>> Theo dõi toàn văn Bàn tròn trực tuyến tại đây
Phó TBT báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tặng hoa các vị khách mời. Ảnh : Hồng Vĩnh.. |
Mở đầu chương trình giao lưu trực tuyến, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu: Thế giới ngày càng toàn cầu hóa, trong khi nền kinh tế nước ta có định hướng xuất khẩu rõ rệt. Vì vậy, chương trình giao lưu trực tuyến hôm nay xuất phát từ việc xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thưa quý vị,
Hiện nay, khi vào siêu thị ở nước ngoài, chúng ta có thể thấy những mặt hàng của Việt Nam có thương hiệu nằm trên kệ, cùng với những hàng hóa của các nước khác. Ví dụ, khi tôi đến siêu thị ở Singapore, có thể dễ dàng tìm thấy cà phê Trung Nguyên của anh Đặng Lê Nguyên Vũ... Thương hiệu hàng Việt đã vươn ra thế giới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực vươn ra chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, như Viettel (ở Lào, Campuchia)...
Điều đó cho thấy, xây dựng thương hiệu toàn cầu không chỉ là vấn đề đặt ra mà đã và đang được triển khai trên thực tế.
Hôm nay, khách mời là những nhà nghiên cứu, lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, đang triển khai thương hiệu của hàng Việt cạnh tranh với nước ngoài. Các vị khách mời sẽ chia sẽ kinh nghiệm, mổ xẻ những vấn đề liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu toàn cầu.
Chúc chương trình trực tuyến thành công tốt đẹp.
Video Clip bàn tròn trực tuyến :
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Ban biên tập Tiền Phong Online :
Thưa quý vị, ngoài một số hiếm hoi thương hiệu, nhãn hàng Việt Nam có thể thấy trên thị trường quốc tế thì trên thực tế, rất nhiều sản phẩm "made in Vietnam", nhất là quần áo, giầy dép xuất hiện trong các siêu thị tại Mỹ, châu Âu... dưới nhãn hàng ngoại. Còn tại thị trường nội địa, hàng ngoại cũng tràn ngập. Việt Nam đã gia nhập WTO được 3 năm, quá trình toàn cầu hóa tạo ra nhiều cơ hội song sự cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt. Vậy hàng Việt chiếm lĩnh thị trường nội địa rồi ra thế giới bằng cách thức nào ?
Thưa ông Nguyễn Mạnh Cường, với tư cách là PCT kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN, xin ông nói rõ hơn về tính cần thiết của vấn đề xây dựng thương hiệu toàn cầu cho DN Sao Vàng đất Việt và tập đoàn kinh tế tư nhân ?
Ông Nguyễn Mạnh Cường, PCT Thường trực HỘi LHTN Việt Nam,
PCT thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, PCT thường trực Hội LHTN Việt Nam, PCT thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ VN :
Điều đầu tiên tôi cảm ơn báo Tiền Phong, các anh các chị của Hội Doanh nhân trẻ đã tích cực tham gia đóng tích cực cho sự phát triển của đất nước. Sau 7 năm triển khai giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (SVĐV) cho doanh nghiệp muốn có thương hiệu trong phạm vi quốc gia, sau đó chúng ta tiến lên hội nhập, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Năm 2003, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiến hành triển khai giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Sau 7 năm thực hiện, đã có 1127 thương hiệu và sản phẩm đoạt giải thưởng. Hầu hết các thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của đất nước đều đăng ký tham dự giải thưởng. Các thương hiệu, sản phẩm được trao giải đều mang tính tiêu biểu cho đất nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế, có uy tín cao trong xã hội.
Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh thương hiệu, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, đến nay đã nhiều doanh nghiệp Việt Nam tìm hướng đầu tư phát triển ra nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp sau khi nhận giải thưởng đã có tăng trưởng doanh thu 150 – 200%, mở rộng xuất khẩu và thâm nhập được vào nhiều thị trường mới tại nước ngoài.
Trong quá trình thực hiện giải thưởng, vấn đề đặt ra rất lớn đối với Hội Doanh nhân trẻ, là có những thương hiệu, sản phẩm rất tốt, rất uy tín, đoạt giải từ năm này qua năm khác. Từ đó, những thương hiệu, sản phẩm này đã có những bước phát triển rất tốt tại thị trường trong nước.
Song nếu chỉ có vậy, khi đã đạt đến một giới hạn nào đó thì SVĐV sẽ trở nên kém hấp dẫn, giá trị mà giải thưởng mang lại cho doanh nghiệp không còn như kì vọng ban đầu. Vậy, cần làm gì để nâng cao tính hấp dẫn của giải thưởng, làm gì để giúp các doanh nghiệp SVĐV có thể phát triển hơn nữa?
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận thấy cần thiết có những động thái không chỉ để hỗ trợ các doanh nghiệp SVĐV chiếm lĩnh thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài.
Đó là lý do mà chúng tôi đưa ra ý tưởng và đề xuất với Chính phủ về việc Xây dựng thương hiệu Việt Nam mang tầm toàn cầu cho các doanh nghiệp đoạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt. Trong thông báo số 315/ TB – VPCP ngày 29 tháng 10 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến cho phép Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan xây dựng đề án Thương hiệu Việt Nam mang tầm toàn cầu.
