Thủy điện xả nước, dân lòng hồ không có đường đi

Thủy điện xả nước, dân lòng hồ không có đường đi
TP - Thủy điện Bản Vẽ xả nước khiến mực nước lòng hồ rút xuống làm thay đổi dòng chảy, sông trơ đáy, người dân khu vực thượng nguồn đi lại rất khó khăn.

> Thủy điện xả nước, làng trôi

Việc đi lại bằng thuyền thượng nguồn Nậm Nơn khó khăn và rất nguy hiểm
Việc đi lại bằng thuyền thượng nguồn Nậm Nơn khó khăn và rất nguy hiểm.

Chị Vi Thị May (bản Piêng Mựn, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho hay: “Để đưa được khoảng 30 kg bí xanh xuống thị trấn Hòa Bình, hai mẹ con phải đi bộ từ Mai Sơn xuống tận bến Xốp Pe mới có thuyền để đi tiếp”.

Ngược phía thượng nguồn thủy điện Bản Vẽ, thời điểm tích nước là cả một vùng lòng hồ mênh mông, thuyền bè đi lại thuận tiện thì nay lòng hồ cạn nước trồi lên bùn đất ngổn ngang, lởm chởm bãi đá sắc nhọn. Đoạn tại bản Tổm có 5 chiếc thuyền bị lật khiến một số người bị thương.

Ông Lô Đại Duyên Chủ tịch xã nói: “Mai Sơn cách Trung tâm huyện khoảng 120 km, đường giao thông duy nhất là đường thủy trên dòng Nậm Nơn thuộc lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Hiện nay, đoạn qua xã Mai Sơn bị chia cắt, cô lập bà con 10 bản. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn vì không có đường giao thông”. Ông Duyên cho biết thêm, xã có trên 10 chiếc thuyền vận chuyển phải nằm trên cạn.

Mới đây Nhà nước hỗ trợ 12 tấn gạo cứu đói nhưng không thể vận chuyển được bằng thuyền, phải huy động 400 người vác gạo từ bến Xốp Pe đi dọc lòng hồ hơn 20 km lổn nhổn đá và bùn để về xã. Đã không ít người bị tai nạn như Ven Văn Quế, Ven Văn Đinh (xã Mai Sơn) bị ngã đập đầu vào đá khi cõng bí xanh xuống bến Xốp Pe.

Giao thông bị chia cắt, khó khăn đặt ra với Mai Sơn là hàng hoá nông sản làm ra hầu như không bán được, gồm 100 tấn bí, 80 tấn khoai sọ và hàng trăm tấn chuối xanh. Các giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn khi năm học mới sắp đến.

Xã có các công trình 30a phải dừng vì không thể vận chuyển nguyên vật liệu. Như công trình nhà cộng đồng bản Phá Kháo, trường tiểu học bản Piêng Mựn.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay: “Huyện sẽ có phương án đưa các thiết bị máy móc hỗ trợ tu sửa đường Tây Nghệ An cho bà con đi lại tạm thời”.

UBND tỉnh Nghệ An đã họp bàn biện pháp khắc phục tình trạng bồi lấp lòng sông gây cản trở giao thông đường thủy khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chỉ đạo Ban quản lý thủy điện II nạo vét những nơi bồi lắng phù sa, khơi thông dòng chảy, giúp người dân thượng nguồn sông Nậm Nơn thoát cảnh bị cô lập.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng giao thông bị chia cắt tại một số xã của huyện Tương Dương vẫn chưa được cải thiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG