Chính vì vậy, khi TTLT số 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế được áp dụng đã cho thấy mặt tích cực của sự thay đổi này. So sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 Sở Y tế.
Giá là yếu tố đánh giá thầu cuối cùng
Đến nay, các bệnh viện và các Sở Y tế trên toàn quốc đang triển khai áp dụng các quy định mới về đấu thầu. Qua đánh giá quá trình tổ chức thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện cũng như kết quả đấu thầu đã cho thấy sự ưu việt cũng như hiệu quả của các quy định mới. Trước hết, các thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu được cải cách, giảm thiểu tốn kém cho doanh nghiệp.
Trước đây mỗi kỳ đấu thầu, các nhà thầu khi dự thầu đều phải photocopy các giấy chứng nhận, giấy phép lưu hành… của các sản phẩm thuốc dự thầu, các chi phí này trùng lặp ở các gói thầu khác nhau dẫn tới doanh nghiệp tốn kém hàng chục triệu đồng ở mỗi kỳ đấu thầu.
Nay, với các quy định rõ ràng về thủ tục, hồ sơ, các tiêu chí xét thầu cùng với việc công bố các thông tin liên quan tới việc đấu thầu mua thuốc như: danh mục thuốc được cấp số đăng ký, danh mục các nhà máy sản xuất thuốc, danh mục các cơ sở, các thuốc vi phạm chất lượng thuốc… không chỉ
giảm thiểu tối đa giấy tờ hành chính các nhà thầu phải nộp để chứng minh các thông tin liên quan cho các gói thầu, tiết kiệm một lượng chi phí hành chính không nhỏ trong hoạt động đấu thầu mua thuốc của hệ thống y tế mà còn đảm bảo việc thực hiện thống nhất trong công tác đấu thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc tổ chức công tác đấu thầu thuốc.
Thực tế cho thấy, từ khi triển khai các quy định mới về đấu thầu thuốc, Hiệu quả kinh tế của các gói thầu đã được cải thiện rõ. Các bệnh viện đã tiết kiệm được khoảng 30% kinh phí tiền mua thuốc và đưa giá thuốc trúng thầu giữa các bệnh viện về sát mặt bằng chung (theo giá trúng thầu thấp nhất).
Báo cáo nhanh của một số Sở Y tế về trị giá trúng thầu theo quy định mới so với kế hoạch tương tự theo giá trúng thầu của năm trước cho biết kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm/tiết kiệm được khoảng 28 tỉ (~24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ (~20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm/tiết kiệm được khoảng 32 tỉ (~25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ (~ 31%).
Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế thêm một lần nữa khẳng định tính hợp lí của những quy định mới.So sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 Sở Y tế.
Một số nhóm thuốc cụ thể qua khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố đã có kết quả đấu thầu theo TTLT số 01 như: Levofloxacin 500mg/100mg năm 2012, các cơ sở mua 8 mặt hàng với 5,249 tỉ đồng/36.563 viên, năm 2013 mua 9 mặt hàng với 5,613 tỉ đồng/52.530 viên (tiết kiệm được 34,43% chi phí sử dụng); Kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) năm 2012 mua 8 mặt hàng với 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 mua 7 mặt hàng với 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15% chi phí sử dụng)…
Nếu tiếp tục thực hiện tốt các quy định mới trong đấu thầu thuốc sẽ đảm bảo công tác đấu thầu mua thuốc tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Luật đấu thầu và góp phần vào việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm y tế. Và, quan trọng hơn cả là thuốc đến tay bệnh nhân với giá cả hợp lí, không phải gánh thêm một khoản tiền lớn do các chi phí trung gian gây nên.
Thuốc giá rẻ nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng
Theo quy định cũ về đầu thầu thuốc, việc xây dựng hồ sơ mời thầu, các tiêu chí phân nhóm tiêu chuẩn chất lượng thuốc để đánh giá nhà thầu và sản phẩm dự thầu chưa được quy định rõ ràng nên do các cơ sở y tế tự xây dựng, do đó việc thực hiện và kết quả đấu thầu không thống nhất và có nhiều bất cập.
