Tìm hiểu về phanh tang trống
Hệ thống phanh tang trống, hay còn gọi là phanh guốc, có tên tiếng anh là DrumBrake. Phanh tang trống gồm những phần cơ bản như trống phanh, guốc phanh, má phanh và các bộ phận truyền lực khác.
Phanh tang trống trên xe đạp. |
Tiền thân của phanh tang trống là loại phanh được dùng phổ biến ở bánh sau những chiếc xe đạp. Loại phanh này có cấu tạo người với phanh tang trống trên xe máy và ô tô, với trống phanh hình trụ tròn nằm bên trong, gắn cố định và quay cùng với bánh xe và má phanh nằm bên ngoài.
Khi phanh, má phanh sẽ ép vào trống phanh, tạo lực ma sát khiến xe giảm tốc. Với cấu tạo đơn giản của chiếc xe đạp, phanh xe cũng rất đơn giản. Nhược điểm của loại phanh này là bụi bẩn dễ bám vào bề mặt phanh, khiến nó nhanh mòn và hiệu quả kém hơn.
Sau này, người ta phát triển phanh xe đạp lên thành phanh tang trống như thường thấy hiện nay trên xe máy và ô tô. Loại phanh này có trống phanh bo phía ngoài, cũng được gắn cố định và quay cùng tốc độ của bánh xe.
Hệ thống má phanh được gắn ở phía trong của trống phanh, cùng với những hệ thống lò xo dẫn động và truyền lực tạo thành một mâm phanh hoàn chỉnh. Khi phanh, má phanh sẽ được mở căng ra và ép vào trống phanh từ phía trong, tạo lực hãm để phanh xe.
Phanh tang trống trên xe máy, truyền lực phanh bằng cơ khí. |
Trống phanh hình trụ, thường được làm bằng gang xám, chịu được mài mòn, có đồ bền rất cao, có khả năng tiêu tán nhiệt khi phanh, nhưng nhược điểm là khá nặng và dễ vỡ. Để tăng khả năng của trống phanh cũng như giảm trọng lượng, nhiều nơi thay gang xám bằng hợp kim thép, carbon và bề mặt ma sát bằng gang.
Khi mở mâm phanh, ta sẽ thấy hai má phanh được dán cố định lên hai guốc phanh, ghép lại tạo thành hình tròn. Guốc phanh thường được làm từ nhôm đúc, có trọng lượng nhẹ và tản nhiệt tốt.
Má phanh là bộ phận cần thay mới nhiều nhất trong hệ thống phanh tang trống. Má phanh được dán hoặc vít cố định lên guốc phanh, sẽ mòn đi khi phanh, do ma sát giữa má phanh và trống phanh. Khi má phanh mòn, ta có thể thay mới má phanh tại các điểm sửa chữa xe máy, ô tô. Thợ sửa xe sẽ dán má phanh mới lên guốc phanh, và hệ thống phanh tang trống sẽ có một chu kì hoạt động mới.
Khi phanh mòn, nhất là trên xe máy, người lái có thể cảm nhận được dễ dàng bởi chân phanh phải đạp sâu hơn. Căng lại phanh tang trống là việc làm cần thiết nếu thấy phanh quá sâu. Nếu đã căng lại dây phanh, nhưng hiện tượng phanh không còn ăn vẫn diễn ra, đó là lúc bạn nên tháo mâm phanh để kiểm tra, lau sạch trống phanh và bề mặt má phanh, hoặc phải thay má phanh mới.
Việc chỉnh lại phanh được hiệu như điều chỉnh khoảng cách giữa má phanh và trống phanh. Nếu khoảng cách lớn, người lái phải đạp chân phanh sâu thì phanh mới bắt đầu có tác dụng, gây nguy hiểm. Trái lại, việc chỉnh má phanh quá sát, chiếc xe sẽ có những tiếng kêu khi di chuyển, đó là tiếng cọ sát của má phanh với trống phanh, vừa khó chịu vừa gây tiêu tốn thêm nhiên liệu, mòn má phanh.
Bảo dưỡng và kiểm tra phanh định kì là việc cần thiết, bởi phanh là hệ thống an toàn chủ động hữu hiệu nhất.
Ưu nhược điểm của phanh tang trống
Phanh tang trống trên ô tô, sử dụng truyền lực bằng thủy lực. |
Nhược điểm lớn nhất của phanh tang trống là tản nhiệt. Cho dù sử dụng gang và nhôm là những vật liệu chính, nhưng do kết cầu kín nên khả năng tản nhiệt của phanh tang trống không đủ khiến phanh vẫn có nhiệt độ rất cao. Nhiệt độ cao kèm với việc biến dạng của má phanh, guốc phanh … và có thể gây mất phanh.
Ngược lại, ưu điểm của phanh tang trống là giá thành rẻ, kỹ thuật không quá cao. Chính vì thế, phanh tang trống vẫn được áp dụng rộng rãi trên nhiều phương tiện, để tiết kiệm chí phí sán xuất và giảm giá thành.
Hiện nay, phanh tang trống vẫn xuất hiện rộng rãi, trên những chiếc xe máy và ô tô. Phanh trước của xe máy đã dần chuyển sang sử dụng phanh đĩa, nhưng phanh sau hầu hết vẫn là phanh tang trống, do lo ngại về hiện tượng bó cứng phanh do phanh đĩa quá ăn ở bánh sau, gây nguy hiểm.
Đón xem phần tiếp theo: Tìm hiểu về phanh đĩa.