Vương lão đồng chí (áo trắng) với thanh niên tại Mông Đồng Văn năm 2000 Ảnh: Xuân Ba |
Ông là Vương lão đồng chí - cánh báo chí quen biết ông thường dùng cái tên thân mật như thế để mà gọi mặc dù ông không phải là đảng viên như phần đông các cán bộ lão thành cách mạng khác.
Danh hiệu lão đồng chí đối với ông chả phải là khó khăn chi lắm khi từ đầu những năm 50, ông là Chi đội trưởng Liên quân Việt Trung. Hay trước đó ông đã là Tiểu đoàn trưởng Bộ đội địa phương, đơn vị có phiên hiệu là D350 của Khu 10. Hay trước nữa, ông là Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Đồng Văn.
Chả từng phải vấp váp hay duyên do gì khác, chuyện ông không vào Đảng đơn giản là yêu cầu là quyết định của cách mạng trong từng thời kỳ. Mà những quyết định đó đối với ông cho đến những ngày cuối đời, ông thấy thanh thản chả hề thắc mắc ân hận này nọ.
So sánh là khập khiễng và tất nhiên là không nên, như trường hợp của cụ nhân sĩ Nguyễn Văn Tố hay một số vị khác hồi tham gia trong chính quyền non trẻ năm 1945, 46 các vị cứ ở ngoài đảng có lợi hơn cho cách mạng...
Hình như Bác Hồ sáng suốt đã quyết định như thế? Bác Hồ cũng đã biết ông, khi ấy là cậu bé rồi thanh niên choai choai được theo hầu cụ Vương Chí Thành trong những lần cụ về họp Quốc hội khóa đầu và khóa 2 ở Hà Nội. Vương Chí Thành là tên Bác Hồ đặt cho Vương Chí Sình với người con trai thứ 2 của Vua Mèo đầy thế lực ở đạo Bảo Lạc Vương Chính Đức khi kết nghĩa anh em với cụ Sình.
Hồi ấy, Vua Mèo Vương Chính Đức sớm nhận ra cái danh hờ chia để trị của chính phủ bảo hộ nên chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng mà ngấm ngầm sắm sửa vũ khí thành lập quân đội riêng. Đội quân đó của cụ đã trở thành lợi hại khi Nhật đảo chính Pháp.
Quân của Vương Chính Đức và Vương Chí Sình đã đánh cho Pháp chạy re kèn ở vùng cao Hà Giang. Đội quân ngay sau đó đã tình nguyện chịu sự lãnh đạo của Việt Minh và trở thành bộ đội địa phương Hà Giang nổi tiếng! Chí Sình cùng người cháu gọi mình bằng chú ruột Vương Quỳnh Sơn dường như đã nối được chí cha và ông nội rằng nước có yên thì làng bản mình mới ổn nên đã tự nguyện nhập vào ngôi nhà chung Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Vương Chí Thành tham gia khóa Quốc hội đầu tiên và khóa 2. Vương Quỳnh Sơn tận mắt được chứng kiến Lễ kết nghĩa anh em giữa Bác Hồ và ông chú ruột, lại đích mục sở thị việc Bác Hồ thân trao thanh kiếm báu do chính tay Người đề tám chữ trên nắp kiếm cho Vua Mèo Vương Chí Thành Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ.
Sau này, chàng trai Mèo Vương Quỳnh Sơn được phân công cắt cử nhiều việc. Sau khi tốt nghiệp trường Trung cao quân sự khóa VIII, từng là Trợ lý Quân khu Việt Bắc, Ủy viên thường trực khu hành chính Lào Cai- Yên Bái còn gọi là khu hành chính Lào – Yên rồi Ủy viên Khu Tự trị Việt Bắc, Thường trực Ban xây dựng thành phố Thái Nguyên vv...
Cũng cần nói thêm một chút thời điểm cao nguyên đá Đồng Văn xảy ra tình trạng bất ổn cuối những năm 50 đầu 60, ông Vương Quỳnh Sơn với vai trò trưởng một dòng họ Mèo nổi tiếng đã được trao nhiều việc trọng đã không quản hiểm nguy góp phần xuất sắc để bình ổn tình hình.