Hội đã thành lập một nhóm gồm các chuyên gia, các bộ ban ngành liên quan; Các chuyên gia thương hiệu hàng đầu trong nước và quốc tế; Các doanh nhân có nhiều kinh nghiệm về xây dựng thương hiệu, qua đó tập hợp tri thức trong nước, quốc tế, cùng những bài học thực tiễn của doanh nghiệp để xây dựng đề án có tính khả thi cao nhất
Hội cũng ý thức rất rõ việc tham vấn ý kiến rộng rãi của các giới trí thức, truyền thông, doanh nhân trong xã hội thông qua việc tổ chức các cuộc họp tư vấn cải tiến giải thưởng SVĐV, xây dựng những hội thảo chuyên đề về thương hiệu toàn cầu nhắm tới các doanh nghiệp đang tham gia giải thưởng, các doanh nghiêp đã đoạt giải thưởng, là thành viên câu lạc bộ SVĐV, lồng ghép với các chương trình Hội nghị Uỷ Ban Trung ương, các hội thảo về tập đoàn kinh tế tư nhân …
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Thưa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TGĐ Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, bằng những kinh nghiệm và thành công của chính mình, ông nghĩ thế nào về vấn đề xây dựng thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam ? Với xuất phát điểm của DN Việt Nam và cơ chế chính sách hiện nay, liệu có cơ hội nào cho họ vươn ra tầm toàn cầu ? Theo ông, để cafe Trung Nguyên trở thành một thương hiệu toàn cầu thực sự thì có cần sự hỗ trợ nào của nhà nước không ?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, TGĐ Công ty CP cà phê Trung Nguyên Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ : Theo tổng kết thế giới thì một thương hiệu của một nước đang phát triển hoặc mới phát triển muốn thành thương hiệu toàn cầu phải hội đủ 4 yếu tố:
- Thương hiệu đó phải là số 1 của quốc gia đó.
- Ngành của thương hiệu hoạt động phải là lợi thế so sánh của quốc gia so với thế giới.
- Khát khao của chính doanh nghiệp, đây là điều quan trọng nhất
- Có sự hậu thuẫn của chính phủ.
Quay lại với các doanh nghiệp VN, xét về năng lực cạnh tranh thì chúng ta thua TOÀN DIỆN. Chúng ta thua về thương hiệu, tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ,...
Do chúng ta mới có 20 năm sản xuất dịch vụ, hạ tầng cơ sở yếu kém – điểm xuất phát thấp. Nếu ta không định ra những nguyên tắc tiếp cận về nguồn lực thì khó có thể biến khát khao đó thành hiện thực.
Vì vậy để doanh nghiệp nội trực tiếp đối mặt với doanh nghiệp nước ngoài thì chúng ta chắc chắn thua. Phải có lý thuyết tiếp cận khác, kinh nghiệm của cuộc chiến tranh nhân dân là kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo. Như “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, “Lấy mưu, lấy thế thắng lực”...
Các bước đi đều phải đứng vững bằng 3 trục. Nhà nước – Người tiêu dùng – Doanh nghiệp. 3 trụ phải có sự tương tác chặt chẽ với nhau.
Thứ nhất, Về phía Nhà nước, cần có một loạt cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể. Như Bộ Công Thương đã chọn thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên nếu thương hiệu quốc gia chỉ được "dán nhãn" không thôi thì không thể cạnh tranh. Các thương hiệu đó cần phải được quan tâm đầu tư, nuôi dưỡng, có chính sách, hoạch định những bước đi, để thương hiệu Quốc gia có thể phát triển, đủ sức cạnh tranh.
Lấy VD như, chỉ riêng thương hiệu Nokia của Phần Lan hay cà phê Neslife... cũng có doanh thu gần bằng với GDP của Việt Nam.
Thứ hai, về người tiêu dùng, nếu họ không nhận thức và nuôi dưỡng chính đứa con của họ trong quyết định tiêu dùng của mình thì doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được. Vì Việt Nam hiện nay cũng đối diện với cạnh tranh toàn cầu, đương nhiên sản phẩm Việt, dịch vụ Việt phải đảm bảo về chất lượng, về giá, về dịch vụ phải tương đồng.
Thứ ba, Bản thân doanh nghiệp phải có quyết tâm, khát khao cao độ. Doanh nghiệp cần xác định đây là một cuộc chiến, doanh nghiệp đảm nhận sứ mệnh quốc gia, sẵn sàng vượt qua rất nhiều hàng rào, trong một rừng cạnh tranh khốc liệt. Doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, sáng tạo, tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường... để có thể cạnh tranh thành công.
Đối với cafe Trung Nguyên, tôi xin trao đổi thế này :
Hiện chúng tôi đã xác lập được chỗ đứng tương đối với 50 quốc gia, 13 văn phòng đại diện. Tuy nhiên sau 10 năm chúng tôi thấy cần phải định vị lại mình. Mời các chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới cùng với Trung Nguyên xem xét lại các chiến lược để chinh phục thế giới.
Chúng tôi phải trả lời một số câu hỏi then chốt sau:
- Sản phẩm chiến thắng của chúng tôi trên thị trường thế giới là gì ? Một nơi có quá nhiều các ông lớn đang ngự trị.
- Mô hình chiến thắng của chúng tôi là gì?
- Thế giới cần nghe câu chuyện gì từ chúng tôi?...
Hoạch định trên những cơ hội mà trước kia chúng ta chưa có như : chúng ta tiếp cận được vốn toàn cầu, nguồn nhân lực toàn cầu, thị trường toàn cầu, có điều kiện tiếp nhận với công nghệ tối ưu nhất, mới nhất.
Tuy nhiên chúng ta cần phải có một tư duy mới có lý thuyết riêng của mình, chứ không phải chạy theo các lý thuyết sẵn có của phương Tây. Cần biết mình biết người để tìm ra cơ may.
Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết để biến khát khao thành hiện thực.
