Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của cuốn truyện ký, TS Cù Thu Hương cho biết, sau Tết Nguyên đán 2020, chị trở lại Paris (Pháp) – nơi sinh sống và làm việc hiện tại. Lúc này, dịch COVID-19 đã khởi phát ở Vũ Hán (Trung Quốc) và có những diễn biến phức tạp tại Châu Âu; tuy nhiên ở “kinh đô ánh sáng” thời điểm ấy người dân vẫn chưa ý thức được sự nguy hiểm của chủng virus mới mặc dù số ca tử vong và tốc độ lây nhiễm liên tục tăng; họ tỏ ra kì thị những ai đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh như chị.
TS Cù Thu Hương và nhà thơ Hữu Việt tại buổi giao lưu ra mắt “Paris +14”.
Nhận thấy tình hình nước sở tại không còn an toàn nên TS Cù Thu Hương quyết định trở về Việt Nam trên chuyến bay ngày 15/3 của Vietnam Airlines. Sau đó, chị được đưa đi cách ly 14 ngày theo quy định tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Những trải nghiệm đặc biệt của hành trình trở về, cách ly với nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn, lo lắng, thậm chí hoảng sợ trong đại dịch COVID-19 ở trên được TS Cù Thu Hương ghi lại bằng góc nhìn cá nhân và chia sẻ trên mạng xã hội. Điều bất ngờ là các bài viết của chị nhận được rất nhiều sự quan tâm; trong đó đông đảo bạn bè khuyến khích chị viết thành sách.
Theo TS Cù Thu Hương, “Paris + 14” là tác phẩm đầu tay của chị, sách bao gồm 12 phần: Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Thiên đường yêu thương, Sen bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Paris+14 = Hà Nội…Bên cạnh nội dung, cuốn truyện ký còn in kèm những tấm hình tư liệu do tác giả chụp trong 14 ngày thực hiện cách ly ở Sơn Tây.
Cù Thu Hương sinh năm 1963 trong một gia đình nhà giáo (bố là PGS, nhà giáo ưu tú Cù Đình Tú, mẹ là giảng viên Kinh tế chính trị tại Đại học Sư phạm TP.HCM). Năm 1981, chị du học ngành Tâm lý tổng hợp tại Đại học Tổng hợp Leningrad, Cộng hòa liên bang Nga. Sau khi tốt nghiệp, chị được giữ lại làm nghiên cứu sinh, nhận bằng tiến sĩ năm 1991. Hiện chị làm việc trong lĩnh vực thương mại thời trang, tư vấn tâm lý.