Khi đã có tuổi, ông liên tục nhiều năm ở cương vị Cố vấn cao cấp của Ủy ban Dân tộc Trung ương sau này là Ủy Ban Dân tộc và Miền núi. Với vốn tri thức khá rộng do nghị lực tự học hiếm có, lại thông thạo một số ngoại ngữ nhất là một số ngôn ngữ dân tộc anh em, trong cương vị chuyên viên cao cấp của mình, khi còn hoàn toàn khỏe mạnh cũng như khi tuổi đã cao sức đã yếu và cả khi đã nghỉ hưu, ông Vương Quỳnh Sơn liên tục có những chuyến công tác dài ngày ở những vùng cao vùng xa, vùng sâu, ông đã góp phần làm bình ổn tình hình ở những địa bàn nóng phức tạp về trật tự an ninh cũng như ở những nơi bọn xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc. Dài dòng mà cũng là vắn tắt chút lý lịch trích ngang của Vương lão đồng chí như thế...
Ông đã đưa tôi đến nhiều sự tình cờ thú vị. Lần ấy, đầu năm 90, viết mấy kỳ báo về hậu duệ Vua Mèo, tôi bất ngờ nhận được cái thư nhà văn Tô Hoài viết trên một trang vở học trò bé hơn khổ A4 gửi theo đường bưu điện nói ông đã đọc kỹ các kỳ báo và mách cho tôi một việc mà khi gặp ông sẽ nói...
Đó là lần đầu tôi gặp nhà văn Tô Hoài.
Mùa khô ráo năm 2000, nhân Vương lão đồng chí có chuyến leo cao nguyên đá Đồng Văn (lại biết thêm Vương lão đồng chí vốn rất quí mến tác giả Vợ Chồng A Phủ, nhà văn duy nhất ở nước Việt nói được tiếng Mông) tôi đánh bạo ngỏ với nhà văn Tô Hoài một chuyến theo Vương lão đồng chí. Cụ tiên chỉ vui vẻ đồng ý liền.
Cẩn thận hơn, tôi còn lấy được cái công văn có chữ ký của Chủ tịch Hội Nhà vănViệt Nam Hữu Thỉnh kính đề nghị ông Chủ nhiệm UBDT Miền núi (khi đó là ông Hoàng Đức Nghi, nay đã là người thiên cổ) tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chuyến du sơn của nhà văn Tô Hoài. Chuẩn bị khởi hành thì xảy ra một trục trặc đơn giản là đệ nhất (và là duy nhất) phu nhân của tiên chỉ Tô Hoài không cho ông cụ đăng sơn, khăng khăng rằng sức khỏe ông lão kém! Đành chịu vậy.
Lần ấy leo cao nguyên Đồng Văn không có nhà văn Tô Hoài, nhưng tôi được Vương lão đồng chí dẫn đến nhà người con gái nuôi của nhà văn ở Sà Phìn là cái bản chính Vương lão đồng chí đã cất tiếng khóc chào đời! Cô cán bộ người Mông xinh xẻo hồn nhiên của những năm tít xa từng quấn quýt thân thiết với những Tô Hoài Nguyễn Tuân... năm tôi gặp ấy đã hơi lụ khụ. Cứ đeo mãi trong tâm trí chất giọng rầu rầu của bà kể cái lần về Hà Nội, người cha nuôi Tô Hoài tặng con gái một chút tiền.
Dùng dắng mãi mà con gái không nhận, nhà văn Tô Hoài giọng nói như có nước mắt: Con gái à, đây là tiền viết văn viết sách của bố đấy không phải tiền tham nhũng đâu. Chuyến đi ấy cũng vỡ vạc ra kha khá những việc viết lách sau này các chuyến tôi lên tiếp Đồng Văn Mèo Vạc mà không phải bám theo Vương lão đồng chí.
... Trở lại chuyện mà nhà văn Tô Hoài hẹn trong lá thư là chi tiết xích mích hiềm khích giữa hai dòng họ Vương và Dương. Vương Chính Đức ở Đồng Văn và Dương Trung Nhân ở Mèo Vạc. Mối hiềm khích ấy từ đời nào chả rõ nhưng rất là lẩu lâu rồi. Có lần hai dòng họ thế lực ấy phải nói chuyện với nhau bằng súng. Từng bươn chải nhiều năm ở địa bàn Hà Giang nên nhà văn Tô Hoài khá rành chuyện ấy mà tôi lớp hậu sinh chả thể biết... Khi tôi hỏi Vương lão đồng chí thì ông cười mà rằng chuyện đó có thực... Rồi tôi được Vương lão cho coi một lá thư của một hậu duệ họ Dương tên là Dương Đạo từ nước ngoài gửi cho Vương lão. Người cháu trực hệ Dương Trung Nhân ấy đã bày tỏ mối cảm kích trước công sức nhiệt tình mà Vương lão qua nhiều năm nhằm hàn gắn mối hiềm khích ấy. Với tư cách trưởng một dòng họ Dương có quyền thay mặt cho cộng đồng họ Dương ở Hà Giang cũng như đang sinh sống ở nhiều nước, ông Dương Đạo cho Vương lão biết họ Dương đã nhất trí xóa bỏ mối hiềm khích cũ, tăng cường đoàn kết giữa hai dòng họ vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân!
Viết đến đây, tôi hơi giật thột bởi đang dậy lên niềm thương lẫn tiếc. Tiếc bởi lần ấy tôi đã quên khuấy đi chưa kịp hỏi chi tiết chuyện Vương lão đồng chí đi thăm Hoa Kỳ. Chính chuyến đi đó, Vương lão đã chủ động có cuộc gặp với đại diện dòng họ Dương ở nước ngoài và giữa họ đã đi đến sự đồng thuận sau này!
Cái nhớ tiếc ấy lại cộng thêm lần nhớ tiếc mới đây, đầu năm nay thôi, Vương lão đồng chí đã có cuộc đi dài ngày trên đất Mỹ theo lời mời của cộng đồng người Mông bên đó. Vương lão đồng chí đã hẹn với mấy anh em làm báo chúng tôi rằng ông sẽ kể chi tiết nhiều cuộc gặp trong đó có cuộc chuyện trò hơn một ngày với tướng phỉ Vàng Pao. Rằng Vàng Pao bây giờ đã là một ông già. Những nanh những vuốt râu ria mũ mão mà ai đó đã dựng đã vẽ nên bây giờ biến đâu mất hết?
Chi tiết tôi nhớ lâu hơn cả là trong cuộc gặp ấy, Vàng Pao đã hé lộ cái tâm sự của người già là muốn được chết trên mảnh đất người Mông ở đất Lào quê hương. Nếu phải nằm lại ở quê người đất khách thì sau này cũng muốn hài cốt được trở về nơi cố quận vv...
Những chuyện như thế mà kể ra chi tiết hầu độc giả thì cảm khoái biết bao. Nhưng bất đồ khối u quái ác trong phổi đã chặn đứng mọi nẻo đường thân mến giữa những người viết chúng tôi với Vương lão đồng chí!
Thôi xin Vương lão vui lòng nằm lại với đất lành Thủ đô một ít thời gian, con cháu rồi sẽ lại đưa ông về tiếp tục yên nghỉ đời đời trong phần mộ của tổ tiên dưới bóng Pơmu xanh rì rào muôn thuở của quê hương yêu dấu trên cao nguyên đá Sà Phìn!
Khi Lão đồng chí Vương Quỳnh Sơn lâm bệnh nặng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều vị lãnh đạo Đảng Nhà nước, Mặt trận và nhiều đoàn thể, bà con thân hữu xa gần khác đã thân đến tận nhà thăm hỏi động viên. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mới đây đã quyết định tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba cho Vương lão đồng chí. Các thày thuốc giỏi của Bệnh Viện Hữu Nghị đã tận tình chăm sóc ông. Ghi nhớ công lao mà Vương lão đã từng gian lao trong vai trò Chi đội trưởng Liên quân Việt Trung tiễu phỉ giữ yên khu vực biên giới hai nước thời điểm đầu những năm 50, Nhà nước CHND Trung Hoa thông qua chính quyền tỉnh Vân Nam cũng đã nhiệt tình mời ông sang chữa trị... Những điều ấy phần nào cũng nói lên sự quan tâm chu đáo và trân trọng những đóng góp không nhỏ của ông đối với sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân. |
Đêm 29-12-2008