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Xin tiếp tục chủ đề Xây dựng thương hiệu toàn cầu thú vị này đối với chính những người đang điều hành các doanh nghiệp. Xin mời ông Lê Vĩnh Sơn, TGĐ công ty cổ phần Sơn Hà và ông Nguyễn Trung Trường, GĐ chi nhánh miền Bắc của Cty cổ phần dây cáp điện Cadivi nêu quan điểm của mình ?
Ông Lê Vĩnh Sơn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Sơn Hà Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Lê Vĩnh Sơn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sơn Hà: Xin chia sẻ một số suy nghĩ của mình như sau:
Thứ nhất ở góc độ để xây dựng thương hiệu theo tôi đây là vấn đề khó. Làm sao làm tốt, có một thương hiệu trong nước đã khó. Doanh nghiệp ở Việt Nam không dễ để có thương hiệu được khẳng định trên thế giới. Chúng ta đang đi sau về vấn đề thương hiệu và để lọt vào một rừng thương hiệu của thế giới theo tôi là rất khó nhưng hoàn toàn làm được nó với các điều kiện như đặc thù của ngành nghề, bản thân quốc gia doanh nghiệp có sản phẩm có thế mạnh hay không?
Hôm qua tôi vừa có cuộc trao đổi với các lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp. Họ có hỏi tôi làm sao để tạo thương hiệu trong tình hình hiện nay. Ý của họ chỉ là hỏi tôi về làm sao xây dựng thương hiệu trong nước thôi chứ chưa phải là xây dựng thương hiệu toàn cầu, cũng đã là khó lắm rồi. Thương hiệu là phép tính cộng thương hiệu nhãn hiệu cộng với chất lượng sản phẩm mang lại.
Theo tôi, việc đặt ra mục tiêu đạt được thương hiệu đã là không đơn giản. Trong hàng vạn doanh nghiệp trên thương trường chỉ có vài chục doanh nghiệp có thể thành công được để thành thương hiệu lớn.
Trở lại vấn đề xây dựng thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp theo tôi đây là cuộc chơi lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các nhãn hiệu lớn trên khắp thế giới đã khẳng định mình từ rất lâu. Điều kì vọng của các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu toàn cầu là chúng ta chọn ra được vài doanh nghiệp để xây dựng đã là một điều đáng tự hào rồi.
Ví dụ, tại Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường năng động, họ có khắp nơi trên thế giới và họ gặt hái thành công từ doanh nghiệp quy mô nhỏ đến quy mô lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để tìm ra một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu và chúng ta hoàn toàn công nhận nó và sử dụng nó một cách quen thuộc thì chưa có.
Công ty Sơn Hà chúng tôi được biết đến nhiều từ sản phẩm bồn chứa nước. Gần đây chúng tôi có sản phẩm Thái dương năng, thiết bị nhà bếp cũng đã dần được khẳng định và đi đầu trong ngành của nó. Theo tôi, chúng ta đầu tư đầy đủ thì chúng ta sẽ thành công. Nhưng đầu tư vào cái gì thì cái đó phải mang tính khai phá.
Sản phẩm ống inox công nghiệp của Sơn Hà đang tiêu thụ chủ yếu ở gần 10 nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Nam Mỹ, Châu Âu, Đài Loan, Singapore. Gần đây nhất chúng tôi đấu thầu vào dự án ở Hồng Kông và chúng tôi đặt mục tiêu vào đó.
Trên mỗi ống thép không rỉ công nghiệp của Công ty Sơn Hà đều có ghi made in Việt Nam, trong giới thép, thì Sơn Hà có tiếng nhưng chưa chắc ở thị trường tiêu dùng thì mọi người có thể nhận thấy được vì đó là sản phẩm đặc thù trong giới mới biết được.
Ở Mỹ thấy sản phẩm của Sơn Hà thì họ ngạc nhiên vì Việt Nam là nước không phát triển liệu có tin được sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở Việt Nam không. Lúc đầu họ mua một ít thôi nhưng sau khi họ kiểm tra chất lượng tốt thì sau đó họ mua nhiều lên.
Tôi có bí quyết là, trong công ty Sơn Hà những người quản lí về kĩ thuật, người bán hàng quốc tế là người Đài Loan vì Đài Loan là nơi phát triển về thép không gỉ và sản phẩm về thép không gỉ. Những công ty sản xuất về ống thép không gỉ lớn của thế giới đều là công ty Đài Loan.
Để đạt thương hiệu cho doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp phải có cách đi khác nhau. Công ty Sơn Hà trước mắt vẫn tiêu thụ sản phẩm ở Mỹ sản ở 15 nước trên thế giới.
Câu chuyện về xây dựng thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp là câu chuyện rộng và chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của anh Đặng Lê Nguyên Vũ vừa trao đổi ở trên.
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Thưa ông Nguyễn Trung Trường - Giám đốc chi nhánh miền Bắc Cadivi, với tư cách là một doanh nghiệp, ông thấy những cơ hội và khó khăn nào cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu toàn cầu?
Ông Nguyễn Trung Trường, Giám đốc chi nhánh miền Bắc Cadivi Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Nguyễn Trung Trường - Giám đốc chi nhánh miền Bắc Cadivi :
Cơ hội và thách thức song song với vấn đề thương hiệu toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam; Chúng tôi luôn xác định trước tiên phải giữ vững sân nhà rồi sau đó mới tính chuyện sang sân người, Cadivi luôn đặt nền tảng phát triển Cty là chất lượng và giá cả hợp lý. Chúng tôi cũng cam kết đến cuối cùng về sản phẩm giao đến tay khách hàng với sự an tâm. Hiện nay ở Việt Nam có 140 nhà sản xuất dây cáp điện, cạnh tranh trong nước đã muôn vàn khó khăn. Ngoài ra còn có những cạnh tranh không lành mạnh, song song như vậy nhưng cũng phải tìm cơ hội xuất khẩu.
Thị trường nước ngoài nhiều nơi cực kén chọn chất lượng. Trong những năm tới, chúng tôi dự tính vươn xa, đầu tiên là khẳng định vị trí ở Việt Nam, Đông Nam Á rồi mới ra toàn cầu.
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Thưa ông Nguyễn Quốc Thịnh - Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương mại Hà Nội, với tư cách là một chuyên gia về thương hiệu, ông đánh giá thế nào về khả năng và cơ hội để các DN Việt Nam có thể xây dựng thành công thương hiệu quốc tế trong bối cảnh hiện nay ?
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương mại Hà Nội :
Thực tế để xây dựng thương hiệu toàn cầu là việc không dễ dàng. Nó có những điều kiện, cơ hội của nó. Tất nhiên nó cần sự tham vọng quyết liệt, cháy bỏng không ngừng của bản thân doanh nghiệp và sự hậu thuẫn của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; Các thương hiệu lớn trên thế giới đều có sự hậu thuẫn của Chính phủ trong thời gian dài. Tôi dám chắc nếu không có sự hậu thuẫn của Chính phủ thì 90% đến 99% doanh nghiệp không thể vươn tới mức toàn cầu.
Tuy nhiên, cái khó là trong WTO có ghi rõ mức độ hỗ trợ, chúng ta không thể đi trái với luật Quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn có cơ hội. Ngay từ bây giờ chúng ta phải có biện pháp kích thích lòng tự hào cho các doanh nghiệp. Quá trình là hàng chục, hàng trăm năm, nhưng chúng ta vẫn cần phải làm ngay.Nếu chúng ta ngồi đây mà nói cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt Nam, thì theo tôi là hơi chủ quan. Vì sao? Bởi vì, mỗi ngành hàng khác nhau sẽ có mức độ cạnh tranh khác nhau trên thị trường thế giới, và với đặc thù của từng doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất khác nhau. Không dễ gì nói cụ thể doanh nghiệp nào có thể vươn ra toàn cầu.
Tôi chỉ nghĩ rằng, cái cần nhất hiện nay là liên kết trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước, và các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đó là điều kiện để thành công! Nếu không liên kết, thì có khả năng chính chúng ta lại kéo chân nhau! Cần có lực hút giữa các doanh nhân trong nước, các doanh nhân người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, tôi đánh giá rất cao vai trò của các Hiệp hội, và của những giải thưởng như Sao vàng đất Việt.
Chương trình cấp độ quốc gia về thương hiệu không chỉ là gán nhãn cho doanh nghiệp! Mục đích là khơi dậy niềm tự hào, nâng cao năng lực xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt. Bước hai là chọn đối tác thích hợp, đủ tiềm lực chạy cùng chương trình.
Thế nhưng, sự hỗ trợ của các chương trình với doanh nghiệp hiện nay là rất mờ nhạt.
Với sự góp sức của các giải thưởng như Sao vàng đất Việt và một số giải khác, tôi hy vọng chúng ta có 1 hệ thống để chọn lựa, nuôi dưỡng những doanh nghiệp thích hợp để nó lớn dần lên.
Thương hiệu toàn cầu không phải sân chơi của số đông các doanh nghiệp, sự lựa chọn của nó là cực kỳ khắt khe. Chúng ta cần nghiên cứu, chọn lọc để có những thương hiệu toàn cầu.
Phải lưu ý một điều: một thương hiệu của một tập đoàn tư nhân sẵn sàng có thể bán cho một doanh nghiệp nước ngoài khác. Nên chăng, có chính sách đầu tư cho những thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Đây là cái rất quan trọng, cái mà không ai có thể bán được.
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Thưa Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sau khi lắng nghe các ý kiến đến từ lãnh đạo Hội LHTN Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ, chuyên gia thương hiệu, đặc biệt là ý kiến của một số DN tiêu biểu, chắc hẳn ông sẽ có nhiều điều muốn nói, nhất là vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách cho mục tiêu xây dựng thương hiệu toàn cầu cho DN Việt Nam?
TS. Nguyễn Quang A. Ảnh: Hồng Vĩnh
Tiến sĩ Nguyễn Quang A:Tôi xin cảm ơn quý vị đã cho tôi tham dự cuộc trực tuyến thú vị này. Nói thật, tôi là người ngoại đạo trong lĩnh vực này nhưng cũng xin có một số ý kiến tham gia.
Xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với sản phẩm dịch vụ, sự sáng tạo trong cách tổ chức, tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, sự sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Vì thế, chuyện có một môi trường để thúc đẩy sáng tạo rất cần thiết. Tuy nhiên, việc đòi hỏi nhà nước phải nuôi dưỡng, ưu ái một số doanh nghiệp, sẽ chỉ tạo ra những “thương hiệu chết yểu” mà thôi.
Nhà nước phải tạo ra môi trường cho tất cả các doanh nghiệp miễn là họ có sáng tạo để cuối cùng bán được nhiều hàng. Như vậy, cuối cùng vẫn phải nói đến năng lực của doanh nghiệp, tính sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp. Thiếu cái đó, các bạn có yêu cầu nhà nước chi cả trăm tỉ đồng để làm thương hiệu mạnh, thì theo tôi, cũng không thành công.
Hiện nay, có những thương hiệu chưa quá chục tuổi như facebook, iphone... Vấn đề là sáng tạo như thế nào?
