Tại Đại hội cổ đông năm 2014 vừa qua, Hội đồng Quản trị Fideco cho biết quý IV năm ngoái, Công ty đã chuyển nhượng Fideco Tower cho Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục (Fidecoland JSC) do Fideco nắm gần 80% vốn, mang về 170 tỉ đồng.
Fideco Tower được xem là “nồi cơm” của Fideco với tỉ lệ lấp đầy lên đến 99,5% và đóng góp 101 tỉ đồng, chiếm đến 60% tổng doanh thu năm 2012 của công ty này. Do đó, việc chuyển nhượng chỉ với 170 tỉ đồng chắc chắn sẽ khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, câu chuyện lại hoàn toàn khác nếu xem xét diễn biến trước đó, bởi sau khi chuyển nhượng tòa nhà cho Fidecoland, Fideco cũng thoái toàn bộ vốn khỏi công ty này.
So với các thương vụ chuyển nhượng trước đây, đường đi của Fideco khá phức tạp. Ở Gemadept và Vingroup (trong thương vụ chuyển nhượng Gemadept Tower và Vincom Center A), thay vì chuyển nhượng tài sản, họ lập ra công ty con và góp vốn bằng chính tài sản định chuyển nhượng, sau đó bán công ty con. Bằng cách này, các công ty vẫn chuyển nhượng được tài sản muốn bán. Trong khi đó, Fideco lại chọn cách chuyển đổi loại hình công ty con, nâng vốn, cổ phần hóa, chuyển nhượng dự án, sau đó mới rút vốn.
Theo ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Công ty Tư vấn TNK Capital Partners, việc bán một công ty dễ hơn nhiều so với bán một tài sản. Với tài sản, sẽ rất khó để định lượng được sở hữu của các nhà đầu tư, nhưng với cổ phần thì rất dễ. Việc Fideco cổ phần hóa sau đó rút vốn cũng có thể do bên mua lại là nhiều tổ chức hoặc cá nhân. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư một khi họ muốn bán cổ phần.
Ông Dự cũng cho rằng có thể chủ đầu tư không muốn thông tin rộng rãi việc bán Fideco Tower, bởi việc rút vốn khỏi một công ty nào đó thường ít bị chú ý hơn là việc bán một tòa nhà.
Bỏ qua những động thái rắc rối liên quan đến thủ thuật tài chính, một câu hỏi mà bất kỳ người nào cũng quan tâm trong mua bán và sáp nhập (M&A) là giá của Fideco Tower.
Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông do Fideco công bố hồi tháng 11 năm ngoái khi thống nhất cùng Công ty Đầu tư Xây dựng Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Chơn Thành thoái vốn tại Fidecoland thì giá một cổ phiếu Fidecoland bán cho đối tác là 33.824 đồng. Do đó, với 17 triệu cổ phiếu của Fidecoland, Fideco Tower được định giá khoảng 575 tỉ đồng (khoảng 27 triệu USD).
Rõ ràng, việc chuyển nhượng số cổ phần ở Fidecoland đã mang lại lợi nhuận không nhỏ cho Fideco. Theo báo cáo tài chính quý IV/2013 của Fideco, việc thoái vốn khỏi Fidecoland đã đẩy lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng vọt, đạt hơn 355,5 tỉ đồng. Trừ đi chi phí phát sinh, Fideco ghi nhận lãi ròng quý này gấp 38 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 226 tỉ đồng. Nhờ đó, nâng lãi cả năm của Công ty lên 254,6 tỉ đồng, tăng 8,4 lần so với năm trước.
Giải thích với báo giới về lý do bán Fideco Tower bên lề Đại hội cổ đông, ông Trần Bảo Toàn, Tổng Giám đốc Fideco, cho rằng việc cho thuê văn phòng tại Fideco Tower dù đem lại doanh thu ổn định nhưng chỉ đạt tỉ suất sinh lời 7% trên vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, việc bán tòa nhà đem lại nguồn tiền lớn và nếu sử dụng nguồn tiền này để đầu tư tài chính, các thương vụ M&A, ông tin rằng mức tỉ suất sinh lời trên 15% là chuyện bình thường. Ông cho biết thêm hoạt động chính trong tương lai của Công ty sẽ là đầu tư tài chính và M&A.
Một câu hỏi cũng được nhiều người quan tâm là đối tác nhận chuyển nhượng tòa nhà Fideco Tower là ai. Mặc dù Fideco không tiết lộ, nhưng theo một nguồn tin của NCĐT, đó là một nhà đầu tư nước ngoài và họ cũng đã có một vài dự án ở trung tâm TP.HCM.
Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, những tài sản hiện hữu tại khu vực lõi của trung tâm thành phố, đặc biệt là dự án đã đi vào hoạt động có dòng tiền tốt, đang được các nhà đầu tư Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông quan tâm. “Sẽ có nhiều dự án trao tay nữa kiểu Fideco Tower sẽ được thực hiện trong năm nay”, ông nói.