Điệu múa Bát dật cổ lần đầu tiên trở lại sân đình Hiệp Lực sau 80 năm thất lạc. Ảnh trong bài: Minh Đức. |
Sau 80 năm chạnh lòng vì để mất di sản của thành hoàng, người dân Hiệp Lực (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) giờ có thể mừng vui múa điệu múa của làng mình. “Chẳng bao giờ Bát dật Hiệp Lực có thể thất lạc lần nữa vì đã có công nghệ ghi hình, con cháu sau này cứ việc vào youtube mà học lại”, một khán giả trẻ đã nói vậy khi ngồi ở sân đình vừa xem múa vừa giơ điện thoại lên chụp lia lịa.
Từ làng Nhẩy sang làng Nhống
Điệu múa cung đình còn gọi là Bát dật đã từng có mặt đầu tiên tại làng Nhẩy (tên nôm của Đông Trang Lực xưa, tức Hiệp Lực ngày nay) từ hàng trăm năm trước, rồi bị thất lạc sau Cách mạng tháng Tám, trở lại ngắn ngủi vào cuối thập kỷ 80, từ đó đến nay biến mất hẳn. Trớ trêu thay, điệu múa này bằng cách nào đó đã trở thành đặc sản của làng Nhống (tên cũ của làng Lộng Khê) bên cạnh, chỉ cách Hiệp Lực mấy bước chân.
Đội múa cách đây 80 năm chỉ chọn những cô gái chưa chồng, đẹp người đẹp nết” nhưng thời nay các cô gái trẻ đều bận đi học đi làm xa, tìm được 16 chị em từ 30 đến 40 tuổi là quý lắm rồi Cụ Ngô Quang Thiệm 92 tuổi, người từng đánh trống tế rất giỏi |
Trong thần phả ghi rằng, đình Hiệp Lực là nơi cung thờ thân mẫu và Đại tướng quân Lê Đô - một danh tướng kiệt xuất đã có công lớn cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống giặc Hán xâm lược. Tương truyền, sau lần tướng Lê Đô được phong lần thứ hai chức Thượng thư bộ hình, vua Trưng cùng văn võ bá quan mở tiệc khao đãi có điệu múa cung đình, vị tướng đã mang điệu múa đó về quê mẹ (Hiệp Lực ngày nay) truyền lại. Sau khi tướng quân mất, người làng Nhẩy lấy ngày 10 tháng 8 (âm lịch), là ngày sinh của ông làm ngày lễ hội lớn nhất trong năm. Cũng từ đó điệu múa Bát dật thành điệu múa thờ thánh Lê Đô và thân mẫu.
Năm 1990, đình làng Hiệp Lực được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia , từ đó lễ hội truyền thống của làng vào 10 tháng 8 (âm lịch) hàng năm được tổ chức ngày càng quy mô hơn nhưng mỗi người dân đều nhức nhối về việc so với một trăm năm trước, ngày hội trọng đại của làng vẫn thiếu nghi lễ đặc sắc nhất, điệu múa Bát dật, nhưng chưa ai dám nghĩ đến việc khôi phục, cho đến khi xuất hiện người “ vác tù và ”.
Người 10 năm sưu tầm tư liệu
Từ khoảng 10 năm gần đây, ông Ngô Trọng Phàn, người phụ trách di tích đình Hiệp Lực đã âm thầm sưu tầm tư liệu về điệu múa cổ đã mất. Khoảng một tháng trước lễ hội năm nay, một nhóm nghiên cứu của Viện Văn hóa nghệ thuật về tìm hiểu lễ hội làng Hiệp Lực đã đề cập với ban tổ chức hội về việc thử khôi phục lại điệu múa Bát dật, lúc đó ông Phàn và hội các cụ bô lão rất háo hức. Tuy nhiên vì thời gian quá gấp rút nên ông Phàn dự tính phải lễ hội sang năm mới có thể thực hiện một cách bài bản. Với sự quyết tâm của các cụ và sự trợ giúp của nhóm nghiên cứu, chỉ trong một tháng, công việc đã tương đối ổn thỏa.
ông Ngô Trọng Phàn, người nhiều năm sưu tầm tư liệu và đứng ra phục dựng điệu múa Bát dật làng Hiệp Lực. |
Ông Phàn là con nhà nông với nhiều thế hệ yêu văn nghệ. Gia đình cha ông đã từng có chiếu chèo chuyên đi diễn ở các làng quê Thái Bình. Ông Phàn có trí nhớ tốt, ham tìm hiểu nên mọi nghi thức tế lễ từ cách trải chiếu tế sân đình, sắp ban thờ đến dạy múa tế viết văn tế… đều một tay ông đảm nhiệm trong làng.
Nhiều năm đi thu thập tư liệu và ký ức về Bát dật, ông Phàn có may mắn được trò chuyện tỉ mỉ với các cụ cao niên trong làng, những người được tận mắt xem đội múa Bát dật cuối cùng của làng vào năm 1935. Người nhớ được nhiều chi tiết nhất về điệu múa là cụ Ngô Văn Riện vừa mất hồi cuối năm ngoái, thọ 99 tuổi. Hiện tại vẫn còn cụ Ngô Quang Thiệm 92 tuổi, từng là người đánh trống tế rất giỏi. Nhờ các cụ mà ông Phàn có được cả danh sách 8 trong 16 nữ diễn viên múa Bát dật từ năm 1930-1935 của làng Đông Trang Lực (tên cũ Hiệp Lực), tên các lớp múa và dựng lại được sơ đồ các lớp múa.
Múa Bát dật là phong cách múa cung đình được trình diễn khi đất nước hòa bình, nhân dân no ấm. Điệu múa gốc ở cung đình có 64 người chia thành tám hàng , mỗi hàng tám người nên được gọi là Bát dật. Qua thời gian, điệu múa được giản lược thành 32 người, sau phổ biến là 16 người, được trình diễn vào các dịp lễ Tết, lễ mừng thánh. Trước đó, trong quá trình tìm hiểu, ông Phàn đã gặp gỡ các cụ làng Lộng Khê để đối chứng sự khác biệt giữa điệu múa của hai làng. Thánh làng bên là thầy thuốc nên tinh thần múa và cách chuyển động khác hẳn với bên làng thờ thánh nhà binh. Cũng vì vị thánh của làng là tướng quân nên điệu múa Bát dật của làng Đông Trang Lực xưa thiên về chuyển động sắp hình kiểu bài binh bố trận. Bát dật ở làng Nhẩy có 8 lớp bày binh và diễn tả đời sống sinh hoạt người dân và 3 lớp múa thi hương lễ thánh. Dàn nhạc đệm bao gồm: thanh la, trống luồn, trống lọc và trống ban.
Với bộ tư liệu khá đầy đủ, ông Phàn cùng cán bộ xã đến từng nhà chị em trong đội tế nữ quan để thuyết phục gia đình họ đồng ý cho người nhà vào đội múa. Theo cụ Thiệm (92 tuổi) “đội múa cách đây 80 năm chỉ chọn những cô gái chưa chồng, đẹp người đẹp nết” nhưng thời nay các cô gái trẻ đều bận đi học đi làm xa, tìm được 16 chị em từ 30 đến 40 tuổi là quý lắm rồi. Các chị đều làm nông, ngày bận việc đồng áng, chiều tối bận chăm con cái nhưng được các ông chồng đồng lòng ủng hộ. Thày Phàn cũng vất vả không kém, gia đình ông có nghề sản xuất bánh đa và miến dong, nhiều hôm ông phải tranh thủ phóng đi giao hàng giữa hai điệu múa. Vất vả nhưng cả làng đều phấn chấn.
Diễn viên múa đương đại trợ giúp
Trợ giúp các động tác múa cho chị em lần này có một diễn viên múa đương đại đã từng đi trình diễn khắp thế giới. Bà Nguyễn Thị Xuân (61 tuổi), là cựu diễn viên vở “Hạn hán và cơn mưa” của biên đạo múa Ea Sola.
Bà Nguyễn Thị Xuân và chiếc mũ múa Bát dật từ cách đây 25 năm. |
Cách đây 25 năm, trong một lần đi tìm kiếm các các vũ công nông dân, bà Xuân đã lọt mắt biên đạo người Pháp cũng trong điệu múa Bát dật ở đội văn nghệ xã An Khê.
Thời bao cấp, kịch bản múa giản lược và đội múa Bát dật sau đó tan nhanh nên người tham gia không thể nhớ hết các lớp lang điệu gốc nhưng dù sao bà Xuân cũng là diễn viên Bát dật duy nhất trong làng.
Hiện giờ bà Xuân vẫn còn giữ chiếc mũ Bát dật kiểu xưa: “hồi đó chúng tôi múa trong bộ váy tứ thân nâu sòng, thắt dây lưng vải màu, đầu đội chiếc mũ gắn ba ngọn nến. Xửa xưa các cụ chưa có nến thì gắn đèn Hoa kỳ (đèn dầu), múa buổi tối trông rất đẹp. Trang phục múa bây giờ là tứ thân đồng màu, trông rực rỡ cập nhật thời hiện đại hơn. Lần này hơi gấp, nếu có điều kiện, sang năm có lẽ chúng tôi sẽ khôi phục lại kiểu mũ thắp nến cho gần với nguyên bản hơn và trông tổng thể điệu múa sẽ huyền bí và lôi cuốn hơn”.