Chúng ta hãy nhìn phim ảnh của Mỹ, cách tiếp thị, bán hàng của họ rất lạ và khéo. Không có sáng tạo, không có đổi mới, đừng có nói đến thương hiệu; đừng có nói chính phủ phải chọn ra năm, mười doanh nghiệp để nuôi dưỡng thương hiệu. Tôi nghĩ nhà nước nên tạo ra môi trường để khuyến khích sáng tạo, đổi mới, mới có thể tạo ra thương hiệu lớn.
Chúng ta đừng nghĩ rằng nó quá khó. Nếu chúng ta nghĩ phải làm ra cái gì đó trọn gói sẽ rất khó. Nhưng, doanh nghiệp có thể chỉ tham gia vào một khâu giá trị gia tăng của cả chuỗi cung, nếu làm tốt, nỗ lực, tính sáng tạo của doanh nghiệp sẽ quyết định 85% thành công.
Nhà báo Nguyễn Việt Hùng : Thưa ông Đăng Lê Nguyên Vũ, dường như quan điểm của TS Nguyễn Quang A về vai trò hỗ trợ của nhà nước trong vấn đề này có khác ông ? Vậy ý kiến của ông thế nào ?
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Ảnh: Hồng Vĩnh
Ông Đăng Lê Nguyên Vũ : Tôi tán thành về sự Đổi mới –Sáng tạo, điều đó quyết định quan trọng. Hãy tạo môi trường để các doanh nghiệp phát triển. Khi gặp trợ thủ của Bill Gate, tôi có nói: “Tôi nói thật với ông, nếu Bill Gate ở Việt Nam thì cùng lắm là bán Cafe như tôi là cùng”. Bởi vì, ở bên Mỹ các doanh nghiệp có một nền tảng để phát triển, có thị trường chứng khoán, bảo hiểm.
Tôi đề xuất giá trị cốt lõi của doanh nghiệp toàn cầu gồm 5 điểm sau : Thứ nhất , phải có khát vọng lớn. Vì văn hóa; Thứ hai, phải có tinh thần quốc gia dân tộc; Thứ ba, sáng tạo và đột phá; thứ tư, trang bị kỹ năng để thực thi đột phát; Thứ năm, tôn vinh giá trị.
Về tiếp cận lập thương hiệu: Tôi đồng ý với việc mở rộng việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng đối với các doanh nghiệp đạt SVĐV thì họ có một quá trình phát triển, nên họ là đại diện tiêu biểu.
Như anh Thịnh (đại học Thương Mại) phát biểu, ngoài việc gắn thương hiệu Quốc gia thì chúng ta chưa hề có sự hỗ trợ, giải pháp nào cụ thể nào cả.
Tôi cho rằng, ta tạo được môi trường chung, nhưng cũng cần phải nuôi dưỡng những hạt nhân có khát khao, có nền tảng. Giống như việc đi thi, khi đạt đủ tiêu chí để được hỗ trợ thì ai cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn, và không có sự bàn cãi, sự phân biệt.
Về thương hiệu, vào năm 2003 khi vận động việc đầu tư cho thương hiệu. Khi đưa vấn đề Thương hiệu ra Quốc hội, tôi còn nhớ giai đoạn đó còn nhầm lẫn giữa Nhãn hiệu và Thương hiệu. Sau nhiều năm chúng ta đi bước dài về nhận thức Thương hiệu.
Tuy nhiên, ngay hiện tại Thương hiệu Quốc gia vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng (!?), có bao nhiêu yếu tố cấu thành nó. Từng lĩnh vực, từ vấn đề nhà nước cho tới thị trường.
Nhân đây tôi cũng đề nghị, Hội Doanh nghiệp trẻ, cùng Bộ Công thương hành động quyết liệt để tiếp tục để làm rõ về thương hiệu quốc gia. Từ nhận thức cụ thể đi tới hành động.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi xin nói thêm để tránh hiểu nhầm, ý́ kiến của tôi là bổ sung cho ý kiến của anh Vũ và anh Hà : Cần có chính sách hỗ trợ của nhà nước, tuy nhiên, cũng phải xem xét nó trong quá trình.
Chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vươn ra thị trường thế giới rất cần thiết nhưng đó là hỗ trợ cho tất cả mọi người nếu đạt được tiêu chuẩn nhất định. Tôi không chọn ra một hai “ông” để đầu tư mà là đầu tư cho những người đủ tiêu chuẩn. Vì thế, không có sự mâu thuẫn giữa ý kiến của tôi và những người khác.
Nói về tập đoàn, tôi cũng phải nói rằng, tập đoàn không có tính pháp nhân. Vì thế, việc đặt ra nghị định này, nghị định kia là nhầm lẫn vì nếu có một nghị định riêng để thành lập tập đoàn thì những doanh nghiệp nhỏ sẽ bị văng ra ngoài và không có điều kiện vươn lên thành tập đoàn.
Ông Nguyễn Mạnh Cường : Thưa các anh, tôi thấy rất thú vị về cuộc giao lưu trực tuyến hôm nay. Câu chuyện này là câu chuyện bàn về nhà nước phát triển và nhà nước tự do, từ năm 1970 khi Hàn Quốc xây dựng thương hiệu quốc gia, nhà nước Hàn Quốc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nhanh chóng canh tranh với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng họ cũng có sự lựa chọn tương đối những doanh nghiệp mạnh nhất, thúc đẩy cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia.
Nên dung hòa giữa hai con đường cũ và mới của thương hiệu toàn cầu. Chúng ta đặt ra cơ chế, quá trình lựa chọn thương hiệu hàng đầu và thúc đẩy nó phát triển mạnh. Trong quá trình đó, DN nào không đáp ứng được tiêu chí sẽ bị loại.
Về góc độ Hội DNT, tôi nghĩ trong cách xây dựng thương hiệu toàn cầu, chúng tôi chỉ là cái cầu nối để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với cơ chế chính sách, giúp các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế.
Thương hiệu toàn cầu gắn với thương hiệu tư nhân, quá trình chuyển đổi còn nhiều khó khăn, không kỳ thị. Tập đoàn kinh tế tư nhân cần được bình đẳng tiếp cận với tài nguyên thiên nhiên. Hội là cầu nối với chính phủ, để có thể thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân, chúng tôi cùng với nhà nước, tạo ra điều kiện tốt hơn cho các DN hoạt động.
Hiện Hội DNT đang nghiên cứu một số mô hình, kinh nghiệm của các nước về vai trò nhà nước với doanh nghiệp, với thương hiệu quốc gia, thương hiệu toàn cầu, để từ đó có cơ sở khoa học trong việc xây dựng đề án thương hiệu toàn cầu và tập đoàn kinh tế tư nhân cho doanh nghiệp SVĐV.
Phần trả lời các câu hỏi trực tuyến của bạn đọc
- Sao Vàng Đất Việt là giải thưởng tôn vinh thương hiệu do Hội DNT VN tổ chức nhiều năm nay, các vị khách mời có thể đánh giá chất lượng và tính hiệu quả của giải thưởng đối với doanh nghiệp Việt Nam và công đồng xã hội. (Bùi Ngọc Anh, 33 tuổi, buithingocanh77@yahoo.com)
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch TT Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch TT kiêm tổng thư ký Hội DNT Việt Nam:
Theo thông báo số 315/TB – VPCP ngày 29/10/2009, Thủ tướng Chính phủ nguyễn Tấn Dũng, Sao Vàng Đất Việt là niềm tự hào của doanh nhân Việt Nam về sản phẩm , quy trình và phương pháp làm việc, hỗ trợ các doanh nghiệp trước, trong và sau giải thưởng theo định hướng khoa học và dân chủ.
Để đảm bảo chất lượng bình chọn, thành viên Hội đồng bình chọn giải thưởng là những thành viên có uy tín, tên tuổi và kinh nghiệm về các lĩnh vực, các ngành có doanh nghiệp tham gia.
Năm nay, Ban tổ chức còn mời đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Ban thi đua khen thưởng Trung ương, các chuyên gia kinh tế độc lập trong và ngoài nước, chuyên gia các ngành kinh tế, các lĩnh vực, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước…tham gia sâu và quá trình bình chọn và thẩm định các doanh nghiệp phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp thẩm định.
Ngoài chức năng thẩm định, các đoàn còn có nhiệm vụ tư vấn cho quá trình quản trị doanh nghiệp tư vấn xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp được thẩm định.
Đặc biệt, tiêu chí bình chọn TOP 10, TOP 100 Thương hiệu Việt Nam phải đảm bảo khoa học, công khai minh bạch. Năm nay , Hội đồng bình chọn sẽ quan tâm và ưu tiên tới các nhóm tiêu chí về ý tưởng sáng tạo, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam với thế giới, về mức độ đóng góp của doanh nghiệp vào GDP của địa phương, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.
Các thương hiệu thuộc TOP 10 phải là những đại diện tiêu biểu cho ngành, đảm bảo đầy đủ các chỉ số ưu tiên như: Tính minh bạch, doanh số, tỷ suất lợi nhuận, vốn sở hữu, tốc độ tăng trưởng doanh số, số lao động, mức đống góp ngân sách Nhà nước, đóng góp từ thiện xã hội và năng lực quản lý, khả năng kiểm soát rủi ro, đảm bảo tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.
- Các doanh nghiệp có thương hiệu đoạt giải Sao Vàng đất Việt sẽ có quyền lợi và nhận được sự hỗ trợ như thế nào từ phía Ban tổ chức (Nguyễn Thu Thủy, 34 tuổi, Định Công)
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch TT Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch TT kiêm tổng thư ký Hội DNT Việt Nam:
Nhằm mục tiêu xây dựng giải thưởng Sao Vàng Đất Việt (SVĐV) ngày càng chuyên nghiệp và hướng xây dựng giải thưởng trở thành thương hiệu toàn cầu gắn với tập đoàn kinh tế tư nhân, từ năm 2010, Ban tổ chức sẽ tập trung nâng cao quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Ngoài các quyền lợi thường niên như: Các doanh nghiệp đoạt giải thưởng sẽ được nhận Cúp Sao Vàng Đất Việt 2010 kèm theo danh hiệu TOP 10, TOP 100 hoặc TOP 200 thương hiệu Việt Nam; Bằng chứng nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt năm 2010, do UBTW Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNTVN) và Ủy Ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế cấp; Được quyền sử dụng , khai thác thương hiệu biểu trưng Giải SVĐV trong 1 năm kể từ ngày được nhận giải…
Các doanh nghiệp đoạt giải năm nay còn được tham gia giới thiệu, quảng bá thương hiệu trong các hoạt động truyền thông đại chúng được tổ chức tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước do Hội DNTVN tổ chức, tham gia gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ với 1000 doanh nhân trẻ tiêu biểu nhân Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, tham gia diễn đàn DNT ASEAN mở rộng được tổ chức tại Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp SVĐV 2010 sẽ là những hạt nhân quan trọng để TW Hội DNTVN đề xuất mô hình Tập đoàn kinh tế tư nhân, mô hình phát triển thương hiệu toàn cầu – Đề án đang được HDNTVN phối hợp với các bộ, ngành cơ quan liên quan nghiên cứu đễ xuất Chính phủ phê duyệt.
- Cơ hội cho DN SVĐV xây dựng được thương hiệu toàn cầu là gì? 2/chính sách nhà nước đóng vai trò như thế nào trong việc tạo dựng thương hiệu toàn cầu cho DN SVĐV? 3/Nếu bây giờ tôi khởi nghiệp với một quán cơm bình dân nhưng luôn nghĩ một ngày nào đó mình sẽ xây dựng được thương hiệu của mình ra với thế giới. Xin cho lời khuyên về việc đạt được mong ước này? (Hồ Phú Thịnh, 30 tuổi, phuthinh98k4@yahoo.com)
Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Giám đốc trung tâm thương hiệu đại học thương mại HN:
Thứ nhất là nói về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Sao vàng đất Việt nói riêng là hoàn toàn có thể và đang nằm ở phía trước. Mọi doanh nghiệp đều có thể nghĩ đến, nhưng để triển khai thì chỉ có một số ít và rất ít doanh nghiệp có đủ điều kiện để vươn ra thị trường toàn cầu.
Như trên đã nói, sân chơi cho thương hiệu toàn cầu là không dành cho số đông doanh nghiệp, mà nó đòi hỏi những điều kiện liên quan tới quy mô, tiềm lực tài chính, sự khác biệt và sáng tạo trong sản phẩm, cách thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ v.v.
Và cũng rất cần những sự trợ giúp về môi trường kinh doanh, điều kiện quảng bá thương hiệu ra thị trường nước ngoài từ phía Chính phủ, Hiệp hội ngành hàng v.v.
Ý thứ hai: vấn đề này Nhà nước chưa có chính sách cụ thể, thế nên Hội doanh nghiệp trẻ đang có những kiến nghị để Nhà nước đưa ra sự hỗ trợ.
Ý thứ ba: Thứ nhất là phải ghi nhận khát vọng của bạn nhưng nếu bạn không đầu tư, không có sáng tạo để phát triển thì khát vọng và ý tưởng quán cơm vẫn mãi chỉ là quán cơm. Không phải mọi sản phẩm đều có thể vươn ra thị trường toàn cầu!
Bạn hãy cố gắng kinh doanh thật tốt với quán cơm của mình dựa trên những tiêu chí cần phải đạt đến, đó là: chất lượng, sản phẩm phải phù hợp với người tiêu dùng, phải có sự khác biệt (không phải là chất lượng cao nhất mà là có sự khác biệt so với những quán cơm khác). Ngoài ra còn các tiêu chí khác như giá cả, cách thức, thái độ phục vụ v.v.
Chúc bạn thành công và cho tôi xin địa chỉ để khi nào có dịp tôi sẽ ghé qua quán cơm của bạn!
- Xin các anh cho tôi biết, chính phủ và hiệp hội đóng vai trò như thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt nam mang tầm toàn cầu? (Thanh Thanh, thanhthang3499@... - Bình Đinh)
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thương hiệu của mình, trong những khuôn khổ mà hiệp hội thế giới cho phép. Có thể là hỗ trợ vốn, chính sách về thuế, khóa, đào tạo... mở ra cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải cá nhân doanh nghiệp nào cố định, trên cơ sở những tiêu chuẩn nhất định
Sao Vàng Đất Việt là giải thưởng tôn vinh thương hiệu có uy tín do Hội DNT VN tổ chức nhiều năm nay, có thể đánh giá hiệu ứng xã hội, cộng đồng và doanh nghiệp về giải thưởng sao Vàng đất Việt hay không? (Hà Minh Tuấn - doanh nghiệp nhỏ tại Bình Dương)
Ông Nguyễn Quốc Thịnh – Giám đốc trung tâm thương hiệu đại học thương mại HN:
Thứ nhất là giải thưởng Sao vàng đất Việt được ghi nhận là có uy tín nhất định tại Việt Nam và việc đánh giá hiệu ứng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp là một điều cũng rất cần thiết. Hiện nay, Trung tâm Thương hiệu của Đại học Thương mại cũng đang có ý định sẽ tiến hành khảo sát về uy tín của các giải thưởng thương hiệu Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi thì chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành khảo sát từ tháng 9 năm 2010!
- Xin được hỏi anh Lê Vĩnh Sơn, để xây dựng thương hiệu của Công ty anh, bản thân anh đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cho công ty mình như thế nào? thương hiệu đó có ảnh hưởng gì lớn trong nước và nước ngoài. (Hoàng Thanh Tùng, 27 tuổi, hoangtungdnt@gmail.com)
Ông Lê Vĩnh Sơn: Sơn Hà thành lập công ty vào năm 1998 và ngay sau khi thành lập thì việc đầu tiên ngoài sự phát triển kinh doanh, tổ chức sản xuất và phát triển thị trường vấn đề thương hiệu được lãnh đạo công ty đặt lên là một trong những điều quan trọng nhất và được thực hiện ngay lập tức. Nhãn hiệu Sơn Hà được đăng ký ngay sau khi nhận được đăng ký kinh doanh cấp cho công ty. Vào thời kì đó Việt Nam nổ ra một cuộc cạnh tranh về kiện cáo giữa các sản phẩm của Việt Nam và của quốc tế khi họ không đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường quốc tế và cả thị trường quốc nội. Đây là bài học đầu tiên mà Sơn Hà nhận được khi bắt tay vào làm thương hiệu, là việc phải bảo vệ và gìn giữ nó khi ta đã thực hiện được.