Đây là tồn tại lớn nhất đã được khắc phục tại Thông tư liên tịch 01, theo đó đã có quy định rõ ràng về tiêu chí phân nhóm thuốc căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà máy sản xuất (tiêu chuẩn GMP) và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, đồng thời Thông tư số 11 của Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ mời thầu mua thuốc để các cơ sở y tế áp dụng thống nhất với các tiêu chí xét thầu, chấm điểm rõ ràng, công khai, minh bạch qua đó đảm bảo sự cạnh tranh công bằng của các nhà thầu để lựa chọn ra sản phẩm với chất lượng đảm bảo và chi phí hợp lý nhất.
Trao đổi với chúng tôi về dư luận thuốc trúng thầu theo quy định tại TTLT số 01 có chất lượng không đảm bảo, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho rằng: Thông tin này hoàn toàn không có cơ sở do không hiểu rõ về quy trình tổ chức đấu thầu cũng như việc quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh.
Việc mua sắm thuốc theo quy định tại TTLT số 01 và TT số 11 hoàn toàn tuân thủ các quy định chung tại Luật đấu thầu và các quy định pháp luật liên quan, theo đó đánh giá về giá thuốc dự thầu là tiêu chí cuối cùng để lựa chọn mặt hàng trúng thầu.
Theo quy trình đấu thầu mua thuốc, trước khi chuyển sang công đoạn đánh giá về giá, phải qua công đoạn đánh giá tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc đạt yêu cầu, cuối cùng việc lựa chọn mặt hàng trúng thầu theo quy định tại Luật đấu thầu là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất. Đặc biệt, các số liệu thống kê còn cho thấy, vẫn chính các mặt hàng thuốc trúng thầu năm 2013 đã được các BV phê duyệt trúng thầu và sử dụng trong năm 2012 với mức giá cao hơn nhiều nhưng không thấy đơn vị nào phản ánh về chất lượng. Nói cách khác, không phải các thuốc giá rẻ chất lượng thấp tràn vào BV nhiều hơn mà cơ bản vẫn là những loại thuốc đã trúng thầu các năm trước nhưng ở lần đấu thầu này tự giảm giá xuống.
Viêc áp dụng quy định tại TTLT số 01 đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế bước đầu đã khẳng định tính kịp thời của quy định cũng như hiệu quả của nó, mà bằng chứng là người bệnh được mua thuốc đúng với giá trị. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng cần hướng dẫn cụ thể và tăng cường giám sát các khâu trong đấu thầu tại các cơ sở y tế. Mới đây, sau buổi mở thầu mua thuốc của Bệnh viện Việt – Đức, đã có những thông tin về thuốc trúng thầu vào bệnh viện giá rẻ, chất lượng kém, không đáp ứng nhu cầu điều trị như : Thuốc rẻ, chất lượng kém vào bệnh viện?; dư luận đã có nhiều thông tin trái chiều.
Với tinh thần giải quyết kịp thời các vướng mắc của các cơ sở y tế trong quá trình triển khai thực hiện đấu thầu thuốc, ngày 6.9, Bộ Y tế có công văn 5547 /BYT- QLD yêu cầu lãnh đạo bệnh viện Việt Đức Cung cấp các bằng chứng khoa học về các thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng kém, không đáp ứng điều trị.
Công văn nêu rõ : Các bằng chứng khoa học cần căn cứ trên cơ sở tiêu chí, quy trình, phương pháp thực hiện và phân tích kết quả, cỡ mẫu nghiên cứu theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược tại văn bản số 11069/QLD-GT ngày 12/7/2013 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế về việc đảm bảo chất lượng thuốc trong công tác đấu thầu mua thuốc.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện làm rõ vai trò của Hội đồng thuốc và Điều trị của Bệnh viện và Chủ tịch Hội đồng trong việc lựa chọn thuốc để đảm bảo yêu cầu điều trị ở các cấp độ khác nhau căn cứ các nhóm thuốc theo quy định hiện hành về đấu thầu mua thuốc.