Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Những nhóm cần trì hoãn tiêm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia y tế cho biết, thông qua việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở các quốc gia cho thấy, khi tiêm cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi các phản ứng xảy ra không có sự khác biệt nhiều so với trẻ từ 12-17 tuổi và người lớn. Tuy nhiên có một số đối tượng cần trì hoãn tiêm.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Những nhóm cần trì hoãn tiêm ảnh 1
Tiêm vắc xin cho trẻ để phòng COVID-19

TS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về trường hợp trẻ ở nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng, cần trì hoãn, thận trọng khi tiêm.

Cụ thể, nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 hoặc các thành phần của vắc xin. Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Theo đó, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… thì cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Chuyên gia này thông tin thêm, Hội đồng tư vấn đã đồng thuận đưa ra khuyến cáo với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh.

“Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc”, TS Ngãi nói.

Thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa).

Do đó Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ có MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lí này. Nếu trẻ đã có tình trạng viêm đa cơ quan sau COVID-19 thì phải được thăm khám, theo dõi tại cơ sở khám chữa bệnh để chắc chắn không còn biểu hiện lâm sàng; các bộ phận đều hồi phục hoàn toàn mới có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19

Hạ thấp dần độ tuổi khi tiêm cho trẻ

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ được tổ chức tại trường học và các cơ sở tiêm chủng cố định, tiêm lưu động.

Cụ thể, triển khai trước cho nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi (học lớp 6), sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo trường, theo địa bàn căn cứ vào tình hình dịch và số lượng vắc xin được cung ứng.

“Sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng; và tiếp tục theo dõi trong 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng trẻ phải luôn có người hỗ trợ, theo sát 24/24h, tránh vận động mạnh”, PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý.

Đồng quan điểm, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay: Cha mẹ, người thân phải theo dõi trẻ trong ít nhất 3 ngày sau tiêm, để sớm nhận ra các phản ứng, đặc biệt liên quan tim mạch, phản ứng phản vệ hay tình trạng tương tự viêm đa cơ quan như phát ban, tổn thương niêm mạc ( nếu có). Đây là các dấu hiệu sớm để cảnh giác khi trẻ tổn thương những cơ quan khác.

MỚI - NÓNG