Tiến sĩ Alan Phan: "BĐS đổ vỡ...chẳng sao cả"!?

Tiến sĩ Alan Phan: "BĐS đổ vỡ...chẳng sao cả"!?
TPO - Tiến sĩ Alan Phan đáp lại chất vấn của hội viên Câu lạc bộ Bất động sản (BĐS) Hà Nội bằng bức thư dài với mong muốn các nhà đầu tư hy sinh quyền lợi cá nhân và cho rằng BĐS có đổ vỡ cũng chẳng sao cả...

> 'Hãy để BĐS chết': 15 vấn đề chất vấn TS Alan Phan
> Dự cảm gói 30 nghìn tỷ đồng cho địa ốc

TS Alan Phan cho biết sẽ trả lời thẳng thắn từng vấn đề mà CLB BĐS Hà Nội “chất vấn”, đồng thời viết trên trang web cá nhân của mình rằng: “Mấy ngày nay, tôi phấn chấn hẳn ra. Ngoài sự đón tiếp nồng hậu của bạn bè khi ra Hà Nội, tôi còn vinh hạnh được Hiệp Hội Bất Động Sản chất vấn về bài viết “Nên để thị trường BĐS rơi tự do”. Hú hồn, các bạn này thì cũng chỉ có súng nước… như tôi thôi, nên hy vọng mọi người sẽ chứng kiến một cuộc tranh cãi tự do vô cùng thú vị …(quên, tôi lại dùng chữ tự do…dường như nhiều người ở đây dị ứng với danh từ này)… Bắt đầu với BĐS, biết đâu rồi đi đến một tranh luận khác về nợ xấu ngân hàng, một về con số thống kê, một về doanh nghiệp nhà nước, một về quản lý nợ công… chẳng mấy chốc, chúng ta hiểu được rất nhiều góc cạnh cho mỗi vấn đề, mỗi giải pháp…và từ đó, một thời kỳ phục hưng của “dân trí” có thể là cú hích cho phát triển bền vững và sáng tạo của nền kinh tế này".

Mở đầu thư, ông Alan Phan viết: “Dù chỉ mới nhận được 15 câu hỏi “chất vấn” của Quý Vị qua báo chí, tôi cũng xin phản hồi sớm vì sự mong đợi của rất nhiều đọc giả; cũng như để tỏ lòng tôn kính với “1,000 (?) đồng nghiệp” của tôi… Tôi không quen bị “chất vấn”, không phải là một cậu học trò phải thi trắc nghiệm, cũng không có “quyền lợi” hay “nghĩa vụ” gì trong tình huống này, nên xin phép được trả lời các bậc đàn anh theo phong cách của mình.”.

TS Alan Phan cho rằng, “Nhiều người trong Quý Vị biện bạch là giá BĐS cao ngất trời vì giá đất, giá nguyên vật liệu, chi phí hành chánh và bôi trơn…quá cao. Thật tình, lý giải này chỉ chứng tỏ tính chất làm ăn thiếu hiệu quả vì không biết những tính toán căn bản về đầu tư cho dự án; cũng như cho thấy yếu kém của các quyết định bầy đàn và chụp giựt.”. Và để giải quyết vấn đề, ông đặt lại bài toán huy động vốn trong dân: “Vốn trong dân tại Việt Nam được các nhà chuyên gia nước ngoài ước tính vào
khoảng 60 tỷ US dollars; và vốn từ Việt kiều và các nhà đầu tư ngoại có thể lên thêm khoảng 20 tỷ (các số liệu này có thể sai nhưng chúng ta sẽ không bao giờ tìm được một thống kê chính xác và chính thống về các con số nhậy cảm ở Việt Nam). Tuy nhiên, dù với con số nào, số tiền này cũng thừa đủ để giải quyết mọi hàng BĐS tồn kho.”

Tiến sĩ Alan Phan. Ảnh: Hoàng Lan (VnExpress)
Tiến sĩ Alan Phan. Ảnh: Hoàng Lan (VnExpress).


Không quên “mỉa mai” các DN BĐS trong nước, ông viết “Dĩ nhiên, tất cả bàn luận trên đây dựa trên quy luật thị trường. Nhiều bạn sẽ nói là nền kinh tế chúng ta có “định hướng xã hội” nên chánh phủ phải nhẩy vào can thiệp hay cứu trợ khi “con cái” gặp hoạn nạn. .. Bây giờ, vào nửa hiệp sau của trận bóng, các cầu thủ lại yêu cầu trọng tài áp dụng một luật chơi mới? Tính bất nhất này làm mọi biện luận của Quý Vị trở nên ngây ngô cùng ngạo mạn.”

