> Sức lan tỏa của một chương trình khuyến học
Tại xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, sau tiếng kẻng từ khu nội trú của Trường THCS Châu Thôn vang lên, các em học sinh (chủ yếu dân tộc Thái, Mông, Khơ mú) liền tập trung vào các phòng học của trường. Không khí im phăng phắc.
Em làm bài tập môn Toán, em làm bài tập tiếng Anh, em soạn Văn...? Thỉnh thoảng, ngoài hành lang của dãy nhà thấp thoáng bóng dáng một số thầy, cô giáo (sống trong khu nội trú) đi đi lại lại để kiểm tra các em học bài.
Em Lò Bá Khư (học sinh lớp 8, người dân tộc Mông, trú ở xã Nậm Giải) cho biết, gia đình em cách trường học cả ngày đi bộ. Vì thế, vài tháng em mới về nhà một lần; lương thực và thực phẩm thỉnh thoảng được gia đình gửi ra.
Ngoài giờ lên lớp học bài, tối đến, Khư và nhóm bạn sống cùng khu nội trú kéo nhau lên lớp tự học. Nhiều hôm, các em được các thầy, cô giáo sống trong khu nội trú hướng dẫn học bài.
Bài học nào chưa hiểu, các em tìm đến tận phòng trọ thầy cô để được hướng dẫn. Vì thế, năm nào Khư cùng một số bạn học ở đây cũng đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.
Thầy giáo Lô Minh Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết Trường THCS Châu Thôn có trên 340 học sinh, phần lớn sống trong khu nội trú. Sau mỗi bữa cơm tối, tiếng kẻng vang lên, các em kéo nhau lên giảng đường để học bài. Nhà trường mở cửa lớp để các em tự học bài từ bảy giờ tối đến mười giờ khuya.
Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ (một trong những xã vùng biên ở huyện Quế Phong), cho biết, gần đây, phong trào khuyến học không chỉ được phát động trong khu nội trú của các trường cấp 1, cấp 2 mà còn được phát động tận trong các bản làng ở vùng biên.