Tiếng kinh bất thường trên núi Sóc

Tiếng kinh bất thường trên núi Sóc
TP - Từ tinh mơ, nhiều xe khách vội vã chở những gương mặt trĩu nặng ưu tư hướng về Học viện Phật giáo Việt Nam (toạ lạc tại Sóc Sơn-Hà Nội) nơi sẽ cầu siêu cho người thân của họ đã chết vì tai nạn giao thông.

> Cầu siêu thoát, thức tỉnh người sống

500 nhà sư tham gia cầu kinh. ảnh: Đình Thắng
500 nhà sư tham gia cầu kinh. ảnh: Đình Thắng.

Cả xóm rủ nhau đi cầu siêu

Dòng người lặng lẽ tiến vào khoảng sân rộng đã bày biện bàn thờ Phật. Họ thì thầm vào tai nhau lo ngại trời mưa, hỏng buổi lễ cầu siêu tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT.

Núi Sóc lúc này khuất hẳn trong sương mờ. Thế rồi, những tiếng kinh, lời kệ vang lên. Bóng áo cà sa vàng lẩn khuất xen mây mù. Tiếng “A di đà Phật” rộ lên một chặp.

Tiếng kinh cầu liên tục xen lẫn tiếng nhạc Phật. Những gương mặt người nhà nạn nhân và phật tử dần giãn ra. Ước chừng có 10 nghìn búp sen tay (chắp tay vái) của 10 nghìn khách hành hương khắp mọi miền tới cầu siêu. Ngay từ đầu lối vào có bàn ghi tên người nhà và tên người thân của họ đã tử vong vì TNGT.

Anh Lê Văn Yên (sinh năm 1967, quê xã Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên), không thuộc lời kinh nào, nhưng cũng lẩm nhẩm những lời khấn nôm cầu mong linh hồn bố anh được siêu thoát.

“Bố mình nguyên là lái xe cho Cty Lương thực Bắc Thái, tử vong từ năm 1979 tại Bắc Kạn trong một vụ tai nạn do xe sa lầy. Cả xã mình có 38 người thuê xe tới đây từ sáng sớm”, anh Yên nói.

Chị Hoàng Thị Canh chưa nguôi nỗi đau mất đứa con 20 tuổi. ảnh: Đình Thắng
Chị Hoàng Thị Canh chưa nguôi nỗi đau mất đứa con 20 tuổi. ảnh: Đình Thắng.

Tại một góc của biển người đang ngồi thiền cầu kinh, chị Hoàng Thị Canh (quê ở Yên Lãng, Thái Nguyên) đang cầu cho linh hồn đứa con hơn 20 tuổi mà chị vẫn gọi là bé bỏng: “Tối mồng 7 Tết, cháu nó dẫn người yêu về ra mắt bố mẹ. Ngày mồng 8 mới đi làm, vừa định bước lên xe buýt để về nhà thì một chiếc xe khách trờ tới. Mọi người thông báo với tôi là cháu nó bị thương đang nằm viện. Vét số tiền giành dụm, tôi mang đi nộp viện phí. Nộp xong, mọi người báo ra nhà xác để chuyển về nhà”.

Giờ chị Canh - một người nông dân chân chất không biết đúng sai thế nào, chỉ biết con mình thiệt phận, nhà xe gửi 30 triệu đồng mai táng. Cả xóm chị thuê 3 xe khách xuất phát từ 3 giờ sáng để kịp giờ cầu siêu.

Ông Nguyễn Thành Lương (gần 70 tuổi, ở Bình Giang, Hải Dương) đến cầu siêu cho cô cháu gái tử vong cách đây 4 năm.

Ông Lương kể, TNGT đã làm đảo lộn cuộc sống gia đình. Cháu gái ông chết năm 40 tuổi. Từ đó, mọi thứ buồn hiu hắt, thậm chí chẳng buồn làm ăn. Được nhà chùa thông báo, ông cùng nhiều người khác trong làng tìm đến đàn cầu siêu.

“Gần nhà tôi cũng có nhiều gia đình có thân nhân chết vì TNGT. Ai cũng có nỗi buồn âm ỉ”, ông Lương tâm sự.

Khác với mọi người, bà Nguyễn Thị Huyền (pháp danh Diệu Liên, ở đường Doãn Kế Thiện, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thân quyến đều bình an, nhưng vẫn tìm tới đây đều cầu cho các “vong linh siêu thoát tới Tây phương cực lạc. Có như vậy, các vong linh mới quay lại phù hộ cho các gia đình và xã hội không gặp phải TNGT nữa”.

Chị Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1971, ở Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng vậy. Nhà chị gần QL5, nhiều lần chứng kiến cảnh xe container đâm chết người nên bị ám ảnh. Thế rồi, chị và những người trong thôn rủ nhau thuê xe tìm đến cửa thiền cầu cho những gia đình khác.

Sẽ giảng kinh Phật, tuyên truyền ATGT tại chùa

Trong đại lễ cầu siêu có khoảng 500 nhà sư cùng tham gia đọc kinh từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối cùng ngày. Sau khi dâng hương, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, đây là một sự kiện đặc biệt, dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông; bày tỏ sự chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân.

 Một góc đàn cầu siêu. ảnh: Đình Thắng
Một góc đàn cầu siêu. ảnh: Đình Thắng.

Đại lễ cũng là một cơ hội nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè, các thành viên trong cộng đồng...?về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn.

“Chúng ta mong rằng, với sự gia hộ của mười phương chư Phật, cùng công đức trì niệm của hàng trăm tăng ni, tín đồ Phật tử và gia đình thân quyến tại trai đàn cầu siêu sẽ giúp cho hương linh những người không may bị tử nạn do TNGT siêu đăng Phật quốc. Cũng nhờ oai lực và đạo hạnh của chư Phật, chư tăng ni gia trì cho gia đình các nạn nhân đủ nghị lực nén đau thương, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội ngày thêm an lành, tốt đẹp” - ông Thăng nói.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ: “Đa số người chết vì TNGT là lực lượng lao động chính, trụ cột trong gia đình. Tới đây, các ngôi chùa trong cả nước sẽ lồng ghép việc giảng kinh phật, đạo pháp với tuyên truyền ATGT. Cả nước hiện có khoảng 10 triệu phật tử, chỉ cần mỗi phật tử tuyên truyền ATGT cho 2 người thôi sẽ có 30 triệu người thêm hiểu biết để bảo vệ mình khi tham gia giao thông”.

TP - Chiều 10-11, lãnh đạo Công an TP Đông Hà cho biết đã lên kế hoạch chọn các trường đóng trên địa bàn phức tạp về giao thông để phối hợp thực hiện, theo Chương trình xây dựng 1.000 cổng trường An toàn giao thông giữa Bộ Công an và T.Ư Đoàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG