Tích hợp nhiều loại giấy tờ vào căn cước công dân gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ công an, nhiều giấy tờ như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, đăng ký kinh doanh… sẽ được tích hợp vào thẻ căn cước công dân gắn chíp.

Cấp mã số cho 98 triệu người

Sáng 22/6, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết xây dựng, triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG); Dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân (CCCD) và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021.

Trước đó, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các dự án dữ liệu dân cư và dự án căn cước. Hai dự án này được Bộ Công an tập trung thực hiện và hiện cơ bản đã hoàn thành, sớm hơn so với kế hoạch một tháng.

Đây là hai dự án khác nhau nhưng được lực lượng công an lồng ghép tối đa, giúp giảm chi phí 1.000 tỷ đồng.

Tích hợp nhiều loại giấy tờ vào căn cước công dân gắn chíp ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thăm quan khu vực trưng bày của trung tâm nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD - Ảnh: Nhật Bắc

Trong đó, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế xây dựng theo mô hình tập trung gồm Trung tâm dữ liệu (DC) tại Hà Nội và Trung tâm dữ liệu dự phòng (DR) tại TP. Hồ Chí Minh bảo đảm hiện đại.

Công tác bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống được quan tâm chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế hệ thống, bảo đảm đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4; đường truyền và các phương án bảo mật đã được bố trí từ Trung ương đến cấp xã.

Hệ thống CSDLQG đã được kết nối thành công với các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Công an đã tiến hành chạy thử nghiệm kết nối tích hợp dịch vụ chia sẻ với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, UBND một số tỉnh thành; phối hợp với Văn phòng Chính phủ thử nghiệm kết nối các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia…

Tích hợp nhiều loại giấy tờ vào căn cước công dân gắn chíp ảnh 2

Mục tiêu của hệ thống Dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư và Căn cước công dân.

Cũng trong thời gian qua, công an cả nước đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành “làm sạch” dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp”, lực lượng công an đã thu thập và đồng bộ vào hệ thống hơn 98 triệu nhân khẩu, qua đó đã đồng loạt tiến hành cấp mã số định danh cho công dân trên toàn quốc vào ngày 18/6.

Về CCCD, lực lượng công an tiến hành thủ tục cấp thẻ theo hướng cải cách tối đa, góp phần tiết kiệm thời gian, công sức. Tính trung bình, thời gian thực hiện thủ tục cấp căn cước đối với 1 người dân khoảng từ 3 đến 5 phút.

Tính từ 1/3 đến nay, công an toàn quốc đã thu nhận được trên 54 triệu hồ sơ để cấp thẻ căn cước, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trước 1 tháng so với kế hoạch.

NTích hợp nhiều loại giấy tờ vào căn cước công dân gắn chíp ảnh 3
Những lợi ích của căn cước công dân gắp chíp.

Hai dự án hợp lòng dân

Cũng theo Bộ Công an, mục tiêu của CCCD trong ngắn hạn gồm tích hợp thẻ bảo hiểm y tế; lấy mã số thẻ CCCD làm mã số thuế cá nhân; sử dụng thẻ CCCD gắn chip để quẹt thẻ khi ra vào cơ quan hành chính; giúp người dân có chữ ký điện tử từ xa; tích hợp hộ chiếu trên thẻ CCCD gắn chip.

Về trung hạn, CCCD sẽ được tích hợp khai báo trực tuyến tạm trú tạm vắng; các loại giấy tờ như đăng ký kết hôn, bằng lái xe, đăng ký xe, bầu cử trực tuyến và trợ cấp xã hội. Về dài hạn, CCCD sẽ giúp đăng ký kinh doanh trực tuyến, nộp thuế từ xa và tích hợp ví điện tử để thanh toán mọi lúc, mọi nơi.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc công bố chính thức CSDLQG và CCCD đi vào hoạt động là điểm nhấn quan trọng, là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.

Thủ tướng chia sẻ thêm, đây cũng là một dự án đầu tư công quy mô lớn, khó khăn, phức tạp, tiến hành và đưa vào sử dụng hiệu quả trong thời gian ngắn, để lại bài học quý về khắc phục những hạn chế, bất cập trong đầu tư công, tránh dàn trải, tập trung, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ xứng đáng nhất trong lúc đất nước còn khó khăn, cùng với đó là việc lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.

Thủ tướng cũng nhắc tới sự vào cuộc, hưởng ứng của người dân cho thấy hai dự án hợp lòng dân” “nhiều người dân xếp hàng, thức đêm để làm căn cước công dân” – Thủ tướng cho biết.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân…” .

Ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” như tiêu chí mà Bộ Công an đã đặt ra, hệ thống CSDLQG về dân cư sẽ giúp các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội có dữ liệu gốc làm nền móng để triển khai những ứng dụng chuyên ngành thiết thực và phát triển những dữ liệu quan trọng khác trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Hệ thống CSDLQG về dân cư là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.


MỚI - NÓNG
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
Bất ngờ với bảng giá đất mới của TPHCM
TPO - Dự kiến, bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM sẽ được ban hành vào chiều ngày 16/10. Tuy nhiên, mức giá lại giảm mạnh so với trước kia. Chẳng hạn, đất thương mại dịch vụ tại đường Đồng khởi, quận 1 đang thu theo mức bình quân là 9 triệu đồng/m2/năm nhưng bảng giá đất mới là 5 triệu đồng/m2/năm.
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
Kịch bản mới nhất về tăng trưởng kinh tế năm nay
TPO - Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay có thể đạt mức tăng 7% như mục tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý một số rủi ro trong quý IV về cơ cấu tăng trưởng, nhu cầu thị trường thấp...