Tiếp tục bảo vệ luận điểm “rơi tự do” của mình, ông Alan Phan cho rằng hệ quả khi BĐS đổ vỡ là… chẳng sao cả (?!). Giới BĐS đã “tự đặt cho mình một vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế chung” nhưng thực tế là “không có Mợ thì chợ vẫn đông” ; “Hiện tại, họ không đóng góp chút gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực không nhỏ.”. Và ông cho rằng: “Nếu nhìn từ định hướng CNXH, các doanh nhân và quan chức có liên hệ đến việc đầu cơ, thao túng và lèo lái dòng tiền đầu tư…để thổi phồng các bong bóng tài sản đều có thể bị kết tội dưới nhiều luật lệ. Hú hồn. May mà Quý Vị còn chữ “kinh tế thị trường” để mà núp bóng.”

Ông Alan Phan gọi những câu hỏi của giới BĐS đặt ra với mình là “con ngoáo ộp mà quý vị đem ra hù doạ” đồng thời khẳng định: “Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, một số lớn đã ngất ngư vì không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan…tại sân nhà hay sân người. Đổ lỗi cho tình hình BDS chỉ là một thủ thuật phát sinh từ thói quen lười biếng.”. Còn việc BĐS đổ vỡ dẫn đến tình trạng thất nghiệp, dân mất tiền gửi trong ngân hàng, ông Phan cũng cho đó là “chuyện nhỏ” và “Tỷ lệ mất mát cho những tài khoản trên 100 triệu VND tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ; vì các nhà đa triệu phú thường không ngu để mất tiền như Quý Vị tiên đoán. Họ có nhiều giải pháp sáng tạo hơn Quý Vị và nhà nước nhiều.”.

Tỏ ra “lo ngại” khi “bong bóng BĐS không nổ”, ông Alan Phan bình luận: “các ngân hàng thương mại Việt không đủ uy tín, thương hiệu, tầm cỡ, tính minh bạch hay khả năng quản trị để tiếp cận nguồn vốn nội hay ngoại (vẫn rất dồi dào)” và “Tệ hại nhất là khi tung tiền cứu nguy cho “bồ nhà”, chánh phủ sẽ gởi một thông điệp bào mòn mọi niềm tin còn sót lại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đó là: “mọi sai phạm lầm lẫn sẽ được che đậy và bảo vệ; và các quy luật của thị trường có quyền đi “nghỉ mát”
khi quyền lợi của các nhóm lợi ích bị xâm phạm”.”.

Và cuối cùng, trước khi đưa ra lời “động viên” và gửi gắm hy vọng với những “doanh nghiệp có thực lực”; ông Alan Phan cũng không quên “mắng khéo” Hiệp hội BĐS: “Tôi thực sự khâm phục khả năng lobby của Hiệp Hội BĐS và các thành viên. Tạo được một bong bóng khiến giá trị BDS lên đến 25 lần thu nhập trung bình của người dân là một thành tích đáng ghi vào kỷ lục Guinness. Tôi cũng tiên đoán là chánh phủ rồi cũng sẽ tung nhiều gói cứu trợ BĐS mặc cho sự can gián của nhiều chuyên gia và đa số người dân. So với Quý Vị, tiếng nói của chúng tôi không đủ trọng lượng để chánh phủ lưu tâm. Do đó, cuộc tranh cãi nên dừng lại ở đây để những người dân chưa có nhà không nên kỳ vọng vào một phép lạ trong tương lai gần.”

Tìm hiểu về phản ứng của giới BĐS về vấn đề này, trao đổi nhanh với lãnh đạo một doanh nghiệp thành viên của CLB BĐS Hà Nội, vị lãnh đạo này cho biết, đã đọc được thư trả lời của ông Alan Phan qua nguồn truyền thông. Ông chia sẻ rằng mình không hài lòng với cách trả lời mang tính “mỉa mai”, thiếu nghiêm túc, thiếu cơ sở khoa học của ông Alan Phan. “CLB BĐS Hà Nội đã đặt vấn đề rất mang tính cầu thị và mong muốn được chia sẻ; song ông Alan Phan đã tiếp cận vấn đề một cách vô trách nhiệm và có cách trả lời không những coi thường những người làm trong ngành BĐS mà còn coi thường nhiều người có trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng, hiện nay chúng ta không cần những chuyên gia và những phát ngôn vô trách nhiệm như thế!” – Vị lãnh đạo DN này bức xúc nói.

Được biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thông tư hướng dẫn việc cho vay ưu đãi với một số đối tượng để đầu tư, kinh doanh và mua, thuê nhà, một cách kích cầu của thị trường và hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp địa ốc cơ cấu lại và giải phóng hàng tồn kho. Kế hoạch này nằm trong chủ trương của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

PV

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG