Hằng năm, KBNN đã ban hành các Kế hoạch triển khai công tác CCHC của hệ thống KBNN; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đồng thời, thông qua các hội nghị, cuộc họp sơ kết 6 tháng, giao ban cơ quan, Lãnh đạo KBNN thường xuyên chỉ đạo và quán triệt toàn thể công chức, viên chức phải luôn nghiên cứu và áp dụng các điểm mới, cải cách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Với việc triển khai quyết liệt và đồng bộ, công tác cách hành chính tại KBNN đã thu được các kết quả cơ bản.
Cải cách thể chế
KBNN đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của KBNN, trong đó, tập trung hoàn thiện và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về thu, chi NSNN nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, cá nhân khi giao dịch, đặc biệt việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách được gắn với việc phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin.
KBNN đã xây dựng và trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN). Nghị định ra đời đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc thực hiện cải cách quản lý NQNN, đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả NQNN thông qua các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi hoặc vay bù đắp NQNN tạm thời thiếu hụt theo chế độ quy định; gắn kết quản lý NQNN với quản lý NSNN và quản lý nợ Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý NSNN và giảm chi phí vay nợ của Chính phủ.
Để triển khai chức năng tổng kế toán Nhà nước, KBNN trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị định về báo cáo tài chính nhà nước. Hệ thống báo cáo này sẽ cung cấp thông tin về tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản của nhà nước; thông tin đánh giá về hiệu quả điều hành NSNN và kết quả hoạt động thu chi NSNN hằng năm; phản ánh thực chất tiềm lực TCNN thông qua thông tin về tổng tài sản, tổng nghĩa vụ phải trả của Nhà nước.
Nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về trình tự, TTHC thuộc lĩnh vực KBNN. Sau khi Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh tất cả các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với các cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm tạo ra một cơ chế quản lý có hiệu quả; đồng thời, góp phần xây dựng KBNN chuyên nghiệp, hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.
Cải cách thủ tục hành chính
Xác định mục tiêu cải cách, hiện đại hóa là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đơn vị giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của khách hàng trong thời gian qua, KBNN tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC thuộc lĩnh vực KBNN.
Về lĩnh vực quản lý thu NSNN, KBNN cải cách TTHC về quy trình, thủ tục, cơ chế thu và hoàn trả các khoản thu NSNN thông qua triển khai đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện cơ chế chính sách, từng bước áp dụng CNTT vào quy trình, thủ tục thu nộp NSNN thông qua việc xây dựng và triển khai Dự án “Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa cơ quan thuế - KBNN - hải quan - tài chính”; dự án tổ chức phối hợp thu NSNN giữa KBNN với các cơ quan thu và NHTM; triển khai thanh toán điện tử tập trung với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các NHTM. Trên cơ sở đó, mở rộng tài khoản chuyên thu tại tất cả NHTM tại những địa bàn quận, thành phố, thị xã, nơi có số lượng người nộp thuế đông; kết nối, trao đổi dữ liệu thu NSNN điện tử giữa các cơ quan KBNN – NHTM – cơ quan thu; áp dụng các hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như: Tổ chức nộp NSNN qua Internet, ATM, thu qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS/EDC) lắp đặt tại trụ sở KBNN… Đồng thời, KBNN cũng phối hợp với cơ quan công an, bưu điện để tổ chức thu phạt vi phạm hành chính qua hệ thống bưu điện.
Từ đó, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, như: Giảm thiểu thời gian và thủ tục cho người nộp thuế (người nộp thuế có thể lựa chọn địa điểm nộp tiền phù hợp nhất, nơi có trụ sở KBNN hoặc chi nhánh/điểm giao dịch của NHTM hoặc tại bất kỳ địa điểm nào khác thông qua internet banking, ATM; thực hiện nộp tiền ngoài giờ hành chính hoặc thông qua các dịch vụ thu nộp NSNN văn minh, hiện đại); thời gian thực hiện giao dịch nộp NSNN còn khoảng 05 phút/giao dịch (trước đây là khoảng 30 phút); hạn chế thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan thuế, hải quan, KBNN cũng theo dõi kế toán số thu NSNN nhanh chóng, chính xác; thống nhất dữ liệu và giảm thiểu việc nhập liệu tại các cơ quan, đơn vị; khắc phục tình trạng chứng từ chuyển từ ngân hàng về KBNN bị thiếu hoặc sai thông tin. Qua đó, góp phần tập trung nhanh nguồn thu NSNN vào KBNN; giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong công tác tổ chức thu NSNN.
Công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN qua KBNN cũng được cải cách, đổi mới với nhiều nội dung theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN, cụ thể:
KBNN đã tổ chức triển khai thực hiện quy trình kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN từng bước hướng tới thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính tại các đơn vị và ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ bản.
Triển khai thành công Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN từ 02/10/2017 góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư khi đến giao dịch với KBNN.
Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ và nội dung kiểm soát; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; đồng thời, chuyển dần từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau đối với một số khoản chi đầu tư (hợp đồng thanh toán nhiều lần); qua đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Rút ngắn thời gian kiểm soát chi đối với chi đầu tư (từ 07 ngày xuống còn 01 – 03 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán... đối với chi thường xuyên, đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi (kiểm soát theo bảng kê nội dung chi, qua đó, giảm được thủ tục của 70% tổng số các khoản mua sắm, song kiểm soát được 99% tổng giá trị chi thường xuyên); thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập... Đặc biệt trong năm 2018, KBNN đã triển khai trên toàn quốc quy trình gửi hồ sơ kiểm soát chi đến KBNN thông qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN (tính đến tháng 12/2018 có 3.025 đơn vị sử dụng NSNN tham gia dịch vụ công trực tuyến với số lượng hồ sơ trực tuyến mà KBNN đã giải quyết là 61.050 hồ sơ); qua đó, các đơn vị giao dịch với KBNN có thể gửi và nhận kết quả kiểm soát chi NSNN qua internet, không cần đến giao dịch trực tiếp tại KBNN. Bước đầu, quy trình đã tạo nhiều thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, góp phần cải cách TTHC và tăng cường minh bạch trong công tác kiểm soát chi.
Bên cạnh đó, KBNN cũng đã xây dựng và triển khai mô hình “một cửa một giao dịch viên”. Thực hiện mô hình này mang lại những ưu điểm, hiệu quả như: Không tạo thêm khâu trung gian trong việc giải quyết hồ sơ kiểm soát chi, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho khách hàng trong giao dịch với KBNN; đảm bảo thực hiện được yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ; quy trình đơn giản, thuận tiện; nâng cao vai trò, trách nhiệm của công chức kiểm soát chi, hạn chế được tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho khách hàng thông qua cơ chế trách nhiệm đầy đủ và chế tài xử lý rõ ràng; tạo điều kiện để ứng dụng CNTT đối với giao dịch dịch vụ công trong hệ thống KBNN.
Cải cách tổ chức bộ máy nhà nước
Triển khai Đề án Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN, năm 2017 KBNN đã sửa đổi chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của một số đơn vị thuộc KBNN và KBNN cấp tỉnh; trên cơ sở đó, đã ban hành đầy đủ theo thẩm quyền các quyết định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các phòng và KBNN cấp huyện trực thuộc; xóa bỏ 1.893 tổ tại KBNN cấp huyện.
Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, KBNN đã chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống KBNN tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ từ tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến để tạo sự đồng thuận cao với cấp ủy, chính quyền địa phương, tư tưởng công chức, đến hướng dẫn bàn giao hồ sơ, tài liệu; phương án bố trí, sắp xếp nhân sự; bố trí trang thiết bị và chỗ làm việc. Với sự quyết tâm, thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, ngày 01/06/2018, hệ thống KBNN đã hoàn thành việc giải thể 43 phòng Giao dịch.
Hiện đại hóa hành chính
Trong thời gian qua, công tác hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ KBNN tiếp tục được triển khai quyết liệt và đồng bộ với rất nhiều dự án ứng dụng CNTT quan trọng và đạt được kết quả đáng khích lệ, cụ thể:
KBNN đã hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử tập trung với NHNN và các hệ thống NHTM; hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên kho bạc trong nội bộ hệ thống theo mô hình tập trung. Bên cạnh đó, KBNN cũng đẩy mạnh việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt thông qua triển khai các hình thức thu NSNN không dùng tiền mặt; thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN theo đúng chế độ quy định; thực hiện việc chi tiền mặt qua hệ thống NHTM đối với các khoản thanh toán có giá trị lớn; chi tiêu NSNN qua thẻ tín dụng; thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản…). Từ đó, góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN và hướng tới xây dựng kho bạc không giao dịch bằng tiền mặt (theo số liệu thống kê đầu năm 2018, tỷ trọng chi bằng tiền mặt so với tổng chi qua KBNN chỉ còn 7.5%, thu bằng tiền mặt qua KBNN chỉ còn 1,94% so với tổng thu qua KBNN).
Thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ, từ năm 2016, KBNN triển khai thí điểm dịch vụ công trực tuyến tại 5 KBNN tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đến tháng 02/2018, KBNN thực hiện triển khai diện rộng cho 63 KBNN tỉnh, thành phố. Trong năm 2018, KBNN cũng thực hiện chỉnh sửa, nâng cấp phiên bản dịch vụ công trực tuyến để đáp ứng được quy trình nghiệp vụ của phương án thống nhất đầu mối kiểm soát chi sửa đổi, đảm bảo rút ngắn tối đa các bước xử lý trên hệ thống dịch vụ công, trên hệ thống TABMIS và hệ thống thanh toán. Đến nay, KBNN đã cung cấp 8/12 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đối với 4 TTHC còn lại, KBNN đã có kế hoạch triển khai và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện để đến hết năm 2019, 100% các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN đều được cung cấp ở mức độ 4.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã giảm được đáng kể thời gian đi lại của đơn vị, chủ đầu tư, tiết kiệm được chi phí và đặc biệt hạn chế được tình trạng giả mạo chữ ký, gây thấy thoát tiền vốn của NSNN.
Công tác quản lý văn bản và thực hiện chế độ báo cáo của KBNN cũng đã được cải cách, hiện đại hóa thông qua việc áp dụng các phương thức điện tử. Các văn bản đến, văn bản đi tại các đơn vị KBNN trong hệ thống được quản lý theo hướng điện tử hóa thay thế cho phương pháp truyền thống là quản lý bằng sổ giấy; quy trình quản lý được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống đảm bảo thuận tiện, nhanh chóng giúp cho công tác quản lý, tra cứu văn bản chính xác, nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, tiết kiệm được chi phí văn phòng phẩm, phí bưu điện và thời gian gửi, nhận văn bản.
Định hướng cải cách hành chính trong thời gian tới
Có thể thấy những nỗ lực của KBNN trong CCHC đã thực sự mang lại những kết quả thiết thực, góp phần cùng toàn ngành Tài chính cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mặc dù đó mới là những kết quả ban đầu, nhưng với mục tiêu CCHC để phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, chúng tôi đề xuất một số nội dung trọng tâm trong công tác CCHC của hệ thống KBNN thời gian tới như sau:
Nhận thức và quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng, coi cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá mà đặc biệt là cải cách thể chế phải được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Cụ thể, tập trung nguồn lực hoàn thành các đề án, chính sách thuộc Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020; triển khai thực hiện Luật NSNN năm 2015, Luật Kế toán Nhà nước năm 2015 và các Luật mới ban hành khác có liên quan; tập trung triển khai các nội dung công việc để thực hiện chức năng quản lý ngân quỹ, tổng kế toán nhà nước.
Tiếp tục ứng dụng có hiệu quả CNTT vào quy trình quản lý thu, chi NSNN nhằm đơn giản về TTHC, giảm thiểu thời gian và thủ tục cho người nộp thuế và các đơn vị sử dụng NSNN, như: Ứng dụng thông báo biện động số dư tài khoản; ứng dụng thông báo tiến độ xử lý hồ sơ cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư; Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của KBNN.
Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kế toán nhà nước công nghệ số đóng vai trò là hệ thống lõi trong kiến trúc tổng thể hệ thống CNTT KBNN giai đoạn 2021 – 2030; từ đó, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động cải cách, hiện đại hóa quy trình quản lý thu, chi NSNN qua KBNN; đồng thời, tạo điều kiện cho việc kế toán và lập báo cáo quyết toán NSNN, báo cáo tài chính nhà nước được đầy đủ và kịp thời.
Tiếp tục tổ chức KBNN cấp huyện theo khu vực và kiện toàn sắp xếp các phòng thuộc KBNN cấp tỉnh theo hướng cải cách hành chính, giảm đầu mối trung gian, giảm đơn vị làm công tác nội vụ, tăng cường vai trò trách nhiệm của cá nhân để hệ thống KBNN triển khai thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Quán triệt sâu rộng Quy định chế độ trách nhiệm, 10 điều kỷ luật của ngành và thực hiện cách giao tiếp, ứng xử văn minh trong hệ thống KBNN, từ đó xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, hết lòng, hết sức phục vụ người dân và doanh nghiệp./.