Đề xuất giải pháp với 3 nhà máy điện than lớn
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp kỹ thuật về lộ trình chuyển đổi từ sản xuất nhiệt điện than sang các giải pháp thay thế bền vững, nhằm cung cấp thông tin cập nhật về chính sách và công nghệ cho quá trình.
Các nghiên cứu đã đưa ra lộ trình chuyển đổi khả thi cho các nhà máy nhiệt điện than lớn của Việt Nam gồm Nhà máy Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong bằng việc công bố đánh giá tác động, chi phí và lợi ích tiềm tàng của các phương án chuyển đổi năng lượng khác nhau.
Các giải pháp được đề xuất như đồng đốt sinh khối, chuyển đổi sang điện khí LNG và tích hợp các nguồn tài nguyên tái tạo, cùng với các công nghệ tiên tiến như hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) hay công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).
Nhiệt điện than sử dụng công nghệ cũ được coi là một nguồn ô nhiễm không khí nghiêm trọng. |
Với nhà máy Phả Lại 1, công suất 440 MW, là nhà máy nhiệt điện lâu đời nhất đã vận hành gần 40 năm, nằm trong danh mục ngừng hoạt động theo Quyết định 500/QĐ-TTg, Nghiên cứu đưa ra khả năng tích hợp công nghệ chuyển đổi phù hợp sang công nghệ sạch hơn như là các tổ máy chạy tua bin khí linh hoạt kết hợp với BESS và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp với điện mặt trời và SynCON.
Trong khi đó, Phả Lại 2, công suất 600MW, vận hành 23 năm cũng được yêu cầu chuyển đổi. Một số lộ trình được xem xét cho Phải Lại 2 gồm đồng đốt NH3 hoặc tua bin khí linh hoạt, hoặc BESS kết hợp với tua bin khí linh hoạt và điện mặt trời, hoặc BESS kết hợp tua bin khí và SynCON.
Theo các chuyên gia, những chiến lược này không chỉ có lợi cho môi trường bằng cách giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính mà còn rất quan trọng để tăng cường an ninh năng lượng và tính bền vững của ngành.
Với trường hợp của nhà máy Cao Ngạn, nhà máy nằm ở vị trí trung tâm thành phố Thái Nguyên nên yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ.
Nghiên cứu nhấn mạnh đến khả năng tích hợp của nhà máy với các nguồn năng lượng tái tạo. Nghiên cứu cũng chỉ ra tiềm năng kết hợp với năng lượng mặt trời và năng lượng gió vào hệ thống phát điện hiện có, được tăng cường nhờ các công nghệ Hệ thống lưu trữ năng lượng pin (BESS) và Công nghệ thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) tiên tiến. Cách tiếp cận này có thể là một mô hình để cân bằng giữa sản xuất năng lượng với bảo vệ môi trường.
Đối với Nhà máy nhiệt điện than BOT Vân Phong 1, nhà máy mới và lớn nhất có vị trị thuận lợi cho việc tích hợp điện mặt trời, đồng đốt sinh khối. Nghiên cứu phân tích sâu vào các phương án chuyển đổi khác nhau, bao gồm việc tiên phong sử dụng năng lượng hạt nhân quy mô nhỏ và tái sử dụng nhà máy để phù hợp với các công nghệ mới nổi.
Điện than công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thảo luận về các thông lệ quốc tế tốt nhất, tiến bộ công nghệ và mô hình tài chính để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. |
Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam, sự phụ thuộc của chúng ta vào sản xuất điện than đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Việc loại bỏ dần điện than là điều cần phải làm chứ không phải một lựa chọn, nhằm giảm lượng phát thải các bon cho nền kinh tế Việt Nam và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Bà Ramla nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực phối hợp giữa các bên nhằm giảm thiểu những thách thức này và sự cần thiết của một quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện.
Đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á cũng trình bày kinh nghiệm của Indonesia và Philippines về cơ chế chuyển đổi năng lượng. Đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ kết quả nghiên cứu bước đầu về các giải pháp chuyển đổi cho nhà máy nhiệt điện than Ninh Bình.
Theo báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí, trước đây, các nhà máy nhiện điện than là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng do sử dụng công nghệ lạc hậu.
Hiện nay, chỉ còn một số nhà máy như Uông Bí, Ninh Bình, Phả Lại 1 đang sử dụng công nghệ cũ, các nhà máy còn lại đã sử dụng công nghệ hiện đại và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Do đó, việc phát thải bụi, SO2 và NOx ra môi trường đã phần nào được kiểm soát.
Tuy nhiên, do công suất hoạt động cao, lượng phát thải lớn nên các nhà máy nhiệt điện than vẫn là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an có quyết định phạt Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại hơn 3,9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 12 tháng do xả thải bụi, khí thải có nhiều chỉ số vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tại hai dây chuyền sản xuất.