Nguy cơ tổn thương kéo dài
TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng phía Bắc cho biết, trẻ 5 đến dưới 12 tuổi cũng tham gia vào chuỗi lây truyền COVID-19, vì vậy tiêm chủng là cần thiết, giúp cả xã hội sớm quay lại bình thường mới. “Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã làm việc mật thiết với Bệnh viện Nhi Trung ương cùng các Bệnh viện Nhi đồng và thấy rằng số lượng trẻ em mắc COVID đang tăng theo thời gian. Trước đó, các phụ huynh giữ gìn nên số lượng trẻ mắc không cao. Nhưng sau đó, số ca người lớn tăng rất nhanh kéo theo tỉ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca nặng ở trẻ không cao như người lớn, nhưng với trường hợp nặng, vẫn có các em diễn tiến nguy kịch và tử vong. Như vậy với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong không nhỏ”, ông Thái nói.
Ông cho biết, qua thời gian làm việc với các bệnh viện nhận thấy tỉ lệ mắc hội chứng hậu COVID-19, biến chứng bất lợi như viêm cơ tim không nhỏ. Các đối tượng này chưa được tiêm vắc xin. “Nhóm tuổi chưa có vắc xin, dù giữ gìn đến mấy, tỉ lệ biến chứng vẫn cao. Nguy cơ này lớn hơn vô cùng nhiều so với nguy cơ tiêm vắc xin. Chúng tôi chưa có phân tích cuối cùng về tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 ở Việt Nam, nhưng có nhiều trẻ nhiễm virus trong thời gian vừa rồi. Tại các bệnh viện nhi, số trẻ phải điều trị tích cực, điều trị kéo dài tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có hàng trăm trường hợp nặng, nhiều trẻ phải thở máy”, TS Thái nói. Số lượng trẻ trở thành F0 có thể tăng trong thời gian tới khi trẻ bắt đầu đi học trở lại, ông nhận định.
TS. Thái cho hay, trên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0, xuất hiện vấn đề là rất nhiều trẻ mắc COVID-19 có thời gian dương tính lâu. Điều này khác hẳn với người lớn, đặc biệt với người đã tiêm 3 mũi. Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày, phần lớn mọi người triệu chứng nhẹ nhàng, khỏi nhanh. “Nhưng trẻ em có nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, thời gian đào thải virus ở các trẻ này cũng rất lâu. Có trẻ 14-15 ngày vẫn còn dương tính”, TS Thái nói.
Những bằng chứng gần đây cho thấy tỉ lệ biến chứng nặng COVID-19 ở trẻ em không ở mức cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Tỉ lệ biến chứng nặng vẫn ở mức độ hết sức lo ngại, đặc biệt tình trạng viêm đa phủ tạng được ghi nhận thời gian qua, việc điều trị rất khó khăn. Ông Thái nhận định: “Tổn thương kéo dài liên quan đến sức khỏe của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho trẻ, gia đình và xã hội. Dù tỉ lệ này không cao so với người lớn cùng mắc COVID nhưng so với các bệnh khác vẫn cao”.
Cần thiết tiêm vắc xin cho trẻ em
Về phản ứng phụ của vắc xin đối với trẻ em, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay, vắc xin cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn nhóm người lớn nên nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Tỉ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy ở các quốc gia khi triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Nhưng những phản ứng khác như sốt, sưng đau tại chỗ, quấy khóc cũng có và thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. Những phản ứng này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể. “Điều này đã nằm trong tính toán. Việc điều chỉnh liều tiêm theo tuổi, cân nặng để có liều phù hợp để sinh được miễn dịch tối ưu nhất cũng đã được chuyên gia tính toán kĩ”, bà Hồng thông tin.
“Trẻ bị nhiễm COVID-19 cũng có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng ở tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Trẻ có các tình trạng bệnh lí tiềm ẩn có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 hơn so với trẻ em khỏe mạnh”.
TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc
Về khả năng sốc phản vệ khi tiêm vắc xin với nhóm trẻ này, TS Thái nói rằng, tỉ lệ phản vệ rất nhỏ có thể xảy ra, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với nhóm trẻ lớn và người lớn. Theo các chuyên gia, điều này khó tránh, vì nguyên tắc có chất lạ đưa vào thì cơ thể vẫn có phản ứng nhất định. “Phản ứng khác như choáng ngất, sốt cao kéo dài ghi nhận ở một số quốc gia song tỉ lệ này thấp, ví dụ ở Australia hoặc Israel. Đấy là lí do chúng tôi thấy rằng việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ nhỏ đang an toàn”, ông Thái nói. Theo ông, thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng virus khác nhau. Ở chủng Delta, tỉ lệ tái nhiễm là 1% và với chủng Omicron, số tái nhiễm cao hơn, trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm phòng dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm.
Ngoài ra, trẻ em trong độ tuổi đi học bị nhiễm bệnh có thể lây lan COVID-19 cho những người trong gia đình và trường học. Với nhiều trẻ em đã trở lại trường học và tham gia các hoạt động ngoại khóa, tiêm phòng COVID-19 là rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh tật nghiêm trọng, cũng như làm chậm sự lây lan của COVID-19. “Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cần sử dụng vắc xin. Nếu chúng ta hiểu sai về vắc xin, về bệnh, không bảo vệ được trẻ thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước. Các chuyên gia liên tục làm việc để nghiên cứu các ảnh hưởng của vắc xin đến trẻ, chúng ta đảm bảo rằng mũi tiêm cho trẻ sẽ an toàn và hiệu quả”, ông Thái nói.