Tìm phương pháp tiên tiến chữa ung thư
Tốt nghiệp hệ Cử nhân tài năng khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) năm 2009, Đoàn Lê Hoàng Tân (SN 1987) tiếp tục tham gia chương trình hợp tác đào tạo tiến sĩ “Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử” giữa ĐHQG TPHCM và Đại học California-Los Angeles (Mỹ) và bảo vệ luận án thành công vào năm 2017.
Nhận thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn trên nhiều lĩnh vực cũng như muốn đào sâu nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu mới, Hoàng Tân quyết định tu nghiệp tại Đại học Kyoto, Nhật Bản theo chương trình nghiên cứu về công nghệ nano trong điều trị ung thư.
“Đây là lĩnh vực mới hoàn toàn với tôi. Tuy nhiên, nhờ tích lũy nền tảng về vật liệu trong quá trình học tiến sĩ trước đó, đồng thời xác định là cơ hội để nghiên cứu sâu hơn về vật liệu nano nên tôi quyết tâm theo đuổi”, Tân chia sẻ.
Đi sâu nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh, TS Đoàn Lê Hoàng Tân cho biết, trong một số trường hợp, các phương pháp điều trị ung thư truyền thống như hóa trị và xạ trị hiện nay không đạt được hiệu quả như mong đợi. Phương pháp điều trị hiện tại bị giới hạn bởi sự phân phối thuốc không hiệu quả trong cơ thể bệnh nhân, dẫn đến việc phải sử dụng liều lượng cao, giải hấp thuốc nhanh, dược động học không hiệu quả, dẫn đến tăng nguy cơ tác dụng phụ. Trong đó, dược chất (thuốc điều trị ung thư) khi được tiêm vào cơ thể sẽ lan khắp cơ thể, từ đó gây độc tính cho cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành, vô hình trung làm tình trạng bệnh thêm nặng.
Theo TS Tân, trong số nhiều kỹ thuật khác nhau được phát triển để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc, phương pháp điều trị bằng hạt nano nhận được nhiều sự quan tâm trong thời gian qua và đem lại kết quả tích cực.
TS Tân và nhóm nghiên cứu thiết kế, chế tạo vật liệu nano xốp có khả năng phân hủy sinh học để điều trị ung thư theo các bước. Đầu tiên là tải hệ dược chất kháng ung thư lên hạt nano, sau đó hạt nano dẫn truyền dược chất đến đúng tế bào ung thư/ khối u trong cơ thể bệnh nhân. Khi đến đúng khối u mục tiêu thì hạt nano sẽ giải phóng dược chất một cách có kiểm soát. Khi hoàn thành nhiệm vụ thì hạt nano sẽ tự phân hủy (rã ra) để không tồn dư trong cơ thể. Nhờ đó góp phần tăng hiệu quả sử dụng thuốc, giảm tác dụng phụ của thuốc, đồng thời giảm gánh nặng chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Theo TS Tân, phương pháp tiên tiến này đã được anh thử nghiệm thành công trên động vật và đã công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín. Nhóm của anh đang thử nghiệm trên người.
Mở ra hướng nghiên cứu mới
Trên con đường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vật liệu mới, TS Tân và cộng sự đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. “Khi không phân tích được các mẫu vật liệu, nhóm nghiên cứu liên hệ với các đối tác và trao đổi với họ để cùng đi tìm kết quả. Hoặc khi kết quả nghiên cứu không được như mong muốn, nhóm cũng ngồi lại bàn thảo và đôi khi mở ra một hướng nghiên cứu mới cho mình”, TS Tân chia sẻ.
Theo TS. Tân, nghiên cứu khoa học là quá trình thử và sai, nên phải làm đi làm lại, kiểm tra, đối chiếu kết quả nhiều lần. “Từ năm 2017, khi tham gia chương trình tôi có cơ hội trao đổi chuyên môn cùng các giáo sư hàng đầu thế giới, qua đó dần nắm vững kiến thức, công nghệ trên lĩnh vực công nghệ nano tiềm năng này. Sau khi học hỏi và trau dồi kiến thức từ các giáo sư trong quá trình học tập, nghiên cứu, hiện nay tôi và các giáo sư là đối tác bình đẳng trong nghiên cứu khoa học”, TS Tân nói.
Từ cái gốc là công nghệ vật liệu, TS Đoàn Lê Hoàng Tân dần phát triển thêm các lĩnh vực khác như chuyển hóa năng lượng hay vật liệu cảm biến được ứng dụng rộng rãi trong đời sống.
Không chỉ hợp tác nghiên cứu, đào tạo với các cơ sở trong nước, hiện Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử TPHCM nơi anh làm phó giám đốc tiếp tục hợp tác với mạng lưới các chuyên gia đầu ngành tại các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... trên các lĩnh vực: y sinh trong điều trị ung thư, chuyển hóa năng lượng, xử lý môi trường.
“Khi tham gia nghiên cứu chuyên sâu ở nước ngoài, tôi muốn trở về nước thành lập một nhóm nghiên cứu riêng. Mọi kết quả nghiên cứu, sự đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước đều đáng trân trọng, nhưng theo tôi làm ở Việt Nam sẽ có đóng góp trực tiếp hơn”.
TS Đoàn Lê Hoàng Tân,
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử TPHCM