Tiết lộ 5.300 đồ vật vô cùng quý giá trong kho báu bằng vàng của Pharaoh Tutankhamun

Một đồ tạo tác bằng vàng chạm nổi trong mộ pharaoh Tutankhamun. Ảnh: AFP.
Một đồ tạo tác bằng vàng chạm nổi trong mộ pharaoh Tutankhamun. Ảnh: AFP.
Những đồ tạo tác bằng vàng tinh xảo tìm thấy trong mộ pharaoh Tutankhamun được tiết lộ lần đầu tiên sau gần một thế kỷ phát hiện.

Kho báu bằng vàng của pharaoh Ai Cập Tutankhamun được trưng bày trước công chúng lần đầu tiên sau gần 95 năm phát hiện lăng mộ vị vua, theo International Business Times. Những món đồ tạo tác nằm trong kho lưu giữ ở Bảo tàng Ai Cập ở Cairo suốt một thế kỷ mà chưa được phân tích hay tôn tạo.

Triển lãm mở cửa từ hôm 15/11, trưng bày những đồ trang trí bằng vàng, chạm nổi theo mô típ có xuất xứ từ phía đông vùng Lưỡng Hà trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. "Những đồ vật gắn liền với cỗ xe của pharaoh Tutankhamun. Không may là chúng đang trong tình trạng rất tệ", chuyên gia bảo tồn người Đức Christian Eckmann cho biết.

Hầm mộ của vị pharaoh 19 tuổi được phát hiện lần đầu tiên năm 1922 bởi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter. Dù trải qua nhiều trận cướp bóc và bị tự nhiên tàn phá, trong mộ vẫn còn hơn 5.300 đồ vật, bao gồm quan tài vàng đặc, mặt nạ vàng, ngai vàng, cung tên, kèn, cốc hình hoa sen, thức ăn, rượu, dép quai hậu và đồ lót bằng vải lanh.

Kho báu bao gồm 100 tấm trang trí bằng vàng dùng cho vỏ cung tên, ống tên và dây cương, tất cả đều được vận chuyển từ những nơi cách xa hàng trăm kilomet đến nơi yên nghỉ cuối cùng của pharaoh. Trên mặt một số đồ tạo tác chạm nổi hình động vật giao chiến và những con dê ở trên cây, hình ảnh xa lạ với văn hóa Ai Cập và được cho là đến từ Levant hay Syria ngày nay.

"Chúng tôi giả định những mô típ trang trí từng rất phát triển ở vùng Lưỡng Hà này lưu truyền đến vùng Địa Trung Hải và Ai Cập qua Syria. Điều này một lần nữa cho thấy vai trò to lớn của Syria cổ đại trong việc truyền bá văn hóa ở thời Đồ đồng", giáo sư Peter Pfalzner ở Đại học Tubingen, Đức, nói.

Những di vật bằng vàng chạm nổi được tìm thấy trong một chiếc hòm năm 1922. Sau nhiều giờ trong phòng bảo tồn ở Bảo tàng Ai Cập, các nhà khảo cổ phục dựng thành công những đồ tạo tác. Họ cũng lập bản vẽ số báu vật để tiến hành nghiên cứu toàn diện.

Giáo sư Pfalzner và cộng sự nhận định các đồ tạo tác được vận chuyển qua quãng đường gần 650 km qua sa mạc và đường thủy tới Cairo ngày nay. Người Ai Cập cổ đại không xây đường để đi lại trong đế quốc của họ mà chủ yếu dùng đường thủy bởi hầu hết những thành phố lớn đều nằm bên bờ sông Nile.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG