> Thông tin nhiều phía
> Uẩn khúc phiên tòa giám đốc thẩm vụ 'kỳ án hiếp dâm'
Chuyển tải thông tin nhiều chiều tới bạn đọc về “kỳ án hiếp dâm”, Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của hai luật sư.
Luật sư Vũ Quang Ninh. |
Thế nào là "không nghiêm trọng"?
Sau khi Tiền Phong trích đăng lại bài viết của luật gia Đỗ Văn Chỉnh, với lời dẫn cho biết nội dung bài viết này phù hợp với quan điểm của TAND Tối cao, tôi xin có một số ý kiến phản hồi gửi tới Tiền Phong.
Trong vụ "kỳ án hiếp dâm" Luật gia Chỉnh cho rằng: “Các “lỗi” điều tra… không phải là lỗi nghiêm trọng làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị truy tố”. Tôi và toàn bộ luật sư, chuyên viên trong Cty luật của tôi nhận thấy ý kiến này thiếu khách quan, chưa đúng với các quy định pháp luật.
Bộ luật TTHS nước ta quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này”. Quy định này không chỉ nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời xử lý những hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, mà còn nhằm không làm oan người vô tội.
Thông tư liên tịch số 01/2010/BCA-VKS-TAND ngày 27-8-2010 của ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án đã giải thích rõ khái niệm “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là: “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án” .
Những “lỗi điều tra” trong “kỳ án hiếp dâm” mà luật gia Chỉnh nêu ra là: “Việc thu lá thư của Kiên (Lợi) gửi cha mẹ nói cha mẹ lo tiền bồi thường cho người bị hại đã không lập biên bản theo quy định tại Điều 78 Bộ luật TTHS (nay là Điều 95).
Hoặc là chiếc áo phông mà người bị hại giao nộp cho Công an xã Dương Nội nhưng trong khai báo sự việc của Công an xã Dương Nội với Công an huyện Hoài Đức lại không có nội dung thu giữ chiếc áo này. Còn chiếc áo phông mà CQĐT xác định là vật chứng vụ án lại không có đặc điểm như đặc điểm của chiếc áo phông mà người bị hại thu được…”.
Đối chiếu những quy định pháp luật tôi vừa trích dẫn, có thể thấy đây là những vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng, khiến các tài liệu của vụ án không đảm bảo tính khách quan, cho phép nhận định chúng không phản ánh đúng sự thật, không đủ giá trị pháp lý để kết luận các anh Kiên, Lợi, Tình là những kẻ gây án “hiếp dâm” và “cướp tài sản” đêm 24-10-2000.
“Sai phạm tố tụng là dấu hiệu nổi bật của việc làm oan”
Dễ nhận thấy ở những vụ án đã được minh oan hoặc có dấu hiệu oan sai, các cán bộ tiến hành tố tụng thường vi phạm quy định tố tụng ở mức độ nghiêm trọng, ở hầu hết các hoạt động khám nghiệm, thu thập vật chứng, lấy lời khai nhân chứng, giám định, thực nghiệm, nhận dạng, đối chất...
Luật sư Hà Đăng. |
Giống như vụ “kỳ án hiếp dâm”, trong vụ án “trộm cắp cổ vật Bắc Giang” (tôi tham gia bào chữa cho các bị can, Tiền Phong từng đăng tải), tại CQĐT, bị can Nguyễn Quý Đoan khai nhận "hành vi phạm tội".
Về hình thức, lời khai của Đoan được thu thập hợp lệ; về nội dung, chúng cơ bản phù hợp với số lượng tài sản bị mất trộm, với địa điểm - thời gian thực tế xảy ra vụ trộm, với lời khai của những bị can khác.
Cho nhận dạng “tang vật”, các bị can nhận đúng; cho thực nghiệm điều tra, họ cũng “diễn” phù hợp với diễn biến vụ trộm. Và, lời khai nhận tội của họ được CQĐT, cơ quan truy tố coi là “chứng cứ” quan trọng nhất để buộc tội họ.
Tuy nhiên, khi được khai báo trước tòa, cũng như ở “kỳ án hiếp dâm”, các bị can trong vụ án này đồng loạt kêu oan. Họ bắt đầu đưa ra những tình tiết có lợi cho họ, tuy rất mong manh, như việc vào thời gian xảy ra vụ án, họ không có mặt ở hiện trường vụ án, mà đang ở một địa điểm khác.
Và cũng như ở “kỳ án hiếp dâm”, trước toà, các luật sư đã đi sâu làm rõ hàng loạt mâu thuẫn trong các lời khai nhận tội của các bị can, đồng thời vạch ra hàng loạt sự vi phạm trong các hoạt động tố tụng. Các luật sư cũng bước đầu làm rõ hiện trường và vật chứng của vụ án không phù hợp với kết luận của cáo trạng...
Trong phiên tòa ở Bắc Giang, HĐXX không quan niệm cứng nhắc “án tại hồ sơ”; trái lại, HĐXX đã coi trọng những tình tiết, diễn biến xuất hiện tại phiên tòa, có giá trị cởi tội cho các bị cáo, và coi trọng những quan điểm của phía bào chữa.
Điều này thể hiện rất rõ ở nội dung Quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, sau khi HĐXX tạm hoãn xét xử phiên toà này. (Thực tế sau đó, phía công tố và điều tra không thể đáp ứng các yêu cầu đó, nên phải ra quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bố 09 bị can không phạm tội).
Đối chiếu hai vụ án, tôi thấy chúng có nhiều điểm giống nhau trong hoạt động điều tra, truy tố. Chúng chỉ khác nhau trong hoạt động xét xử.