Ra ngõ “đụng” siêu thị
Đoạn đường từ An Dương Vương đến chung cư Lê Thành (phường An Lạc, quận Bình Tân) chỉ dài khoảng 1 km song đã có hơn 6 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, gồm 3 cửa hàng Bách hóa Xanh, 1 siêu thị Satra Food, 1 siêu thị Co.op Food và 1 cửa hàng của San Hà. Đi chếch xuống thêm 500 m nữa có thêm Co.op Food ở chung cư Trương Đình Hội (phường 16, quận 8)…Đó là chưa kể những cửa hàng tiện lợi có quy mô nhỏ của những thương hiệu khác.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (41 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, đã đăng ký trở thành khách hàng thân thiết của hàng chục các thương hiệu bán lẻ đang kinh doanh tại TPHCM. “Xung quanh nhà tôi, chỉ trong bán kính chưa đầy 500 m đã có tới 4 khu siêu thị lớn nhỏ. Nếu chỉ có nhu cầu mua thực phẩm thì chọn những siêu thị tiện lợi như Co.op Food. Muốn mua sắm, vui chơi có thể chọn AEON… Từ khi siêu thị nở rộ, giá cả các mặt hàng cũng cạnh tranh hơn. Chúng tôi có thể so sánh giá từng cửa hàng. Nơi nào có nhiều ưu đãi, khuyến mãi hơn thì mình sẽ chọn mua sắm nơi đó” - chị Hà cho biết.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi có quy mô nhỏ không chỉ len lỏi trong ngõ nhỏ, phố nhỏ mà còn được mở ở khu vực có đông công nhân, nhà máy xí nghiệp. Nhiều thương hiệu bán lẻ còn mở cửa hàng ở những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa, khu có đông người lao động nhập cư, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá phải chăng.
Theo ông Peter Christou, Giám đốc thương mại Worldpanel Division Vietnam (thuộc Tập đoàn Kantar chuyên nghiên cứu về thị trường), để người tiêu dùng mua sắm tiện ích hơn, những điểm bán phải tự làm mới mình. Đó là tăng tốc chuyển đổi số, tăng phạm vi tiếp cận khách hàng trên kênh mạng xã hội, trang web; giúp người tiêu dùng có thể đặt hàng trực tuyến. Các điểm bán cũng cần hợp tác với bên thứ ba để có dịch vụ giao hàng nhanh hơn.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, tùy theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của từng khu vực dân cư, mỗi cửa hàng Co.op Food sẽ linh hoạt chọn lọc 8.000-10.000 mặt hàng trong danh mục hơn 30.000 mặt hàng của các siêu thị, đại siêu thị thuộc Saigon Co.op để phục vụ người dân. AEON thì cho biết, đang tập trung phát triển chuỗi siêu thị vừa và nhỏ phục vụ khách hàng tiện lợi nhất.
“Muốn tăng sức cạnh tranh, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hướng đến lợi ích tối ưu nhất cho khách hàng, cùng với việc lựa chọn địa điểm phù hợp” Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam
Còn theo ông chủ Thaco Trần Bá Dương, từ nay đến năm 2026, doanh nghiệp này dự kiến sẽ mở ít nhất 20 siêu thị Emart tại Việt Nam. Trước mắt, đơn vị này đang khẩn trương mở 2 siêu thị tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) và Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) trong tháng 10 và tháng 12/2022. Ông Trần Bá Dương cho biết thêm, sẽ đầu tư mạnh cho ứng dụng mua sắm trực tuyến đáp ứng nhu cầu mua sắm thay đổi của khách hàng sau dịch COVID-19.
Chợ truyền thống thức thời
Mặc dù là chợ bán sỉ chuyên cung cấp các mặt hàng từ bánh kẹo, quần áo, giày dép… chuyển đến các tỉnh nhưng gần đây, chợ Bình Tây đã thay đổi, bán lẻ cho khách với giá sỉ. Bà Ứng Thị Liên, Trưởng ngành hàng bánh kẹo, mứt chợ Bình Tây cho hay, khách mua sỉ hay lẻ đều được đáp ứng mọi yêu cầu. “Sức mua tại chợ còn chậm và thực tế không bằng so với lúc chưa có dịch bệnh COVID-19. Để giữ khách, đa số các ngành hàng đã chuyển sang bán sỉ và lẻ. Khách cần mua gì cũng có. Bạn hàng ở tỉnh không cần phải đến tận nơi mua như trước. Chỉ cần đặt hàng qua điện thoại, chúng tôi sẽ giao hàng tận nơi”, bà Liên nói.
Siêu thị tại TPHCM tích hợp nhiều chức năng, từ mua sắm trực tuyến, bán hàng tự động cho đến mô hình “một điểm đến”...theo nhu cầu khách hàng Ảnh: U.P |
Trung tâm thương mại An Đông Plaza (quận 5) đã được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị khang trang. Khách đến mua sắm cảm thấy thoải mái hơn khi chợ luôn sạch sẽ, máy lạnh mát rượi. Các tiểu thương luôn vui vẻ, thân thiện, không nâng giá, thậm chí có mặt hàng còn giảm để giữ khách.
Dù đầu tuần hay cuối tuần, chợ Bến Thành (quận 1) bây giờ luôn tấp nập du khách. Các quầy hàng trái cây, thực phẩm, quà lưu niệm… khách phải chờ đợi mới đến lượt vào chọn hàng, có nhân viên phục vụ. Nhiều đoàn du khách từ Ấn Độ, Anh, Pháp… thoải mái thưởng thức các món ăn tại chợ và tham quan mua sắm quần áo, túi xách. Tiểu thương bán hàng đúng giá. Nhiều nơi còn treo bảng giảm giá 5-15% để thu hút khách.
Ngày nào cũng vậy, chợ Bến Thành gần đây đều nhộn nhịp từ sáng đến chiều tối Ảnh: U.P |
Hơn một tháng qua, những người đến mua sắm khá bất ngờ vì chợ có thêm dịch vụ trông giữ xe giá rất “mềm”. Ông Nguyễn Vĩnh Hà, Đội trưởng Đội nghiệp vụ chợ Bến Thành cho biết, UBND quận 1 đã cấp giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè (phía bên chợ) đến hết năm 2022 để giữ xe máy cho khách có thu phí với giá 5.000 đồng/lượt.
Ông Đỗ Quốc Tiến, Phó Ban quản lý chợ Bình Thới (quận 11) cho biết, để người dân an tâm, Ban Quản lý chợ đã đăng ký thực hiện thí điểm chợ an toàn thực phẩm ở tất cả các ngành hàng tươi sống. Thực phẩm ở chợ đều có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng, khi có sự cố chỉ cần truy ngược lại từ người bán là biết hàng hóa được lấy ở đâu. “Chúng tôi thường xuyên tự lấy mẫu thực phẩm kiểm tra tại chỗ, tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu khi đưa sản phẩm đến tay khách hàng” - ông Tiến cho hay.
Theo Sở Công Thương TPHCM, quý II/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 292.097 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ. So với quý I/2022, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của thành phố đã tăng 10,5%.