Thủy tai

Thủy tai
TP - Hôm qua (3-11), UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra đột xuất, phát hiện thủy điện Sông Ba Hạ không tuân thủ quy trình vận hành xả lũ do Thủ tướng ban hành. Đơn vị này đã xả lũ cường suất rất lớn (có thời điểm lên tới hơn 6.000 m3/giây) nhưng không báo cáo để chính quyền địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành, di dời dân.

 >> Xả lũ cường độ lớn, không báo trước

Không thể vin lý do quên báo cáo để đổ hết trách nhiệm cho thủy điện Sông Ba Hạ. Song, có thực tế là lũ lụt hoành hành từ trước đến nay ở nhiều nơi luôn gắn liền với việc xả lũ của các hồ, đập. Trong trận lũ đang diễn ra, hàng chục hồ chứa, hồ thủy điện lớn nhỏ ở Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận đồng loạt… xả tràn. Lưu lượng ấy kết hợp với những cơn mưa như trút đủ nhấn chìm khu vực hạ du, gây thiệt hại về người và tài sản.

So với lũ lụt ở các tỉnh Nam Trung bộ, ngập úng ở TPHCM là… muỗi. Vậy mà, mỗi khi triều cường đến hẹn, TPHCM lại lo ngay ngáy “tổ hợp bất lợi” (mưa lớn, triều cường kết hợp xả lũ) xuất hiện dù trên thượng nguồn chỉ có dăm ba hồ thủy điện như Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ... bởi thực tế TPHCM, Bình Dương đã từng bị vỡ bờ bao, ngập sâu nhiều nơi khi hồ Dầu Tiếng xả lũ trùng với thời điểm triều cường đang đạt đỉnh.

Không ai phủ nhận vai trò các hồ thủy điện đối với sự phát triển của nền kinh tế và sinh hoạt của hàng triệu hộ dân. Tuy nhiên, lâu nay các nhà máy thủy điện vẫn loay hoay trong cảnh bởi thực trạng: tích nước thì sông cạn kiệt, xả lũ thì ngập hạ du.

Một chuyên gia phòng chống lụt bão ở TPHCM cho rằng có bất cập trong công tác trị thủy. Nếu công tác dự báo và trách nhiệm của chủ nhân các hồ đập không yếu kém như hiện nay, tích nước và xả lũ đúng thời điểm thì sẽ khó xảy ra các thảm cảnh lũ lụt như vừa qua.

MỚI - NÓNG