Tiếng rao gõ cửa
Từ thời khắc 24 giờ trở đi là lúc người dân làng Trung Hậu, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu (Nghệ An) nô nức toả đi khắp nơi bán “muối lộc”. Muối đặc biệt đắt hàng vào đêm giao thừa và sáng mồng 1 Tết. Khi ấy, muối không chỉ đơn thuần là gia vị, muối còn là lộc, là nơi gửi gắm những mong ước về một năm mới mặn nồng, ấm no. Nhu cầu cao nên người làng Trung Hậu huy động tối đa các thành viên trong gia đình đi bán muối vào đêm giao thừa. Tiếng rao mộc mạc gõ cửa từng nhà, cầu mong một năm vạn sự an lành, tinh khôi và đầy tài lộc.
Vẫn tiếng rao quen thuộc, vẫn hình bóng những chiếc xe đạp gióng ngang xỉn đen, những người bán muối rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm. Đêm 30 Tết, khi nhà nhà, người người quây quần bên nhau chờ đón thời khắc chuyển giao thì những người bán muối rong vẫn lặng lẽ mưu sinh. “Làm cả năm không bằng bán dăm ngày Tết”, bà Hồ Thị Huệ (55 tuổi) thồ muối bán dạo đêm giao thừa, hớn hở.
Bà Huệ là một trong những người có thâm niên bán muối rong lâu nhất ở làng Trung Hậu. Hơn 40 năm trong nghề, bà cho biết đã nếm đủ “gia vị cuộc sống”. Bà kể, trước đây, người dân mua muối tính bằng bơ, bằng bát. Đầu năm, bát muối đong phải đầy có ngọn để mong một năm mới đủ đầy, ăn nên làm ra. Muối bây giờ được cho vào các túi nhỏ màu đỏ đẹp mắt, càng thêm ý nghĩa cầu cho một năm với nhiều điều may mắn. Những túi muối mang đến cho người bán niềm vui về một năm bán buôn phát đạt, cũng là nơi người mua gửi gắm nhiều mong ước. “Mỗi chiếc túi chỉ cho vào một ít muối rồi bán với giá 10.000 đồng. Còn những túi đẹp hơn, cầu kỳ, bắt mắt hơn giá bán lên tới 20.000 đồng/túi. Ai cũng hồ hởi, phấn khởi mua túi muối lộc đầu năm lấy may”, bà Huệ tâm sự.
Nhiều năm trong nghề nên bà biết, đêm 30 Tết mọi người đổ ra công viên trung tâm ngắm pháo hoa, chờ đón khoảnh khắc thiêng liêng. Cả công viên chật kín người. Sau khi xem bắn pháo hoa xong, họ thường mua túi muối, bao diêm hay cành lộc để lấy may đầu năm. Chính vì đắt hàng nên dù đêm giao thừa, bà vẫn tranh thủ. Nhớ lại đêm 30 Tết năm ngoái, bà mua 10kg muối đong vào gần 200 túi nhỏ.Không cần chèo kéo khách,bà vẫn bán hết sạch. Chỉ trong một buổi tối bà kiếm được gần ba triệu đồng, số tiền này bằng cả tháng bà đi bán muối dạo. Cứ thế, bán đến khi vắng khách, lúc trở về nhà gà đã gáy sang canh. Vui vẻ với số tiền kiếm được, bao mệt mỏi, lạnh tê tái da thịt cũng tan biến hết.“Trời mùa đông giá rét, khi người người, nhà nhà quây quần bên gia đình để đón năm mới thì những người đi bán muối rong mưu sinh như chúng tôi lại tất tả gánh muối đi bán, đôi tay buốt lạnh, đôi chân tê cứng. Tuy vất vả, nhưng không thấy buồn, ngược lại còn cảm thấy vui và hạnh phúc vì mình đang mang bán “vận may” cho mọi người”, bà Huệ nói.
Một năm làm muối vất vả, mưu sinh đêm giao thừa đối với những diêm dân như bà Huệ lại là một niềm vui hiếm có. Bà bảo, muối là mặt hàng có giá rẻ nhất, nên hầu như chẳng bao giờ người mua mặc cả, nhất lại là trong khoảng khắc giao thừa. Ngày thường, trên chiếc xe đạp “cổ lỗ sĩ”, bà thồ dăm bảy yến muối, rao bán cả ngày và trở về với giọng khàn đặc. Nhưng những dịp này, xe muối khi nào cũng hết nhẵn. Có lẽ vì vậy mà làng Trung Hậu quê bà có đến hàng trăm người đi bán muối dạo, từ già đến trẻ, từ phụ nữ đến đàn ông đều đi bán muối vào đêm cuối năm.
Đối với những phận đời hành nghề bán muối rong, quảy gánh đầu năm, bán dăm ba yến muối là cái thông lệ lấy may cho một năm làm ăn suôn sẻ. So với làm muối trên đồng, gánh muối bán rong đỡ mệt hơn nhiều. Bà Huệ bồi hồi nhớ về những tháng ngày vất vả ngược xuôi bán muối: “Ngày chưa có xe đạp, phải gánh muối nặng hai vai, thời đó, cuộc sống khốn khó nên ai cũng phải xoay xở đủ nghề để kiếm bát gạo nuôi con. Một tháng đủ 30 ngày gánh muối đi rao bán khắp vùng. Nhớ những năm Tết trời mưa, rét mướt, áo quần ướt nhẹm, choàng tấm ni lông nhỏ che cả người cả muối. Có những khi, chỉ vì một cơn mưa bất chợt, không trùm ni lông cẩn thận, muối chảy tan ra hết. Dịp Tết đắt hàng, có khi tôi gánh đến 60-70 cân muối. Gánh muối nhiều rách cả áo, sờn cả vai nhưng có lãi nên cũng ham”.
Trước đây xã Diễn Vạn có gần 400 hộ làm nghề muối, thì mỗi hộ đều có ít nhất một người theo nghề bán muối rong, phần lớn là phụ nữ. Sống bằng nghề muối, nhưng nay muối vẫn không nuôi được họ vì giá quá rẻ và mỗi năm chỉ làm được 4 tháng.
Giờ làng chỉ còn chừng bốn năm chục hộ làm nghề. Tuy vậy, mỗi dịp Tết, cả làng lại nô nức đi bán muối vì đây là thời điểm đắt hàng, vui vẻ nhất trong năm. “Chúng tôi đi bán muối đầu năm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình, cũng là để góp phần giữ gìn phong tục truyền thống của người dân nơi đây”, người phụ nữ U60 này bộc bạch.
“Đầu năm mua muối” đã trở thành phong tục truyền thống của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Theo quan niệm của người xưa, muối là thứ mặn, chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Muối cũng là biểu tượng của tình cảm thắm thiết, mặn nồng, gắn kết, no ấm.