Đây chính là nơi ngày 16-11-1953, số báo Tiền Phong đầu tiên ra đời, và cũng là nơi mà báo Tiền Phong làm việc cho đến tháng 10-1954, trước khi chuyển về thủ đô Hà Nội.
Tại xã Minh Thanh, Đoàn đã được lãnh đạo Đảng bộ, HĐND, UBND và Đoàn Thanh niên xã nồng nhiệt đón tiếp. Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn thay mặt báo nói lên những tình cảm tha thiết của cán bộ phóng viên đối với mảnh đất và con người nơi đã đùm bọc báo Tiền Phong trong những ngày trứng nước đầy khó khăn gian khổ.
Đặc biệt, nhà nhiếp ảnh Mai Nam, 82 tuổi - nguyên phóng viên báo Tiền Phong, một trong những người đã góp phần vào việc ra số báo đầu tiên 59 năm trước đã lên kể lại những kỷ niệm, những tên người, tên đất Minh Thanh đã trở thành một phần đời của ông.
Sự xúc động của một người lâu ngày mới trở lại một nơi gắn với những kỷ niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi khiến nhà nhiếp ảnh - phóng viên già nghẹn lời, rơi nước mắt.
Người của Tiền Phong nhiều thế hệ, trẻ và già đều xúc động quây quần quanh tấm bia kỷ niệm nơi ngày xưa đặt chiếc lán làm việc của báo Tiền Phong trên một ngọn đồi nhỏ tại Bản Dõn, xã Minh Thanh (cũng là nời T.Ư Đoàn Thanh niên cứu quốc đặt trụ sở).
Nhà nhiếp ảnh Mai Nam đã chỉ từng vị trí, đâu là lán của đồng chí Nguyễn Lam - Bí thư T.Ư Đoàn, đồng thời là người trực tiếp chỉ đạo báo khi ấy, đâu là lán của những người làm báo...
Cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong các thế hệ về thăm Bản Dõn. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Đoàn đã tặng 20 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng cho học sinh tiểu học gia đình nghèo vươn lên học giỏi của Minh Thanh, tặng Nhà văn hóa thanh thiếu nhi của xã 350 đầu sách, tạp chí, một số thùng sữa Ba Vì cho trường mẫu giáo của xã.
Nhân dịp này, báo Tiền Phong cũng đã trích kinh phí để Đoàn Thanh niên xã tu sửa lại Nhà văn hóa Thanh Thiếu nhi mà báo Tiền Phong giúp xây dựng mấy năm trước đây.
Sau khi nghe Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã Ma Triệu Phú thông báo tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, trong đó có việc hiện cấp tiểu học của xã còn 5 điểm lớp chưa tập trung về trường chính được do quá xa, hiện trạng các lớp còn chưa khang trang, chưa có công trình vệ sinh, nhà kho..., lãnh đạo báo Tiền Phong đã quyết định tại chỗ trích 50 triệu đồng từ quỹ hoạt động xã hội của báo đóng góp cho việc xây dựng các điểm lớp này.
Đoàn Thanh niên của báo cũng nhận cùng với Đoàn Thanh niên xã tiếp tục xây dựng Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi, nay cũng trở thành trụ sở làm việc của xã Đoàn khang trang hơn.
Chiều cùng ngày, Đoàn đã về Khu di tích An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trồng cây tại khu di tích.
Trưởng ban quản lý di tích An toàn khu Đồng Khắc Thọ (cũng là cộng tác viên thân thiết nhiêu chục năm của báo Tiền Phong ) và các cán bộ nhân viên của khu di tích đã dành cho đoàn những tình cảm đặc biệt và chương trình giao lưu chân tình, cảm động.
Đoàn đã đi thăm cây đa Tỉn Kheo - nơi Bác Hồ tập võ, đánh bóng chuyền; hành hương dọc suối Tỉn Kheo - nơi Bác câu cá và cũng là lối Bác xuống chiếc lán nơi Bộ Chính trị họp bàn mở hướng tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, dẫn tới chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đường dọc suối không dễ với nhiều lần vượt qua các chỗ lội đầy đá trơn, nhiều đoạn dốc, nhưng bên cạnh lớp trẻ hôm nay, những đôi chân của những cô bác thế hệ trước đã 70 - 80 tuổi vẫn hăm hở bước và vượt qua mọi trở ngại.