Tiếp theo đó là cả quá trình đầu tư toàn diện từ chế tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cho đến việc triển khai thị trường để đảm bảo được độ phủ và tính phổ cập đối với người tiêu dùng cho đến việc truyền thông một cách đồng bộ và rộng khắp. Truyền hình, báo chí, tạp chí và các loại biển bảng, pano ở trên các điểm phân phối được tính toán đầu tư một cách đồng bộ. Tuy nhiên, cái việc này thực hiện trên cơ sở quy mô của doanh nghiệp phù hợp với điều kiện mình có thể thực hiện được là hợp lý nhất về mặt chi phí.
Trải qua hơn 10 năm với sự nỗ lực liên tục đầu tư, ngoài công sức và trí tuệ không tính được tài chính cho đầu tư thương hiệu khoảng 2% trên doanh thu được doanh nghiệp thực hiện một cách đều đặn. Cùng với nó là việc thực hiện các chiến lược và chiến thuật theo từng thời kì được triển khai hết sức nghiêm túc.
Việc thực hiện thành công của Sơn Hà dựa trên ba yếu tố:
Thứ nhất là thời điểm. Thứ hai là sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, sự khát khao của việc tạo ra một thương hiệu Việt. Thứ ba là đặc thù của ngành hàng
Tất cả ba yếu tố này tạo ra Sơn Hà ngày hôm nay.
Danh hiệu TOP10 thương hiệu Việt Nam có gì khác biệt, tiêu chí để xét chọn là gì ? (Nguyễn Đình Kha, 37 tuổi, Hải Phòng)
Ông Nguyễn Mạnh Cường :
- Qua hai năm tổ chức bình chọn TOP10 luôn là những thương hiệu lớn tiêu biểu cho các ngành.
- Để đoạt giải thưởng doanh nghiệp phải qua 3 vòng bình chọn: (vòng sơ tuyển, vòng thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và vòng chung tuyển) đồng thời đáp ứng được các nhóm tiêu chí: các chỉ số kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh; tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm; tiêu chí đánh giá về công nghệ, môi trường và quản lý chất lượng; công tác xây dựng và phát triển thương hiêu; công tác quản lý, điều hành và phát triển nguồn nhân lực.
Riêng TOP10 tiêu chí đánh giá khắt khe hơn: doanh nghiệp phải đại diện tiêu biểu cho ngành và đảm bảo đầy đủ các chỉ số ưu tiên về tính minh bạch, doanh số, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu; tốc độ tăng trưởng, doanh số, số lao động, mức nộp ngân sách, hoạt động xã hội và mức đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP của địa phương…
Hiện có quá nhiều giải thưởng dành doanh nghiệp, doanh nhân, vậy sắp tới "Sao Vàng Đất Việt" có ý định đổi mới để nâng tầm Giải thưởng này lên không ? (Trần Văn Bắc, Đà Nẵng)
Ông Nguyễn Mạnh Cường :
- Tiếp tục nâng cao tính công khai và minh bạch của giải thưởng:
- Tính minh bạch của giải thưởng thể hiện:
+ Tiêu chí bình chọn: Tiêu chí bình chọn công khai minh bạch: Có sự kiểm định của xã hội và các chuyên gia đặc biệt về các chỉ tiêu kinh tế. Tiêu chí bình chọn giải thưởng vừa đảm bảo tính khuyến khích, đảm bảo tính chuyên nghiệp. Tiêu chí bình chọn TOP10, TOP100 phải thực sự khắt khe, minh bạch rõ ràng.
+ Thành viên Hội đồng bình chọn giải thưởng có sự tham gia tư vấn và đánh giá của các chuyên gia kinh tế độc lập trong và ngoài nước: tham vấn về cách thức tổ chức, tiêu chí và quy trình bình chọn,…;
+ Có sự Tham gia của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng cục thuế, các chuyên gia ngành: Đánh giá chính xác tình hình thực tế của DN, các DN hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù; Đánh giá chính xác các chỉ số tài chính của doanh nghiệp và tư vấn Ban tổ chức các chỉ số ưu tiên khi bình chọn.
+ Có sự tham gia của các cơ quan báo chí: Giúp tư vấn về vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Giúp tư vấn ý kiến đánh giá của dư luận với doanh nghiệp tham gia giải thưởng.
- Tính công khai của giải thưởng:
+ Danh sách các doanh nghiệp qua các vòng đều được niêm yết công khai trên website của giải thưởng; trên các đơn vị bảo trợ thông tin đề lấy ý kiến phản hồi từ xã hội
+ Từ năm 2010, Giải thưởng sẽ thành lập Hội đồng giám sát sau giải thưởng
- Tiếp tục nâng cao quyền lợi của các doanh nghiệp đoạt giải trước, trong và sau giải thưởng như: Tham gia Gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ với 1000 doanh nhân trẻ tiêu biểu nhân dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Được tham gia diễn đàn Asean - Trung Quốc tổ chức tại Việt Nam.
+ Đặc biệt trong năm 2009, CLB SVĐV được thành lập nhằm mục tiêu khẳng định và nâng cao uy tín của giải thưởng, phát huy hiệu quả tích cực của giải thưởng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm sau khi đoạt giải. Trung ương Hội DNT Việt Nam kỳ vọng Câu lạc bộ sẽ là nơi hội tụ của những doanh nghiệp tiêu biểu hàng đầu Việt Nam, là nơi những doanh nghiệp tâm huyết muốn tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất – kinh doanh và các hoạt động xã hội khác vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Khách mời của Tiền Phong Online: Tiến sĩ Nguyễn Quang A; Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch TT Hội LHTN Việt Nam, Phó Chủ tịch TT kiêm tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung Nguyên; ông Nguyễn Trung Trường, Giám đốc công ty cổ phần dây cáp điện Cadivi – chi nhánh miền Bắc; Ông Lê Vĩnh Sơn, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Sơn Hà; Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thương hiệu Đại học Thương Mại. |