Tiệm La Beauté & Style đã tạo nên lịch sử vào tháng Chín khi là tiệm đầu tiên của Ấn Độ do đàn ông chuyển giới điều hành. Chủ tiệm, anh Aryan Pasha, 30 tuổi, là luật sư, nhà hoạt động và là vận động viên thể hình nam chuyển giới đầu tiên của Ấn Độ. Anh mở thẩm mỹ viện để tạo ra một không gian nơi những người chuyển giới có thể cảm thấy thoải mái khi đi làm đẹp. Tất cả mọi người đều được chào đón, anh Pasha cho biết, không chỉ riêng cộng đồng LGBTQ+ (đồng tính, song tính và chuyển giới).
Điều quan trọng không kém là doanh nghiệp này sẽ tạo ra việc làm cho cộng đồng của anh, những người “vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử của xã hội trong trường học, tại nơi làm việc, bất chấp Đạo luật Bảo vệ Quyền lợi Người chuyển giới năm 2019,” anh nói.
“Trong đại dịch, thật đau lòng khi gặp những thanh niên chuyển giới được học hành đầy đủ và có tay nghề cao, nhưng bị từ chối việc làm do giới tính của họ. Họ sống sót nhờ các khoản quyên góp từ thiện, trong khi những người khác buộc phải trở về gia đình - nơi không chấp nhận họ”, anh Pasha nói.
Với sự giúp đỡ tài chính từ chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS và Quỹ Gravittus, một tổ chức từ thiện hoạt động vì sự thay đổi xã hội, anh Pasha đã thành lập thẩm mỹ viện cùng với bạn đời của mình, bà Laxmi Narayan Tripathi, 43 tuổi. Bà Tripathi đã hoạt động vì người chuyển giới từ năm 1999. Thông qua tổ chức từ thiện của họ, cặp đôi tập trung vào việc nâng cao nhận thức, cũng như bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của những người trong cộng đồng LGBTQ+.
“Bất chấp hoạt động biểu tình của chúng tôi trong những năm qua về các vấn đề như phúc lợi, quyền và sức khỏe của người chuyển giới, nạn kỳ thị vẫn là một thách thức lớn” - anh Pasha, người đã phẫu thuật chuyển giới từ nữ sang nam vào năm 2011, cho biết.
Tại Le Beauté, sáu nhân viên mới được đào tạo kiếm được từ 100 Bảng đến 300 Bảng (khoảng 3 triệu đến 9 triệu VND một tháng), tùy thuộc vào trình độ chuyên môn và kỹ năng của họ. Thêm nhiều chuyên gia làm đẹp đang được đào tạo gần thành phố Mumbai. “Chúng tôi dự định mở tiệm tiếp theo của mình ở thành phố Pune, và cuối cùng là mở rộng ra phạm vi toàn quốc khi chúng tôi có thêm tài trợ”.
Bhanu Rajodiya, 25 tuổi, nói rằng anh đã rơi xuống điểm thấp nhất trong cuộc đời trước khi được Pasha tuyển dụng. “Tôi từng làm việc tại một nhà xuất khẩu ở Delhi và kiếm được khoảng 80 Bảng (2,5 triệu VND) một tháng, nhưng tôi đã bị mất việc khi đại dịch xảy ra. Gia đình quay lưng lại với tôi, nhưng thẩm mỹ viện đã chấp nhận tôi và tôi hiện có một công việc với thu nhập ổn định. Nó đã giúp tôi tìm lại bản thân mình”.
Một nhân viên khác, anh Nakshatra Rajput, người đã chuyển giới vào năm ngoái, từng làm việc ở Delhi với tư cách là trưởng nhóm nhưng đã bị mất việc khi ban quản lý phát hiện ra giới tính thật của anh. “Họ bắt đầu bắt lỗi tôi và môi trường làm việc trở nên quá bức bối đến nỗi tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài rời đi. Điều này xảy ra cho dù tôi đã minh bạch về giới tính của mình với bộ phận nhân sự khi tôi gia nhập. Họ đã thuê tôi vì kỹ năng của tôi, nhưng lại đuổi việc tôi tùy thích”, chàng trai 25 tuổi kể lại.
Anh Rajput nói thêm rằng mặc dù cha mẹ và bạn bè đã chấp nhận anh, nhưng môi trường làm việc Ấn Độ vẫn còn rất cổ hủ. “Sự phân biệt đối xử thực sự gây đau đớn. Sau khi rời công ty đầu tiên của mình, tôi đã gia nhập một công ty khác nhưng cũng phải sớm từ bỏ trong vài ngày chỉ vì giới tính của mình”, anh nói.
Tuy nhiên, anh Rajput rất vui khi La Beauté đã mở cửa đón chào anh, và gần đây đã đưa anh trở thành một phần của đội ngũ quản lý tiệm. “Tôi không còn phải ẩn sau một danh tính khác để làm công việc của mình. Cảm giác thật sự rất tự do. Và đó cũng là điều mà xã hội nên hướng tới - hòa nhập và đa dạng”, anh nói một cách tự hào khi chỉ tay về phía những bức tường bảy sắc cầu vồng của thẩm mỹ viện.