Thường trực Ban Bí thư làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước
TPO - Ngày 18/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng đoàn công tác đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về hoạt động kiểm toán và vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công trong thời gian qua.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Tổng KTNN Nguyễn Quang Thành cho biết: Năm 2018, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 92.500 tỷ đồng, cao nhất trong 25 năm hoạt động của KTNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản pháp luật; chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 146 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Sáu tháng đầu năm 2019, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 37.513 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 19.105 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 31 hồ sơ và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Về phòng chống tham nhũng, năm 2018, ngoài tăng thu cho NSNN, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 160 văn bản; cung cấp 146 BCKT và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng. Đặc biệt, qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chuyển hồ sơ 05 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, gồm:

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, gây thất thu NSNN 55,9 tỷ đồng.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty MTV Dệt 19/5 Hà Nội trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách 22 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án không phản ánh trung thực số liệu phát sinh 1.626,1 tỷ đồng trên tài khoản theo quy định, tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế tỉnh Bình Dương trong việc lựa chọn hình thức mua sắm trực tiếp không qua đấu thầu rộng rãi đối với 02 gói thầu mua sắm thuốc cho năm 2017 với giá trị 679,1 tỷ đồng trái quy định.

Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông có dấu hiệu vi phạm pháp luật, giá trị khối lượng nghiệm thu thanh toán vượt so với thực tế thi công 7,4 tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2019, KTNN kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân; cung cấp 31 BCKT và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, KTNN đã chuyển hồ sơ 02 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật qua kết quả kiểm toán tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Vụ việc Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có dấu hiệu lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa giữa Công ty mẹ và Công ty con để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn ngân hàng nhằm đảo nợ các khoản vay sử dụng cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 342,7 tỷ đồng.

Vụ việc Công ty TNHH xây dựng Phúc Hưng có dấu hiệu làm giả hồ sơ vay vốn để được giải ngân và sử dụng vốn vay cho mục đích khác dẫn đến không trả được nợ gốc và lãi vay đến 30/4/2019 là 32 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có hàng trăm văn bản được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ theo kiến nghị của KTNN; các kiến nghị trách nhiệm, tập thể cá nhân phần lớn đã được các đơn vị thực hiện nghiêm túc... qua đó góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, PCTN, đặc biệt góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong tiến trình phát triển của đất nước.

MỚI - NÓNG