng Nai là tỉnh có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn. Năm 2013 và các năm tiếp theo, tỉnh cần 90.000 lao động mỗi năm. Sinh viên tốt nghiệp các ngành cơ khí, điện tử, chế tạo máy... có cơ hội việc làm vô cùng thuận lợi. Từ năm 2015 đến 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhu cầu tỉnh cần nhiều là công nghệ sinh học, tin học, viễn thông, y tế, vật liệu mới...”.

Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG