Ngày 1-3, Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê báo cáo bằng văn bản việc học sinh lớp 6 chưa đọc thông, viết thạo.
Thầy Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD-ĐT Gia Lai, cho biết theo thông tin ban đầu, em Q.V.S (học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Duẩn) là học sinh chậm phát triển. Tuy nhiên, chưa có cơ sở y tế nào kết luận chính thức về việc này.
Theo thầy Đông, đối với những học sinh chậm phát triển, lẽ ra phải được các cơ quan y tế kết luận, có hồ sơ theo dõi và có biện pháp giảm nhẹ quá trình đánh giá, giảm một số môn để học sinh chuyên tâm học các môn chính. Lúc đó, việc học của học sinh chỉ học hòa nhập.
Đối với những học sinh này, Bộ GD-ĐT đã cho phép nhà trường điều chỉnh cho phù hợp. "Những học sinh này nếu cho ở lại lớp, khả năng cao sẽ bỏ học nhưng cũng không nhất thiết phải cho lên lớp. Những trường hợp khuyết tật nặng, gia đình đưa tới trường cho vui, xóa đi mặc cảm" – thầy Đông nói.
Thầy Đông cho hay sẽ tiếp tục cho em theo học nhưng cần có chế độ riêng. Gia đình cũng chưa có điều kiện đưa đi thăm khám tại các cơ sở y tế. Hiện tỉnh Gia Lai chưa có trường dành riêng cho trẻ khuyết tật.
Trước đó, như đã thông tin, nam sinh Q.V.S dù khả năng đọc, viết còn hạn chế nhưng S. chỉ học lại một năm lớp 1 và sau đó một mạch lên thẳng tới lớp 6. Bà B.T.V (mẹ em Q.V.S) cho hay dù đã lớp 6 nhưng em S. vẫn chưa đọc thông, viết thạo. Khi viết rất chậm, phải nhìn chữ mới viết được và lúc đọc phải đánh vần từng từ.
"Lớp 6 nhưng cháu chưa thể nghe và viết lại được mà phải đọc từng từ thì mới viết được. Ví dụ từ "ngày" phải đánh vần từng từ cháu mới có thể viết được" – bà B.T.V nói và cho biết S. cũng rất chăm chỉ, ngày nào cũng đạp xe 9 km tới trường học.
Những giáo viên cấp tiểu học cho rằng tạo điều kiện cho em lên lớp vì tình thương để em được hòa nhập với các bạn cũng là một trong những biện pháp giúp đỡ em S.
Cô Nguyễn Thị Kha, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toàn (xã Ia Tiêm) - nơi em S. theo học tiểu học - cho biết bà đã dạy và phát hiện em S. đọc rất chậm. Nhưng khi hỏi giáo viên chủ nhiệm em S. thì 4 người đều nói rằng đã chỉ bảo, dạy tận tình cho em S.
"Tôi gọi em S. lên đọc bài thì cả lớp ở dưới cười ồ nói em này không thể đọc được. Nhưng qua khuyên nhủ, động viên thì em có đọc được nhưng phải đánh vần từng từ rất chậm. Nếu để em ở lại lớp em bỏ học thì thiệt thòi cho em nên các cô cứ để em lên lớp học được chữ nào tốt chữ đó" – cô Kha nói và cho biết việc tạo điều kiện để em S. lên lớp là hoàn toàn vì thương em, chứ không phải chạy theo thành tích. Điểm số để em S. được lên lớp cô không chỉ đạo giáo viên nâng mà do các cô chủ nhiệm chấm. Có thể lúc làm bài thì em S. vừa được học nên làm được nhưng sau đó lại quên.
Cũng theo cô Kha, các giáo viên đã đề nghị gia đình đưa em S. đi làm những thủ tục y tế cần thiết để được hưởng các chế độ, chuẩn của học sinh khuyết tật nhưng gia đình em không đồng ý. Trường hợp của em S. phải đưa giáo dục trong các trường giành cho trẻ khuyết tật nhưng gia đình em không có điều kiện để cho em theo học. Nhà trường cũng chưa nhận được ý kiến để em ở lại lớp học từ gia đình như phụ huynh em S. phản ánh.
Trong đợt kiểm tra cuối kỳ II, em S. cũng đã đạt 7 điểm môn toán và 6 điểm môn văn nên đã đủ điều kiện để hoàn thành chương trình tiểu học. Bà Phan Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Duẩn, cũng cho hay dù em S. có khả năng tiếp thu rất chậm, khi em viết vẫn đang bị run, khi đọc cũng phải đánh vần từng từ nhưng em S. vẫn có chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học của Trường Trần Quốc Toản nên vẫn tuyển bình thường.